Hiệp hội, doanh nghiệp vận tải kiến nghị “khẩn” Thủ tướng và các bộ chỉ đạo vụ việc Lâm Đồng thu hồi dự án bến xe

Rate this post
Hiệp hội và các doanh nghiệp cho rằng, nếu thu hồi Bến xe huyện Đức Trọng chẳng khác nào đuổi các đơn vị vận tải và người dân ra đường tự tổ chức hoạt động vận tải, điều này gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Hiệp hội, doanh nghiệp, tiểu thương cùng phản đối quyết định thu hồi dự án bến xe Đức Trọng – Ảnh: Huyền Trâm.

Cụ thể, ngày 5/11, Hiệp hội Vận tải Ôtô Lâm Đồng, Hợp tác xã Dịch vụ vận tải Đà Lạt, Hợp tác xã Xe khách Đà Lạt, nhà xe Phương Trang cùng ký đơn kiến nghị gửi Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng về việc giữ lại Bến xe huyện Đức Trọng.

Đơn kiến nghị nêu, ngày 16/9, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định 2009 về việc thu hồi đất đã cho Công ty TNHH Trường Sơn Xanh thuê tại Thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng. Đây là vị trí Bến xe huyện Đức Trọng do công ty Trường Sơn Xanh tổ chức khai thác bến, đã được Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng công bố đạt tiêu chuẩn bến xe khách loại 3 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2010.

Từ khi đi vào hoạt động, Bến xe huyện Đức Trọng liên tục hoạt động hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu đi lại cho người dân, giúp huyện Đức Trọng ổn định trật tự an toàn giao thông và giúp cho các đơn vị vận tải tổ chức các tuyến vận tải hành khách đúng quy định, hạn chế xe dù, xe khách trá hình, bến cóc và đã nộp thuế cho địa phương.

Đến nay, Bến xe Đức Trọng vẫn đang phục vụ cho các tuyến vận tải hành khách bằng ô tô phạm vi hoạt động dưới 300km với 18 tuyến từ Đức Trọng đi TP.HCM, Ninh Thuận, Đồng Nai, Đam Rông, Đà Lạt, Ma Bó, Tà Năng,… và phục vụ cho các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh cố định quá cảnh.

“Trên địa bàn huyện Đức Trọng có duy nhất Bến xe huyện Đức Trọng là đạt tiêu chuẩn bến xe khách. Vậy, nếu xoá sổ Bến xe huyện Đức Trọng chẳng khác nào đuổi các đơn vị vận tải và người dân ra đường tự tổ chức hoạt động vận tải, điều này gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông và gây bát nháo hoạt động vận tải trên địa bàn”, đơn kiến nghị của hiệp hội, doanh nghiệp vận tải nêu.

Theo đó, các hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải trên kiến nghị Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải, Bí thư Lâm đồng chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn cấp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh ngiệp và người dân.

Cụ thể, huỷ Quyết định số 2009 ngày 16/9 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Đề nghị giữ lại Bến xe huyện Đức Trọng đã hoạt động ổn định chục năm nay, nhằm giúp cho các đơn vị vận tải tổ chức phục vụ tốt thói quen đi lại của người dân nơi đây.

Các hiệp hội, doanh nghiệp nêu, việc UBND tỉnh Lâm Đồng đột ngột thu hồi đất tại Bến xe huyện Đức Trọng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh vận tải, đi lại của người dân địa phương, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp.

“Những người có trách nhiệm ban hành quyết định thu hồi phải bồi thường thiệt hại cho các doanh nghiệp hiện đang hoạt động bình thường tại Bến xe huyện Đức Trọng”, đơn kiến nghị đề cập.

Hiệp hội, doanh nghiệp vận tải cũng kiến nghị tỉnh Lâm Đồng nhanh chóng xây dựng và công bố các điểm dừng đỗ phục vụ cho phương tiện kinh doanh vận tải đón, trả khách trên địa bàn theo khoản 4 Điều 33 Nghị định 10 ngày 17/1 của Chính phủ về Quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Trước đó, Như Nhịp sống doanh nghiệp – đã phản ánh, ngày 16/9, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định 2009 thu hồi đất dự án Bến xe Đức Trọng đã giao cho Công ty Trường Sơn Xanh thuê. Lý do công ty đã sử dụng đất không đúng mục đích theo Luật Đất đai 2013.

Ngay sau quyết định trên, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh này đã liên tiếp ra các văn bản nhằm thu hồi đất dự án cũng như “sổ hồng”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì các sai phạm dẫn đến công ty bị thu hồi dự án đã diễn ra từ chục năm trước, liên quan tới lãnh đạo Trường Sơn Xanh thời kỳ đầu ký hợp đồng cho thuê đất với hàng chục hộ dân nhưng thu tiền một lần (chuyển nhượng đất). 31 hộ dân hiện phản đối quyết định thu hồi đất, cho rằng sai phạm do ai gây ra thì xử lý ở đó.

Điều quan trọng Bến xe Đức Trọng đã vận hành hiệu quả từ 2010, hiện có nhiều nhà xe hoạt động như Phương Trang, Mai Linh, Điền Linh… Vậy nếu thu hồi bến xe thì các nhà xe này bị ảnh hưởng ra sao, hoạt động theo hình thức nào?

Bên cạnh đó, “sổ hồng” khu đất cũng đang thế chấp vay vốn tại Vietinbank CN Lâm Đồng…

Đồng thời, ngày 21/10, chủ đầu tư bến xe đã đâm đơn khởi kiện Quyết định 2009 của UBND tỉnh Lâm đồng tới TAND tỉnh này. Theo đó, yêu cầu tòa xem xét hủy toàn bộ nội dung Quyết định 2009 ngày 16/9/2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc thu hồi đất đã cho Công ty Trường Sơn Xanh thuê.

Trong thời gian thụ lý và giải quyết vụ án, chủ đầu tư đề nghị Tòa xem xét áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan liên quan khác tạm dừng việc thu hồi và bàn giao đất theo Quyết định 2009, nhằm tránh các hệ quả nghiêm trọng có thể xảy ra trong trường hợp Quyết định thu hồi đất được kết luận là trái pháp luật.

Theo đó, việc thu hồi dự án là phức tạp, cần sự xem xét, giải quyết thấu đáo của các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng.

HUYỀN TRÂM

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version