Khối CPTPP đang dẫn đầu thị trường tôm Việt Nam

Rate this post
Khối CPTPP đang chiếm 31% thị phần tôm xuất khẩu của Việt Nam, 4 tháng đầu năm đạt 297,2 triệu USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ảnh minh họa.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 4 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 961,9 triệu USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm tôm chiếm 75,8% tổng XK tôm, tăng 20%. Kết quả này phản ánh sự nắm bắt nhạy bén thị trường của các DN tôm Việt Nam để vượt qua trở ngại của nhiều làn sóng Covid.
Trong tháng 4/2021, top 10 thị trường xuất khẩu có 8 thị trường tăng trưởng dương khả quan, chỉ riêng giá trị xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Nga giảm lần lượt 9,4% và 9% so với cùng kỳ năm 2020.
Dẫn đầu top 10 là khối thị trường CPTPP, với tổng giá trị xuất khẩu tôm đạt 297,2 triệu USD, chiếm gần 31%, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 4/2021, giá trị xuất khẩu sang thị trường lớn nhất khối là Nhật Bản đã tăng gần 6%, đạt 177,9 triệu USD.
Một thị trường nổi bật trong khối thị trường CPTPP trong 4 tháng đầu năm nay là Australia, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia trong tháng 4 tăng rất mạnh 177,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Kế đến là thị trường Mỹ, tuy nhiên nếu xét thị trường đơn lẻ thì Mỹ vốn là thị trường xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam nên thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia xuất sang thị trường này.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 198 triệu USD, chiếm 20,6% tổng giá trị xuất khẩu tôm, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước. Kể từ tháng 3/2021, giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ tăng trưởng mạnh, từ 47-48% so với cùng kỳ năm 2020 và tới nay, Mỹ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu tôm chân trắng hàng đầu của các doanh nghiệp.
Với thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 là EU, nhiều chuyên gia nhận định năm 2021 sẽ là năm nhập khẩu tôm của EU giảm, và giảm theo tốc độ của năm đầu tiên ảnh hưởng bởi Covid (2020). Tuy vậy, tính tới hết tháng 4/2021, tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU vẫn đạt 145,7 triệu USD, tăng 18,5%. Riêng tháng 4/2021, giá trị XK đạt gần 50 triệu USD, tăng 45,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
2 thị trường lớn tthứ 4 và 5 là Hàn Quốc và Trung Quốc, giá trị xuất khẩu tôm hàng tháng gần tương đương nhau. Đây là 2 thị trường nhập khẩu tôm khá lớn tại Châu Á với sức tiêu thụ khá lớn và ổn định, tổng giá trị xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc trong 4 tháng đầu năm nay đạt 98,5 triệu USD, giảm nhẹ 0,7%. Trong khi đó, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt 98 triệu USD, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước.
Thời gian qua, xu hướng gia tăng sản phẩm tôm nhập khẩu của 2 thị trường này khác biệt nhau, trong khi Hàn Quốc đang gia tăng nhập khẩu tôm chân trắng từ Việt Nam thì Trung Quốc lại tăng nhập khẩu các sản phẩm tôm biển. Tuy nhiên, từ tháng 4/2021, giá trị xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc tăng trưởng dương trong khi sang Trung Quốc ngược lại.
“Có thể thấy, từ tháng 4/2021 xuất khẩu tôm đã bắt đầu có nhiều dấu hiệu tích cực ở một số thị trường lớn. Dự báo, trong quý 2/2021, tổng giá trị xuất khẩu tôm có thể tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước do giá trị xuất khẩu ở hầu hết thị trường sẽ phục hồi hoặc tăng trưởng dương”, đại diện VASEP cho biết.

NGUYỄN HUYỀN

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version