Hyundai Thành Công đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô nội, Audi phản đối, nói thiếu công bằng

Rate this post
Trước đề xuất giảm 50% mức lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được Thành Công Motor đưa ra, Audi cho rằng cần hỗ trợ cả cho xe nhập khẩu nếu không sẽ tạo ra sự thiếu công bằng.
Theo PGS, TS. Ngô Trí Long, các doanh nghiệp sản xuất ô tô nội địa tạo sinh kế cho hàng nghìn công nhân và đóng góp vào an sinh xã hội (Ảnh minh hoạ)
Liên quan đến đề xuất hỗ trợ các nhà sản xuất, lắp ráp trong nước bằng việc giảm 50% mức lệ phí trước bạ, mới đây, Công ty TNHH Ô tô Á Châu – đơn vị phân phối độc quyền thương hiệu ô tô Audi tại Việt Nam đã có văn bản gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Thủ tướng Chính phủ nhằm góp ý về Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Theo đó, Audi Việt Nam cho rằng, việc đánh giá tác động để có thể xem xét tiếp tục giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thêm một thời gian trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra là phân biệt đối xử và đề nghị cần áp dụng chung cho cả xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước.
CÁC DOANH NGHIỆP Ô TÔ ĐỀU PHẢI CHỊU TỔN THẤT DO GIÃN CÁCH XÃ HỘI
Audi nhấn mạnh, việc giảm 50% thuế trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước đã cho thấy hiệu quả, nhưng cũng là sự phân biệt đối xử ưu tiên xét trên toàn quốc. Năm 2020, lượng ô tô tăng 3% so với năm 2019 song lượng xe lắp ráp trong nước tăng 19% và lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc giảm 33%. Đối với xe thương mại, tổng lượng xe sụt giảm 19%, trong đó xe lắp ráp giảm ít hơn 16% trong khi xe nhập khẩu nguyên chiếc giảm 25%.
Điều này cho thấy, sự phân biệt đối xử ưu tiên chỉ với xe lắp ráp trong nước là thiếu công bằng đối với các nhà nhập khẩu cũng như nhà phân phối xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc. Bởi năm 2021, quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt tại Việt Nam đang buộc toàn bộ các nhà nhập khẩu và phân phối xe nhập khẩu nguyên chiếc phải tạm ngừng kinh doanh.
Đây cũng là những đơn vị đang phải gánh nhiều tổn thất từ các văn phòng đăng ký, đăng kiểm xe hiện đang ngưng hoạt động, trong khi các doanh nghiệp này vẫn phải tiếp tục chi trả chi phí cho việc thuê cơ sở thương mại, thuế, lưu kho và nguồn nhân lực.
Toàn bộ các showroom ô tô tại 23 tỉnh/Thành phố đều phải đóng cửa do thực hiện giãn cách xã hội
Bên cạnh đó, Audi cũng cho rằng sự phân biệt đối xử ưu tiên xét trên tầm quốc gia này có thể vi phạm các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Vì vậy, Tổng giám đốc Audi Việt Nam Laurent Genet kiến nghị cần áp dụng chung chính sách giảm 50% mức lệ phí trước bạ cho cả xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước.
Trước đó, CTCP Thành Công Motor Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tái áp dụng quy định mức thu lệ phí trước bạ giảm 50% đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Về vấn đề này, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp nghiên cứu kiến nghị của CTCP Thành Công Motor Việt Nam, đánh giá và tính toán kỹ tác động, trên cơ sở đó đề xuất hướng xử lý kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, trong bối cảnh dịch COVID-19, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2021.
NGUỒN LỰC CÓ HẠN, CẦN TẬP TRUNG HỖ TRỢ CÁC DOANH NGHIỆP AN SINH XÃ HỘI
PGS,TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả
Về vấn đề này, PGS,TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng, đầu tiên cần phải cân nhắc xem việc hỗ trợ mức lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp nội địa có vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hay không?
“Nếu không vi phạm các cam kết thì mới tính tới đối tượng nào cần và nên hỗ trợ”, ông Long nói.
Xét về năng lực cạnh tranh, khối doanh nghiệp sản xuất ô tô nội địa có năng lực cạnh tranh yếu hơn so với doanh nghiệp ngoại, bên cạnh đó các doanh nghiệp này cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong đại dịch COVID-19.
Trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu chỉ tốn chi phí mặt bằng, kho bãi, logistic thì ngoài các chi phí này doanh nghiệp nội địa còn gặp nhiều khó khăn do đã đầu tư các nhà máy quy mô lớn, máy móc, phân xưởng cũng như số vốn rất lớn.
Đặc biệt, các nhà máy này tạo sinh kế cho hàng nghìn công nhân và đóng góp vào an sinh xã hội khi tận dụng lao động trong nước. Vì vậy, nếu không hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này sẽ khiến hàng nghìn người bao gồm cả các lao động và gia đình của họ bị ảnh hưởng. “Với nguồn lực có hạn của Việt Nam, việc chọn nhóm các doanh nghiệp có sức lan toả và tạo an sinh xã hội lớn để hỗ trợ là phù hợp”, ông Long nhìn nhận.
Mặc dù vậy, ông Long cũng cho rằng, cần có thêm các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp ô tô nói riêng để tiếp sức cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 đang gây thiệt hại vô cùng lớn cho nền kinh tế.

NGUYỄN THẮM

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version