Không bị áp quota, xuất khẩu nếp tấm sang Trung Quốc tăng mạnh

Rate this post
Mỗi năm Trung Quốc cấp quota nhập khẩu cả gạo và nếp cho Việt Nam khoảng 400.000 tấn, riêng nếp tấm không hạn chế quota và thuế nhập khẩu cũng rẻ hơn nhiều so với nếp nguyên hạt.

Thu hoạch nếp ở xã Phú Thọ, huyện Phú Tân (An Giang) – Ảnh: Duy Khang
Nếp là một trong các cơ cấu giống được người nông dân trồng nhiều nhất hiện nay ở Miền Tây bên cạnh gạo thơm.
Trung Quốc đang có nhu cầu nhập khẩu nếp để phục vụ nhu cầu Tết âm lịch sắp tới. Nhưng trên thị trường nếp đang xảy ra một nghịch lý là doanh nghiệp Trung Quốc không nhập khẩu nếp nguyên hạt mà đang đẩy mạnh nhập khẩu nếp tấm.
Lách quota – xuất khẩu nếp tấm tăng mạnh
Cuối năm 2018, Trung Quốc áp nếp vào loại hàng quản lý quota, mặc dù họ vẫn có nhu cầu nhập khẩu nếp để tiêu dùng trong các dịp lễ và Tết âm lịch. Để bù đắp lượng nếp bị thiếu hụt từ nguồn cung Việt Nam, Trung Quốc đã tăng nhập khẩu nếp từ các nước lân cận như Lào, Campuchia và Thái Lan, đã làm cho giá nếp ở các nước này tăng đột biến, còn nếp vụ Đông Xuân 2019 của Việt Nam thì bị dư thừa nên giảm giá rất sâu.
Năm 2019, theo hạn ngạch Trung Quốc cấp cho Việt Nam là hơn 300.000 tấn gạo hạt dài, nhưng có một số khác là đi hàng thuế nên tổng khối lượng gạo xuất khẩu vào Trung Quốc là 400.000 tấn. Cũng trong năm 2019, Việt Nam xuất khẩu chính ngạch nếp (chịu thuế cao) khoảng 700.000 tấn vào thị trường Trung Quốc.
Năm 2020, Trung Quốc vẫn áp quota nhập khẩu gạo và nếp của Việt Nam là 400.000 tấn. Các doanh nghiệp Việt Nam dùng quota để xuất khẩu nếp và đến nay lượng quota này vẫn còn nên các doanh nghiệp Trung Quốc có thể tăng nhập khẩu nếp. Tuy nhiên, giá nếp đang cao nên họ chỉ mua nếp tấm.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho biết, hiện nay lượng nếp tấm xuất khẩu sang Trung Quốc tăng rất mạnh do mặt hàng này không bị áp quota, và vì xuất khẩu nếp tấm không có hạn ngạch nên lượng mua bán không hạn chế, nhờ vậy thời gian gần đây xuất khẩu nếp tấm sang Trung Quốc rất tốt.
“Nếu so với thuế nhập khẩu nếp nguyên hạt thì thuế nhập khẩu nếp tấm rẻ hơn nhiều. Thuế nhập khẩu nếp tấm khoảng 65 USD/tấn, cộng với khoảng 20 USD/tấn phí gia công nếp nguyên hạt ra nếp tấm như vậy tổng cộng chỉ khoảng 85 USD/ tấn, trong khi phí mua quota nhập khẩu gạo và nếp khoảng 145 – 165 USD/tấn. Và theo các nhà nhập khẩu Trung Quốc thì nếp sau khi mua về trước sau gì cũng phải xay ra thành bột để làm bánh các loại, nên doanh nghiệp Trung Quốc không cần phải nhập khẩu nếp nguyên hạt với thuế suất cao”, ông Đôn cho hay.
Hiện nay, giá nếp tấm trên thị trường xuất khẩu đang dao động trên dưới 570 USD/ tấn, tăng lên 20 USD/ tấn so với 2 tháng trước, và đang có khả năng tăng lên 580 USD/ tấn, nhưng hiện nay nguồn cung nếp đang rất hạn chế.
Giải “bài toán” tồn trữ và kinh doanh nếp
Thông thường nhu cầu nếp sẽ tăng cao vào quý 4 hàng năm, vì đây là giai đoạn các nhà nhập khẩu nếp ở Trung Quốc tăng mua phục vụ thị trường tết âm lịch của quốc gia họ.
Để có nguồn nếp đạt chất lượng các doanh nghiệp thường mua nếp vụ Đông Xuân, vì nếp thu hoạch vụ này cho chất lượng tốt có thể tồn trữ lâu. Tuy nhiên, nhu cầu nếp thường tăng mạnh vào quý 4 nên doanh nghiệp phải tốn chi phí tồn trữ trong nhiều tháng. Đây là bài toán đặt ra cho các nhà buôn nếp.
Theo Nguyễn Chánh Trung, Giám đốc mảng gạo Tập đoàn Tân Long, các doanh nghiệp kinh doanh nếp đều nắm chắc tình hình kể từ tháng 10 của quý 4 hàng năm, nhu cầu nếp trên thị trường sẽ tăng cao nhưng đến tết thì nhu cầu nếp lại giảm, như vậy phải ứng xử với tình hình này là như thế nào, trong khi đó ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lại trồng một lượng nếp khá lớn trong vụ Đông Xuân, sản lượng thu hoạch khoảng hơn 2 triệu tấn nếp tươi, tương đương 1 triệu nếp khô.
Đứng ở góc độ nhà sản xuất, để có nếp kinh doanh trong quý 4 các doanh nghiệp thường phải mua nếp ngay trong vụ Đông Xuân để có loại nếp đạt chất lượng cao, vì đặc thù của nếp sấy sau thu hoạch độ ẩm chỉ có 12,5 độ %, và giá nếp trong vụ Đông Xuân không được quá cao. Nếu quá cao thì doanh nghiệp sẽ có rủi ro. Giả sử, doanh nghiệp mua nếp vụ Đông Xuân có giá khoảng 12.500 đ/kg, phải lưu kho tới tháng 10, tháng 11 chi phí 1kg nếp khoảng hơn 1.000 đ/kg mà lại bị choáng kho, do vậy, người kinh doanh nếp phải được bù đắp bằng lợi nhuận đó là giá mua vào vụ Đông Xuân phải rẻ để cuối năm bán được giá tốt.
Dự báo, thị trường nếp từ đây đến cuối năm sẽ rất sôi động do nhu cầu tăng cao mà nguồn cung trong nước đang cạn kiệt, vì vụ Hè Thu và Thu Đông diện tích xuống giống nếp ở các tỉnh trồng nếp trọng điểm như Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp và An Giang diện tích trồng nếp của bà con trồng nếp rất hạn chế.
“Giá nếp đang tăng cao mà nguồn cung nếp đã bị cạn nên bây giờ Việt Nam chỉ xuất khẩu tấm nếp mà tấm nếp thì không có hạn ngạch nên doanh nghiệp Trung Quốc đã mua trực tiếp với doanh nghiệp Việt Nam. Nhờ vậy tấm nếp Việt Nam được xuất đi thẳng sang thị trường Trung Quốc mà không còn phải đi vòng qua Campuchia hay Thái Lan như trước đây”, ông Đôn chia sẻ.
Không như năm 2019, năm nay cả Lào, Campuchia, Thái Lan không chỉ xuất khẩu nếp qua nước thứ ba mà họ cũng có nhu cầu tiêu thụ, ngay cả Malaysia cũng có nhu cầu tiêu thụ nếp.

DUY KHANG

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version