“Hộ chiếu vaccine”: Khe cửa hẹp cho hàng không, du lịch quốc tế 2021?

Rate this post
“Hộ chiếu vaccine” đang được coi là một biện pháp nhằm nới lỏng các biện pháp phong toả. Theo đó, những người có chứng chỉ đã tiêm vaccine sẽ được tự do ra vào nhà hàng, trung tâm mua sắm hay viện bảo tàng.
Sau nhiều tháng chờ đợi, ngày 24/2 vừa qua lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của AstraZeneca đã về đến Việt Nam. Theo kế hoạch, trong năm nay Việt Nam cũng sẽ tiếp nhận hơn 60 triệu liều vaccine của AstraZeneca. Đồng thời, vaccine “made in Vietnam” cũng được đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm và sẽ sớm hoàn thành vào giai đoạn cuối 2021, đầu 2022.
Đây là những tín hiệu khá tích cực đối với nền kinh tế và đặc biệt là ngành hàng không, du lịch. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã tính đến phương án áp dụng “hộ chiếu vaccine” – chứng nhận những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 để mở cửa trở lại nền kinh tế.
Tại Israel, các trung tâm mua sắm và bảo tàng tại Israel đã mở cửa trở lại, tuy nhiên, chỉ những người có thẻ xanh (đã tiêm chủng vaccine COVID-19) mới được đi tới các phòng tập thể dục, khách sạn, nhà hát và tham dự các buổi hòa nhạc. Trong tuần này, những người sở hữu thẻ xanh có thể ăn uống bên trong các nhà hàng và quán bar.
Tuy nhiên, hiệu lực, hiệu quả của vaccine đến đâu thì còn là vấn đề đang bỏ ngỏ. Chưa kể đến, mức độ phổ cập của vaccine với mỗi quốc gia, khu vực trên thế giới là khác nhau thì liệu “hộ chiếu vaccine” đã đủ để Việt Nam mở cửa nền kinh tế và tạo động lực lớn cho quá trình hồi phục của ngành hàng không, du lịch?
tìm kiếm “cửa hẹp” để sớm khai thác du lịch quốc tế
TS. Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB)
Trao đổi với Nhịp sống doanh nghiệp , TS. Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cho hay, mới đây, Hiệp hội các hãng hàng không quốc tế (IATA) đã khởi động một dự án với tên gọi là “Travel Pass”.
Dự án này kết nối hành khách với các trung tâm xét nghiệm, cơ sở tiêm vaccine ở các nước, để các trung tâm, cơ sở này cung cấp cho hành khách kết quả xét nghiệm Covid hoặc chứng nhận tiêm vaccine, tạo bản “hộ chiếu số” phục vụ cho việc kiểm tra của các cơ quan quản lý tại điểm đi, điểm đến.
IATA Travel Pass sẽ bắt đầu được ứng dụng ngay trong tháng 3, có thể được coi là phiên bản “hộ chiếu vaccine” đầu tiên có phạm vi áp dụng toàn cầu. Hạn chế của hệ thống này là nó chỉ hỗ trợ cho quan hệ giữa hành khách với hãng hàng không để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu kiểm soát dịch bệnh của mỗi quốc gia trong hành trình, nhưng không làm tăng mức độ thừa nhận của các quốc gia điểm đến đối với các kết quả xét nghiệm, chứng chỉ tiêm vaccine.
Theo ông Nam, vaccine là biện pháp chống dịch căn cơ, triệt để nhất, là cách duy nhất để thế giới và mỗi nước thoát khỏi đại dịch COVID-19. Do vậy, khi số dân cư được tiêm vaccine ngày càng đông, số dân cư này trở thành một cộng đồng an toàn với dịch (không bị lây nhiễm từ người khác) và an toàn về dịch (không lây nhiễm cho người khác).
Hiện nay số người này đã hơn 200 triệu và tăng lên rất nhanh, đặc biệt là ở các nước phát triển và cũng là các thị trường nguồn lớn về du lịch quốc tế. Hộ chiếu vaccine là một công cụ tốt để tạo thuận lợi cho những người này di chuyển tự do trong nội địa các nước và giữa các nước với nhau, không cần phải tự cách ly tại nhà hoặc bị cách ly tập trung tại các điểm đến.
Còn đối với ngành du lịch Việt Nam năm 2021, theo TS. Nam đã và đang có một số nhìn nhận bi quan. Có lãnh đạo một doanh nghiệp lớn bày tỏ lo ngại ngành du lịch sẽ bị triệt tiêu, “biến mất” vì các doanh nghiệp du lịch không đủ sức chịu đựng trước sự tàn phá của COVID-19.
“Bạn tôi ở doanh nghiệp du lịch khác cũng cho biết, trước khi dịch bệnh bùng phát, họ có 600 nhân viên, nay đã phải cho nghỉ đến 90%. Nhưng tôi nghĩ ngành du lịch nước ta không “biến mất” đi đâu cả. Chúng ta cần giữ được sự lạc quan, niềm tin vào tương lai, đồng thời hành động một cách tỉnh táo để không bị tổn hại thêm về tài chính, giữ được nguồn lực và duy trì, phát triển được các quan hệ hợp tác nghề nghiệp cho sự phục hồi”, ông Nam nói.
Đối với du lịch nội địa, chỉ cần kiểm soát dịch tốt, trong đó có việc nhanh chóng phát hiện và cô lập nhanh các ca nhiễm trong tương lai (chắc chắn là sẽ còn xuất hiện ở lúc này, lúc khác, thời điểm này, thời điểm khác), cô lập cục bộ trong phạm vi hẹp thì niềm tin vào du lịch nội địa sẽ trở lại, ông Nam nhận định.
Trong bối cảnh đi du lịch nước ngoài trong năm nay vẫn còn khó khăn thì cơ hội phát triển du lịch nội địa càng cao. Trong năm khó khăn như 2020 mà du lịch nội địa vẫn giữ được mức 2/3 của năm 2019 thì năm nay chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng phục hồi được mức trước thị trường đại dịch.
“Hộ chiếu vaccine” là một “cửa hẹp” khi số lượng ban đầu còn chưa nhiều, nhưng chắc chắn sẽ trở thành “cửa rộng” theo tiến độ tiêm vaccine trên thế giới. TS. Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB)

“Với du lịch quốc tế thì tôi hình dung là năm nay sẽ còn nhiều khó khăn. Tôi không muốn nêu lên bất kỳ dự báo nào, mà khuyến cáo tìm kiếm các “cửa hẹp” để sớm khai thác du lịch quốc tế”, TS. Nam nhấn mạnh.

Sẽ đến lúc số người có “hộ chiếu vaccine” trở thành đa số áp đảo ở các nước. Nhằm vào những người đã tiêm vaccine để khai thác du lịch quốc tế chính là nhằm vào các đối tượng khách hàng chính trong tương lai. Sẽ không lâu nữa, có “hộ chiếu vaccine” mới là người bình thường, ai trong chúng ta rồi cũng sẽ có một “hộ chiếu” như thế, ông Nam cho hay.
Các hãng hàng không hiện vẫn sẵn sàng mở lại đường bay, các khách sạn vẫn sẵn sàng mở cửa đón khách, các công ty tour vẫn sẵn sàng mở lại tour. Đại đa số những người phải nghỉ việc vẫn chờ việc chứ ít ai tìm kiếm được công việc mới trong bối cảnh nền kinh tế hiện tại vẫn còn rất nhiều khó khăn, ít cơ hội do đại dịch.
Vấn đề bây giờ là các cơ quan quản lý phối hợp hiệu quả như thế nào với các doanh nghiệp để cùng nhau tạo ra các cơ hội, sáng tạo các cách làm để mở lại du lịch quốc tế với nước này, nước khác, với đối tượng khách ban đầu có thể còn hạn chế (ví dụ cho những người đã được tiêm vaccine, hoặc cho những người có chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19), nhưng dần dần sẽ tăng lên. Quyền đóng và mở không nằm ở ngành du lịch và các doanh nghiệp du lịch, ông Nam phân tích.
“LƠ LÀ MỘT CHÚT THÔI, CÁI GIÁ PHẢI TRẢ LÀ RẤT LỚN”
TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh
Còn TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh lại cho rằng, câu chuyện phục hồi kinh tế nói chung và ngành hàng không, du lịch nói riêng đang phụ thuộc rất lớn vào tính phổ cập và hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19.
Dù có hay không thì vaccine cũng chỉ có thể mang lại hiệu quả vào 6 tháng cuối năm chứ chưa thể có kết quả phòng dịch ngay lập tức. Kể cả với toàn cầu và Việt Nam, việc dịch bệnh bùng phát trở lại là hoàn toàn có thể xảy ra.
Câu chuyện thúc đẩy tăng trưởng hoạt động của nhiều lĩnh vực trong đó có hàng không, du lịch đã được cân nhắc rất nhiều, bởi đây là những lĩnh vực quan trọng với nền kinh tế nhiều nước. Tuy nhiên, bên cạnh quá trình phục hồi vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro.
Một số quốc gia như New Zealand, Australia đã thử nghiệm các phương án phục hồi du lịch như bong bóng du lịch, hành lang du lịch an toàn hay Singapore cho phép các chuyên gia gặp gỡ tại sân bay.
Dù vậy, việc tìm ra một điểm cân bằng giữa tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh và chống dịch không phải là điều dễ dàng bởi lơ là một chút thôi, cái giá phải trả sẽ là rất lớn, TS. Thành nhấn mạnh.
Thậm chí, còn có nhiều nhận định mang tính thận trọng hơn cả thời điểm dịch vừa mới bùng phát về thị trường khách du lịch quốc tế. Từ 2 -3 năm, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường khách du lịch quốc tế sẽ mất tới 4-5 năm để trở lại tốc độ tăng trưởng sự thời điểm điểm trước dịch.
Mặc dù vậy, theo TS. Thành trong quá trình hồi phục, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhất là Đông Á sẽ vẫn là nơi được đánh giá là phục hồi tốt hơn nhưng vẫn còn những rủi ro, bất định. Bên cạnh đó, do nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn nên sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

HẠ AN

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version