Trong quyết định trả hồ sợ vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại khu “đất vàng” số 8 – 12 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra bổ sung 4 nội dung.
Trong đó có yêu cầu điều tra làm rõ hành vi có dấu hiệu đồng phạm với bị can Nguyễn Thành Tài, cựu Phó Chủ tich UBND TP.HCM của các ông Lưu Văn Thăng, Chủ tịch HĐQT CTCP Xăng dầu Vitaco; ông Nguyễn Minh Xuân, Chủ tịch HĐQT CTCP Kim khí TP.HCM; ông Nguyễn Khắc Thám, Chủ tịch HĐQT CTCP Hóa chất vật liệu điện TP.HCM và ông Nguyễn Đình Hiền, Chủ tịch HĐQT CTCP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn.
Trong bản kết luận điều tra bổ sung hoàn tất ngày 16/4 vừa qua, Cơ quan CSĐT Bộ Công an giữ nguyên quan điểm tại bản kết luận điều tra số 114 hồi tháng 12/2019.
Theo đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an kết luận không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với các ông Thăng, Thám, Xuân và Hiền về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí với vai trò đồng phạm với bị can Nguyễn Thành Tài.
Thứ nhất, Cơ quan điều tra nêu kết luận giám định ngày 14/10/2019 của giám định viên Bộ Tài chính, kết luận đối tượng được mua nhà theo quy định tại khoản 4 điều 1 Quyết định 140 của Thủ tướng là các công ty đang thuê nhà của CTCP Kinh doanh nhà TP theo quy định tại thời điểm nhà nước xem xét việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng hình thức chỉ định (nếu có).
Nhóm 4 doanh nghiệp trên là các công ty đang thuê nhà đất tại số 8-12 Lê Duẩn của Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP. Do đó, thuộc trường hợp được xem xét mua tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng hình thức chỉ định.
Tại các Quyết định số 1098, 1099 ngày 13/3/2008 của UBND TP về việc thu hồi nhà đất tại số 8-12 Lê Duẩn có nêu: Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP có trách nhiệm bố trí di dời cho các đơn vị đang thuê nhà về địa điểm do công ty quản lý theo quy định. Tuy nhiên Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP không triển khai thực hiện việc bố trí trụ sở mới cho nhóm 4 doanh nghiệp. Nhóm 4 doanh nghiệp vẫn đóng tiền thuê đất đến hết ngày 13/6/2011. (Ngày 14/6/2011, UBND TP mới ban hành quyết định cho CTCP Đầu tư Lavenue thuê đất, giao đất tại số 8-12 Lê Duẩn).
Thứ hai, tại thời điểm bị can Nguyễn Thành Tài ký ban hành quyết định giao đất và cho thuê đất tại số 8-12 Lê Duẩn cho CTCP Đầu tư Lavenue không đúng đối tượng, áp dụng 2 hình thức giao và thuê trên cùng một dự án đầu tư; chấp thuận cho thanh lý nhà số 12 Lê Duẩn mà không giao cơ quan chuyên môn thẩm định, xác định giá trị tài sản, trái với các quy định của pháp luật, thì nhóm 4 doanh nghiệp đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Đầu tư Lavenue (29/10/2010); không còn phát sinh bất kỳ quyền và lợi ích nào tại khu đất 8-12 Lê Duẩn. Việc chuyển nhượng cổ phần đã được Sở Kế hoạch Đầu tư TP chấp thuận, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ nhất.
Thứ ba, kết quả điều tra đến nay chưa có tài liệu thể hiện việc chiếm hưởng, vụ lợi cho cá nhân các ông Thám, Thăng, Hiền và Xuân từ việc chuyển nhượng cổ phần; khoản tiền thu lợi được nhóm 4 doanh nghiệp sử dụng vào việc chi trả cổ tức, đầu tư, sản xuất kinh doanh, xây dựng trụ sở công ty… Đến nay chưa xác định được hậu quả, thiệt hại do hành vi của các cá nhân này gây ra vì khoản tiền 50 tỷ/mỗi công ty thu lợi là tiền của Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô, không phải tiền từ ngân sách nhà nước. Đến nay Công ty Đầu tư Kinh Đô không có khiếu kiện, yêu cầu gì liên quan đến số tiền này.
Thứ tư, kết quả điều tra đến nay không có tài liệu chứng minh việc 4 vị lãnh đạo doanh nghiệp có hành vi bàn bạc, thông đồng với các bị can Nguyễn Thành Tài, Đào Anh Kiệt, Nguyễn Hoài Nam, Trương Văn Út, Lê Thị Thanh Thúy, Nguyễn Thị Thu Thủy để thực hiện hành vi phạm tội gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Do vậy không có căn cứ xác định hành vi của các ông Thám, Hiền, Xuân và Thăng đồng phạm với bị can Nguyễn Thành Tài.
Liên quan tới giao dịch chuyển nhượng cổ phần của 4 vị lãnh đạo doanh nghiệp trên, tại bản kết luận điều tra 114, Cơ quan CSĐT Bộ Công an nêu, ban đầu TP.HCM giao CTCP Hòn Ngọc Viễn Đông (các cổ đông sáng lập gồm Công ty Quản lý kinh doanh nhà, Công ty Vàng bạc đá quý TP, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn) làm chủ đầu tư thực hiện dự án tại số 8-12 Lê Duẩn. Tuy nhiên, do bị chi phối bởi tình cảm, ông Nguyễn Thành Tài đã chấp thuận cho Công ty Quản lý Kinh doanh nhà hình thành pháp nhân mới để thực hiện đầu tư dự án, chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm mua cổ phần tham gia đầu tư dự án mà không thẩm định năng lực tài chính doanh nghiệp.
Ngay sau khi được chấp thuận chủ trương cho thành lập pháp nhân mới, ngày 20/8/2010, nhóm 4 công ty đang thuê trụ sở tại số 8-12 Lê Duẩn gồm CTCP Xăng dầu Vitaco, CTCP Kim khí TP.HCM, CTCP Hóa chất vật liệu điện TP.HCM và CTCP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn đã ký thỏa thuận nguyên tắc với Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (nay là Công ty TNHH Đầu tư Kido).
Theo đó, thỏa thuận quy định mỗi công ty thuộc nhóm 4 công ty cùng với Công ty Quản lý kinh doanh nhà hoàn tất các thủ tục pháp lý thành lập pháp nhân mới (CTCP) có quyền đầu tư phát triển dự án tại khu đất số 8-12 Lê Duẩn. Nhóm 4 công ty thực hiện nghĩa vụ góp vốn điều lệ của mình vào pháp nhân mới bằng việc ký hợp đồng vay với Công ty Kinh Đô.
Thỏa thuận cũng nêu, nhóm 4 công ty đồng ý chuyển nhượng cho Kinh Đô quyền đầu tư phát triển dự án trên khu đất 8-12 Lê Duẩn (tức là chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mỗi công ty tại pháp nhân mới ngay khi trở thành cổ đông sáng lập và hoàn tất nghĩa vụ góp vốn trong CTCP). Nhóm 4 công ty không còn được hưởng bất kỳ quyền lợi nào khác liên quan đến quyền đầu tư phát triển dự án 8-12 Lê Duẩn khi nhóm 4 công ty hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần.
Thực hiện thỏa thuận nguyên tắc trên, ngày 15/9/2010, nhóm 4 công ty đang thuê đất đã ký các hợp đồng với Công ty Kinh Đô để vay số tiền 12,5 tỷ đồng/mỗi công ty; sau đó dùng số tiền này để góp vốn thành lập CTCP Đầu tư Lavenue – chủ đầu tư dự án 8-12 Lê Duẩn, tương đương mỗi công ty nắm giữ 12,5% vốn điều lệ.
Ngày 10/9/2010, Sở Kế hoạch Đầu tư TP cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Công ty Lavenue, vốn điều lệ 100 tỷ, bà Lê Thị Thanh Thúy là Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật. Các cổ đông gồm Công ty Quản lý kinh doanh nhà nắm 20% vốn, Công ty Hoa Tháng Năm nắm 30%, mỗi công ty gồm Hóa chất Vật liệu điện, Kim khí, Thiết bị phụ tùng và Vitaco nắm 12,5% vốn.
Ngay sau khi thành lập Công ty Lavenue, ngày 29/10/2010, nhóm 4 công ty đã ký với Công ty Kinh Đô 4 hợp đồng chuyển nhượng, theo đó chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của nhóm 4 công ty này tại Công ty Lavenue cho Kinh đô. Số lượng 1,25 triệu cổ phần/mỗi công ty, giá chuyển nhượng 50.000 đồng/CP, giá trị 62,5 tỷ đồng/công ty.
Sau khi trả nợ khoản vay của Công ty Kinh Đô trước đó để góp vốn vào Lavenue là 12,5 tỷ/công ty, nhóm 4 công ty này thu về số tiền 50 tỷ đồng/mỗi công ty.
HUYỀN TRÂM
Nguồn: bizlive.vn