Hợp đồng G2G còn là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang Philippines?

Rate this post
Ngày 8/6, tại Manila, Công ty Philippine International Trading Corporation (PITC) sẽ đại diện Chính phủ Philippines chính thức mở gói thầu 300.000 tấn gạo theo phương thức hợp đồng Chính phủ (G2G), Tổng Công ty Lương thực miền Bắc đại diện Việt Nam tham gia đấu thầu.
Công nhân của một doanh nghiệp đang đóng bao gạo chuẩn bị giao cho Philippines

Nhằm bổ sung cho tiêu dùng trong nước và tăng cường dự trữ quốc gia khi bước vào mùa giáp hạt. Chính phủ Philippines đang tìm cách nhập thêm 300.000 tấn gạo, và đã gửi yêu cầu tới các nước sản xuất gạo lớn ở châu Á gồm: Myanmar, Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia. Trong đó, Thái Lan là đối thủ đáng gờm nhất.

Vinafood 1 đại diện Việt Nam dự thầu

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) sẽ đại diện Việt Nam tham gia đấu thầu 300.000 tấn gạo này.

Nếu Vinafood 1 đấu thầu thành công, khối lượng gạo thắng thầu sẽ được sẽ thực hiện theo Nghị định 107, Thông tư 30 của Chính phủ và thời gian giao hàng sẽ tùy thuộc vào đơn vị tham gia. Tuy nhiên, Thái Lan vẫn tham dự, nên chưa biết là Việt Nam trúng hết 300.000 tấn gạo này không?

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ Tịch VFA cho biết thêm, dựa theo thông báo số 2 của PITC phát hành ngày 3/6/2020, ngày 4/6/2020, Vinafood 1 có thông báo về việc điều chỉnh thời gian giao hàng.

Theo đó, thời gian giao hàng điều chỉnh: 5 lô cho 5 cảng khác nhau, trong đó 150.000 tấn giao trước ngày 14/7/2020, 150.000 tấn giao trước ngày 14/8/2020 (tính theo thời gian tàu đến cảng dỡ hàng). Giá FOB cơ sở (410 USD/tấn) và số lượng phân bổ dự kiến khoảng 1.300 cho mỗi thương nhân (nếu trúng thầu với số lượng 300.000 tấn).

Do đó, VFA đề nghị các thương nhân xuất khẩu gạo có nhu cầu tham gia thực hiện hợp đồng đăng ký lại theo thời gian giao hàng điều chỉnh nêu trên.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Agrotrade), muốn đạt được sự quan tâm của các nhà nhập khẩu gạo Philippines, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đến sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan.

Bên cạnh đó, Bangladesh cũng đang thu mua thêm 200.000 tấn lúa từ vụ thu hoạch đang diễn ra để đảm bảo nguồn cung cho các hoạt động cứu trợ nội địa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn đang lây lan ở nước này.

Theo VFA, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang giao dịch ở mức trên dưới 475 USD/tấn, cao hơn (450 – 460 USD/tấn) so với một tuần trước đó và là mức cao nhất kể từ đầu năm 2012, loại gạo 25% tấm giá 469 – 473 USD/tấn. Gạo 5% tấm của Ấn Độ từ 368 – 372 USD/tấn, thấp so với giá 370 – 375 USD/tấn, loại gạo 25% tấm 338 – 342 USD/tấn.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên 495 – 499 USD/tấn, so với giá 489 – 490 hồi tuần trước, loại gạo 25% tấm giá 469 – 473 USD/tấn. Nguyên nhân giá gạo Thái Lan tăng là do đồng baht mạnh hơn.

Như vậy, giá gạo Việt Nam đang rất cạnh tranh so với gạo Thái Lan nhưng vẫn cao hơn gạo Ấn Độ. Tuy nhiên, do điều kiện hạ tầng của Ấn Độ không tốt cũng như năng lực bốc, dỡ hàng hoá tại các cảng của Ấn Độ còn hạn chế, nên so với Việt Nam và Thái Lan thì khả năng thắng thầu của Ấn Độ là khá thấp.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo thờ ơ với G2G!

Theo chuyên gia phân tích thị trường gạo, trước đây, thầu G2G rất quan trọng và hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều trông chờ vào, nhưng thầu Chính phủ cũng là “bẫy” gạo giá rẻ, vì người nông dân thích trồng lúa chất lượng thấp để làm gạo 15% tấm, 25% tấm bán vào các thị trường Philippines và Indonesia.

Nhưng bây giờ đã khác trước, do hiện nay diện tích trồng lúa IR 50404 rất ít nếu doanh nghiệp thắng thầu G2G với khối lượng lớn mà giá không thật tốt dễ dẫn đến thua lỗ, do cung sẽ không đủ cầu đẩy giá gạo trong nước tăng lên thêm.

Kể từ ngày 5/3/2019, khi “Luật về tự do hóa nhập khẩu, xuất khẩu và thương mại mặt hàng gạo” của Chính phủ Philippines thực hiện, cho phép thương nhân Philippines tự do kinh doanh gạo và khối lượng gạo mà các doanh nghiệp Việt Nam bán cho họ có khi lên đến 200.000 – 300.000 tấn gạo/tháng. Đó cũng là lý do khiến các doanh nghiệp gạo Việt Nam rất thờ ơ với hợp đồng G2G.

Và ngày nay, vị thế và vai trò của G2G không còn quá lớn như trước nên không còn là động lực đẩy giá gạo trong nước lên, có khi G2G lại không tốt cho Việt Nam trong việc phát triển cơ cấu gạo theo hướng chất lượng cao, vì hiện nay các loại gạo OM 5451 và Đài Thơm 8 xuất khẩu rất tốt.

Chính vì những lý do trên, có thể doanh nghiệp đại diện Việt Nam dự thầu sẽ không còn mang tâm thế “nhất định” phải lấy cho được thầu, vì thắng thầu chắc gì đã tốt. Nếu thắng thầu với khối lượng lớn mà giá gạo trong nước tăng cao hơn giá thầu thì cầm chắc thua lỗ, vậy phải tính toán bỏ giá sao cho thật hợp lý để không bị lỗ mà vẫn thực hiện được hợp đồng Chính phủ.

“Doanh nghiệp dự thầu sẽ không chỉ tính trên quan hệ giữa hai nước mà còn phải tính đến lợi ích của đơn vị và doanh nghiệp Thái Lan cũng sẽ làm như vậy. Dự đoán tình hình buổi đấu thầu ngày mai sẽ không căng thẳng như các thầu G2G trước đây.

Trước đây, Việt Nam dự thầu với tâm thế phải trúng thầu nên không khí đấu thầu rất căng thẳng, còn bây giờ tình hình đã đã khác xưa về mặt vi mô lẫn vĩ mô, và về phía doanh nghiệp lẫn sự nghiệp phát triển ngành gạo. Nhìn trong bối cảnh cả ngành gạo thì đấu thầu G2G không phải quá tốt, vì doanh nghiệp dễ “đâm đầu” vào gạo giá rẻ trong khi ngành nông nghiệp đang làm rất tốt việc phát triển các giống lúa chất lượng cao”, chuyên gia này nói.

QUANG TRÍ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version