Hơn 70% vốn hóa toàn thị trường chứng khoán nằm trong 38 doanh nghiệp tỷ USD

Rate this post
TTCK Việt Nam đã có 38 doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD đến hết năm 2020 gồm 30 doanh nghiệp trên HoSE, 6 doanh nghiệp trên UpCOM và 2 doanh nghiệp trên HNX.
Ảnh minh họa.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã khép lại một năm 2020 ngoài mong đợi dù có thời điểm tưởng chừng như đã “gục ngã” trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. VN-Index kết thúc năm trên 1.100 điểm ghi nhận mức tăng 14,9% so với đầu năm và 67% so với đáy Covid hồi cuối tháng 3/2020.

Thanh khoản trên thị trường cũng có bước tăng trưởng đột phá, đạt mức bình quân gần 7.400 tỷ đồng/phiên, gấp 1,5 lần mức bình quân năm 2019. Đặc biệt thanh khoản các tháng 11 và 12 lần lượt đạt mức trung bình lên đến 10.000 tỷ đồng và 14.800 tỷ đồng/phiên. Thậm chí, sự bùng nổ thanh khoản còn khiến hệ thống giao dịch của HoSE còn có dấu hiệu quá tải trong nhiều phiên cuối tháng 12.

Sự bứt phá ngoạn mục đã giúp vốn hóa toàn TTCK Việt Nam tính tới cuối năm 2020 đạt 5,27 triệu tỷ đồng (khoảng 225 tỷ USD), tương đương 84,3% GDP. Trong khi đó con số này cách đây 10 năm (tức là vào năm 2011) chỉ đạt hơn 540 nghìn tỷ đồng (26,7 tỷ USD), tương đương 19,7% GDP thời điểm đó.

Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường cũng giúp gia tăng số lượng doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD trên sàn chứng khoán. Đến hết năm 2020, TTCK Việt Nam đã có 38 doanh nghiệp tỷ USD với tổng vốn hóa gần 164 tỷ USD, tương đương 71% vốn hóa toàn thị trường.

38 doanh nghiệp vốn hóa trên 1 tỷ USD hiện có tới 30 doanh nghiệp đến từ sàn HoSE trong đó, VIC là doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất với 15,9 tỷ USD, xếp tiếp theo lần lượt là VCB (15,8 tỷ USD), VHM (12,8 tỷ USD), VNM (9,8 tỷ USD)…, 6 doanh nghiệp từ sàn UpCOM (ACV, VGI, VEA, MCH, BSR, MSR) và 2 doanh nghiệp từ HNX (SHB, THD).

38 doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD trên TTCK Việt Nam

Thông tư 180 yêu cầu các công ty đại chúng phải lên sàn chứng khoán đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp lớn “đổ bộ” lên sàn UpCOM, kéo theo quy mô sàn giao dịch này bứt phá mạnh mẽ. Từ một sàn giao dịch không được nhà đầu tư chú ý, đến nay quy mô vốn hóa sàn UpCOM đã lên tới 1 triệu tỷ đồng, gấp gần 5 lần sàn HNX.

Tuy nhiên, làn sóng chuyển sàn niêm yết sang HoSE đang dần thu hẹp danh sách cổ phiếu vốn hóa lớn trên HNX và UpCOM.

Trong năm 2020, HNX phải chia tay với cổ phiếu lớn nhất sàn là ACB khi nhà băng này chuyển sang niêm yết trên HoSE vào những ngày đầu tháng 12. Một trong 2 doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD còn lại là SHB cũng đã được cổ đông chấp thuận kế hoạch chuyển sàn và sẽ sớm rời HNX để sang HoSE.

Tương tự, loạt “ông lớn” của sàn UpCOM gồm GVR, BCM và VIB cũng đều đã chuyển từ UpCOM sang niêm yết trên HoSE trong năm qua. Trong khi đó, BSR và VEA lại đang có kế hoạch niêm yết trên HNX tuy nhiên con đường còn khá gian nan với những lý do khác nhau.

Thực tế, với yêu cầu cao hơn về tính minh bạch, sàn HoSE là nơi thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư nước ngoài. Cổ phiếu được định giá vì thế cũng sát hơn và các doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn trong các kế hoạch huy động vốn mới để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó là cơ hội lọt vào các rổ chỉ số được quỹ ETF mô phỏng, từ đó nâng cao thanh khoản và thị giá.

Rõ ràng, HoSE là “miền đất hứa” với tham vọng vươn tầm của các doanh nghiệp và sẽ không bất ngờ khi có thêm nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn chuyển niêm yết sang HoSE trong tương lai.

THANH HÀ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version