Lợi nhuận VEAM có thể giảm 20% nhờ giảm 50% lệ phí trước bạ

Rate this post
VEAM sẽ được hưởng lợi thông qua liên doanh Toyota Việt Nam sau khi Thủ tướng Chính phủ thông qua giảm 50% lệ phí trước bạ. Tuy nhiên, lợi nhuận cả năm 2020 của VEA vẫn được dự báo giảm gần 20%.
Ảnh minh họa.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2020. Việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô là một trong những giải pháp được Bộ Công Thương đề xuất lên Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục sản xuất, kinh doanh, kích thích tiêu dùng trong nước.
Ước tính mức giảm của một số dòng xe. (Nguồn BSC)
Các hãng xe với tỷ trọng xe lắp ráp trong nước lớn sẽ được hưởng lợi: Vinfast (100% xe sản xuất trong nước), TC Motor (các mẫu xe: Santafe, Grand i10, Kona, Accent, Elantra, Tucson), Thaco Trường Hải (xe Kia, Mazda…), Toyota (các mẫu xe: Vios, Camry, Innova, Corolla Atis, Fortuner), Ford (ba mẫu Eco Sport, Transit, Tourneo), Honda (mẫu xe Honda City).
Với Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam- VEAM (mã VEA) hiện đang có 3 liên doanh là Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam (TVM), Ford Việt Nam.
TVM với chiến lược tập trung vào dòng xe lắp ráp trong nước với tỷ trọng 78% quý I/2020 tăng từ mức 57% năm 2019, trong khi đó Honda và Ford Việt Nam có xu hướng giảm dần tỷ trọng xe lắp ráp, CTCK BIDV (BSC) kỳ vọng với quy định này Toyota Việt Nam là đơn vị trong 3 liên doanh của VEA được hưởng lợi nhiều hơn cả.
Trong quý I/2020, doanh thu của VEA đạt 998 tỷ đồng (-11,3%), lợi nhuận sau thuế đạt 1.325 tỷ đồng (tăng nhẹ 4,2% so với cùng kỳ) nhờ chủ yếu vào doanh thu tài chính tăng (+30%) trong khi đó lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết đạt 1.165 tỷ đồng (giảm nhẹ -3%).
Hiện Honda đóng góp phần lớn 90% lợi nhuận từ liên doanh liên kết và 77% lợi nhuận trước thuế cho VEA.
Quý I/2020, Honda Việt Nam ghi nhận mức doanh thu đạt 22.300 tỷ đồng (giảm nhẹ -2,8%) tuy nhiện lợi nhuận sau thuế đạt 3.500 tỷ đồng (+14,3%). Lợi nhuận Honda Việt Nam đóng góp cho VEA vào khoảng 1.050 tỷ đồng. Sự tăng trưởng của Honda đến chủ yếu từ mảng kinh doanh xe máy.
Theo công bố, sản lượng xe máy 3 tháng đầu năm của Honda đi ngang (+0,5%), chiếm 77,4% thị phần tăng từ mức 74,6% quý 1/2019, giảm so với mức 79% cả năm 2019.
Mặc dù vậy, nhu cầu tiêu thụ xe máy tại Việt Nam đang có xu hướng giảm và thị trường xe máy dần bão hòa. BSC cho rằng năm 2020, sản lượng tiêu thụ xe sẽ giảm tương đối 8-10% bởi đại dịch Covid-19 và trong dài hạn, tăng trưởng sản lượng xe máy của Honda duy trì ở mức thấp khoảng 1-2%/năm.
Trong khi đó, Toyota Việt Nam (TVM) và Ford Việt Nam sụt giảm kết quả kinh doanh rõ rệt trong quý I/2020 do ảnh hưởng đại dịch Covid-19.
Quý I/2020, TVM có lợi nhuận sau thuế đạt 657 tỷ đồng (-37%), đóng góp 131 tỷ đồng vào lợi nhuận cho VEA với sản lượng tiêu thụ đạt 14.006 xe (-26%), biên lợi nhuận gộp giảm từ xuống 15,6% từ mức 16,9% do trước sự cạnh tranh gay gắt, doanh nghiệp đã giảm giá bán xe, biên lợi nhuận ròng cũng suy giảm do các đại lý đẩy mạnh việc bán hàng.
Còn Ford Việt Nam ghi nhận mức lỗ -122 tỷ đồng (sụt giảm từ mức 275 tỷ đồng quý I/2019) với doanh số bán xe chỉ đạt 3.883 xe (-48,2%).
Nguồn thu nhập tài chính quý I/2020 của VEA đến từ tiền gửi ngân hàng tăng mạnh đạt 229,3 tỷ (+30%) nhờ lượng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn và không kỳ hạn lớn khoảng 13.000 tỷ. BSC cho rằng lượng tiền gửi dồi dào này sẽ đóng góp thu nhập tài chính ước tính khoảng 900-1.000 tỷ đồng cho VEA năm 2020 với lãi suất tiền gửi ở mức trung bình 6,2-6,3% (giảm so với mức trung bình 6,7% năm 2019).
BSC ước tính lợi nhuận sau thuế của VEA trong năm 2020 đạt 5.921 tỷ VND (-19%) tương đương EPS 4.421 đồng/cp. Hiện trên sàn UPCoM, cổ phiếu VEA đang được giao dịch ở mức trên 40.000 đồng/cổ phiếu và đang là khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục của quỹ đầu tư PYN Elite.

MAI HƯƠNG

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version