Mang công nghệ chế biến điều ra nước ngoài, lo ngại mất ngôi vị số 1 về xuất khẩu điều nhân

Rate this post
Do nắm được công nghệ, 15 năm qua Việt Nam đã đứng đầu thế giới về chế biến và xuất khẩu điều nhân. Việc ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam chuyển sản xuất điều nhân sang châu Phi liệu có ảnh hưởng đến ngôi vị số 1 này trong trương lai?
Các nước châu Phi – nơi sản xuất trên dưới 3,6 triệu tấn điều/năm. Trong đó, dẫn đầu là Bờ Biển Ngà, với trữ lượng điều thô nhiều nhất thế giới (hơn 750.000 tấn/năm), rất muốn các doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư trang thiết bị, nhà máy tại đất nước này để chế biến điều.
Xu thế chuyển sản xuất chế biến nhân điều ra nước ngoài
Hiện có một số doanh nghiệp trong nước và Việt kiều ở Bờ Biển Ngà đang đầu tư nhà máy chế biến điều tại đây. Trong đó, Công ty CP Long Sơn là một ví dụ, đã có giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy chế biến điều ở Bờ Biển Ngà, doanh nghiệp này cũng đã được cấp đất và trả xong phần tiền đất nhưng do đại dịch Covid-19 nên tiến độ bị chậm lại so với dự kiến.
Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Long Sơn cho biết, Chính phủ các nước châu Phi đang có các chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trong ngành điều. Đứng trước xu thế này thì tất cả các doanh nghiệp điều lớn của Việt Nam không còn cách nào khác là phải mạnh dạn bước ra “biển lớn” chấp nhận sóng gió, nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau vì cơ hội kinh doanh sẽ không như thế này mãi.
Doanh nghiệp các nước Nhật Bản, Hàn Quốc … đã làm công việc này rất tốt từ rất lâu rồi, và Chính phủ nước họ cũng đang đẩy mạnh vấn đề này. Hiện Long Sơn đã có công ty liên doanh với các doanh nghiệp Nhật Bản, Anh Quốc, Trung Quốc và Công ty đa quốc gia Olam (Singapore).
Trước xu thế này không loại trừ trường hợp là tất cả các doanh nghiệp lớn trong ngành điều sẽ chuyển nhà máy sản xuất chế biến điều sang châu Phi, bởi vì máy móc dây chuyền chế biến nhân điều của Việt Nam rất tốt và ngày càng hoàn thiện, trong khi đó, cơ hội chế biến xuất khẩu điều nhân thành công ở Châu Phi ngày càng cao.
Hiện nay, Chính phủ châu Phi đánh thuế rất cao lên điều thô xuất khẩu, mặt khác họ nâng mức trợ giá chế biến điều nhân cực kỳ cao để thu hút đầu tư nước ngoài. Chính phủ châu Phi làm như vậy vì mong muốn doanh nghiệp Việt Nam đem dây chuyền cũng như chuyển giao công nghệ chế biến điều nhân về châu Phi, tạo công ăn việc làm cho người dân trong nước và dần làm chủ công nghệ chế biến điều.
“Là một trong số các doanh nghiệp xuất khẩu nhân điều lớn của Việt Nam, chúng tôi phải nhìn nhận xu hướng và chấp nhận đi theo xu hướng phát triển của thời đại để gia nhập cuộc chơi và “chơi tới bến” hoặc là không tham gia, và như vậy là coi như đầu hàng chứ không còn cách nào khác, vì chúng ta không thể đi ngược xu thế vì chắc chắn sẽ bị tụt hậu.
Hiện Chính phủ châu Phi đang chịu lỗ để doanh nghiệp chế biến điều được hoàn thuế với một khoản tiền khá cao nhằm mục đích “kéo” các công ty Việt Nam sang đầu tư dây chuyền chế biến điều. Thực ra họ đang lấy tiền thuế đánh rất cao lên xuất khẩu điều thô rồi bù cho chế biến điều nhân, và trong tương lai Châu Phi sẽ đối thủ cạnh tranh rất đáng gờm của ngành điều Việt Nam”, ông Sơn khẳng định.

Liệu có ảnh hưởng đến ngành chế biến điều trong nước?

Việt Nam là nước xuất khẩu điều nhân số 1 thế giới nhưng nguyên liệu sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu của các nhà máy chế biến, buộc các công ty phải nhập khẩu điều thô. Bây giờ, các doanh nghiệp điều có xu hướng chuyển nhà máy chế biến điều nhân sang châu Phi. Liệu có ảnh hưởng đến ngành chế biến điều trong nước?
Hơn 20 năm trước từ một nước xuất khẩu hạt điều thô giá trị thấp, Việt Nam đã vươn lên trở thành siêu cường về chế biến và xuất khẩu nhân điều. Có được thành công này là do Việt Nam làm chủ được công nghệ chế biến nhân điều tiên tiến và đến nay hầu như chỉ có Việt Nam mới có được. Do vậy, không chỉ các nước có nền công nghiệp chế biến lạc hậu, như Ấn Độ và Brazil mà các nước có diện tích trồng điều lớn ở châu Phi lâu nay chỉ biết xuất khẩu điều thô đều “thèm muốn” làm chủ được công nghệ chế biến điều tiên tiến của Việt Nam.
Từ năm 2006, nhiều đoàn từ các nước, như: Ấn Độ, Bờ Biển Ngà, Nigeria, Mozambique, Tanzania… đến Việt Nam để tìm hiểu và mong tiếp cận công nghệ chế biến điều của Việt Nam. Trong đó, phải kể đến Bờ Biển Ngà – quốc gia trồng và xuất khẩu điều thô lớn nhất thế giới không dấu tham vọng nâng cao năng suất, sản lượng và đẩy mạnh năng lực chế biến điều nhân ngay trong nước lên 50% với thiết bị, công nghệ và nhân lực từ Việt Nam thay vì xuất thô.
Hiện nay, năng suất trồng điều của Bờ Biển Ngà chỉ khoảng 0,4- 0,7 tấn/ha, trong khi đó năng suất trồng điều của Việt Nam đạt từ 1,2 – 1,4 tấn/ha, không chỉ vậy, năng lực chế biến nhân điều của nước này cũng chỉ đạt khoảng 6%. Do vậy, Chính phủ Bờ Biển Ngà rất muốn hợp tác với Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm cải tạo vườn điều và kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nhà máy chế biến điều tại đây.
Để có thể đạt được mục tiêu này, Bờ Biển Ngà đã tăng bảo hộ sản xuất trong nước, hạn chế xuất khẩu điều thô bằng cách tăng thuế xuất khẩu. Ngoài ra, để được chuyển giao công nghệ, máy móc Chính phủ nước này đã tăng cường hợp tác với Việt Nam như ký biên bản hợp tác với tỉnh Bình Phước, Hiệp hội Điều Việt Nam, liên kết mở trường dạy nghề tại Bờ Biển Ngà với Đại học Bách khoa TP.HCM cũng như mở văn phòng đại diện tại TP.HCM…
Kinh tế toàn cầu là xu thế của thế giới hiện nay, song, hợp tác như thế nào là để công nghệ chế biến điều trong nước không lọt vào tay nước khác và công nhân trong ngành điều không bị mất việc vì sự dịch chuyển dây chuyền chế biến mới là điều đang quan tâm.

NGUYỄN HUYỀN

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version