Không thể kéo dài tình trạng “mù mờ” truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Rate this post
Truy xuất nguồn gốc đã và đang trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu bắt buộc trong hoạt động xuất, nhập khẩu và quản lý chất lượng sản phẩm, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã nói: “Một nền nông nghiệp mù mờ sẽ dẫn đến hệ quả phải giải cứu”.
“Một nền nông nghiệp mù mờ sẽ dẫn đến hệ quả phải giải cứu”, câu nói của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan được bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam nhắc lại tại Hội thảo trực tuyến “Truy xuất nguồn gốc – nâng tầm nông sản Việt”, do Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây.

Bà Thực nêu, hiện nay người sản xuất còn “mù mờ” về thị trường, nơi tiêu thụ, quy chuẩn chất lượng, trong khi thị trường cũng “mù mờ” về sản xuất. Điều này dẫn đến hệ quả phải hỗ trợ tiêu thụ, chia cắt chuỗi cung ứng ngành hàng trong kết nối cung-cầu, người tiêu dùng cũng mất niềm tin vào chính hệ thống quản lý, giám sát, hệ thống phân phối của chuỗi nông sản…

Theo bà Thực, cần minh bạch dữ liệu, thông tin, bởi chỉ có minh bạch dữ liệu, thông tin thì nông nghiệp mới vươn xa, mới có trách nhiệm với người tiêu dùng.

“Mọi người thường nghĩ truy xuất nguồn gốc là bị thanh tra, kiểm tra, bị bắt buộc phải làm, nên đại bộ phận làm chống đối, nhưng đây là sai lầm nghiêm trọng”, bà Nguyễn Thị Thành Thực nêu ý kiến.

Đưa ra lời khuyên về đẩy mạnh chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bà Thực cho rằng: “Sản xuất hàng hóa của chúng ta càng ngày càng tiến tới không biên giới, do vậy không nên phân biệt truy xuất hàng hóa chỉ cần cho những sản phẩm xuất khẩu còn sản phẩm trong nước thì không.”

Đánh giá thêm về thực trạng, bà Nguyễn Thị Thành Thực cho rằng, việc truy xuất nguồn gốc hiện nay cũng gặp phải thực trạng khó khăn từ nhiều phía, trong đó cơ quan quản lý nhà nước chưa có các chế tài nghiêm khắc xử lý các sai phạm khi truy xuất nguồn gốc; quản lý lưu thông hàng hóa chưa nghiêm, còn để vi phạm giả mạo mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói khi xuất khẩu nông sản..

Hơn nữa, nhận thức của một bộ phận người dân chưa biết cách bảo vệ sản phẩm, uy tín của mình. Còn nhiều tình trạng ghi chép, lưu trữ hồ sơ theo cách chống đối; nhiều trường hợp vi phạm giả mạo hồ sơ giấy tờ sản phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn, mã số vùng trồng.

Tình trạng loạn phần mềm truy xuất nguồn gốc, loạn app diễn ra còn khá phổ biến, các tiêu chí quy định về truy xuất nguồn gốc còn lạc hậu so với thị trường thế giới, thiếu chủ động đổi mới nên liên tục bị bất ngờ với các hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu.

Bà Thực đưa ra kiến nghị, Nhà nước cần có khung chính sách sát thực, cụ thể, kiểm soát nghiêm ngặt việc tuân thủ về quy định truy xuất nguồn gốc. Người dân, cán bộ quản lý cần nâng cao nhận thức, thực hiện trách nhiệm theo quy định về truy xuất nguồn gốc, đồng thời có những công cụ phù hợp, dễ ứng dụng với từng loại sản phầm ngành hàng để người dân, doanh nghiệp dễ thực hiện ghi chép đa phương tiện và minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm.

Đối với các doanh nghiệp, cần tìm hiểu pháp luật, trước tiên là pháp luật nội địa. Tương tự như vậy, khi muốn xuất khẩu sang thị trường nào doanh nghiệp cũng cần nắm vững quy định nơi đó bằng việc nắm thông tin qua các chương trình xúc tiến.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay, hầu hết các nước đều đưa ra yêu cầu về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đói với nông sản nhập khẩu.

Bộ NN&PTNT đã cấp 3.624 mã số vùng trồng tại 48/63 tỉnh, thành phố, chủ yếu là các loại trái cây; cấp 1.826 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc…

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết thêm, hiện nay, Bộ NN&PTNT đang có kế hoạch áp dụng truy xuất nguồn gốc nông sản không chỉ với thị trường xuất khẩu, mà với cả thị trường tiêu thụ nội địa 100 triệu dân.

Trong giai đoạn 2021-2030, Bộ NN&PTNT xác định việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, xây dựng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản là một trong những định hướng quan trọng để thực hiện mục tiêu đẩy mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành.

“Chính vì thế truy xuất nguồn gốc hơn bao giờ hết là nội dung hết sức quan trọng, đòi hỏi sự cố gắng của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT và các bộ ngành liên quan trong hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách. Tới đây, việc truy xuất nguồn gốc phải được thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ, khả thi hơn, đáp ứng được đầy đủ và không để bị động trước bất cứ đòi hỏi, tiêu chuẩn của thị trường nào”, ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

LAN ANH

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version