Hậu Covid-19, sự vực dậy của hàng không Việt và “hàn thử biểu” của nền kinh tế

Rate this post
Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành hàng không thể hiện sức khỏe của nền kinh tế nên sự hồi phục của ngành hàng không chính là một trong những động lực quan trọng để góp phần vực dậy kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19.
Ảnh minh họa.
Khi “huyết mạch” hàng không bị nghẽn, nhiều ngành khác cũng đình trệ
Hàng không là một trong những ngành huyết mạch của nền kinh tế. Số liệu tính toán trên thế giới cho thấy, khi hàng không tăng trưởng 2 – 2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng 1% GDP. Từ đó, kéo theo nhiều ngành nghề khác như du lịch, dịch vụ ăn uống cũng như thu hút đầu tư, giao thương… tăng trưởng theo.
Trong năm 2019, khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt con số kỷ lục hơn 18 triệu lượt khách, trong đó, khách đến bằng đường hàng không chiếm tới 79,8% (tương đương 14.377,5 nghìn lượt người), tăng 15,2% so với năm 2018. Có thể thấy, ngành hàng không đã đóng góp quan trọng cho sự bùng nổ của du lịch Việt Nam, giúp ngành này đạt doanh thu hơn 30 tỷ USD (chiếm 10% tỷ trọng GDP) trong năm 2019.
Sự phát triển của ngành hàng không cũng đã góp phần thay đổi diện mạo kinh tế – xã hội của các địa phương có sân bay như Khánh Hòa, Bình Định, Đà Nẵng, Kiên Giang, Quảng Ninh…
Là một trong những địa phương có thế mạnh về du lịch biển, ngoài thu hút khách nội địa, hàng không đã giúp ngày càng nhiều du khách quốc tế biết đến Khánh Hòa với thành phố biển Nha Trang nổi tiếng. Trong năm 2019 tỉnh Khánh Hòa đã đón 7,2 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có khoảng 3,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 27,5% so với năm 2018.
Không những thúc đẩy du lịch, ngành hàng không cũng tạo bệ phóng cho phát triển bất động sản và thu hút đầu tư. Đơn cử như, khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) được thông qua, giá đất quanh khu vực dự kiến xây dựng sân bay đã tăng mạnh, nhiều nhà đầu tư cũng tìm đến đây để tìm kiếm cơ hội đầu tư…

Cũng vì sức ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực nên khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành hàng không Việt bị thiệt hại nặng nề do tất cả các đường bay quốc tế bị tạm dừng, trong khi mỗi hãng chỉ được duy trì 2 – 3 đường bay nội địa, các ngành nghề khác như du lịch, lữ hành, dịch vụ ăn uống,… cũng bị ảnh hưởng.

Theo thống kê của Cục hàng không Việt Nam, những tháng đầu năm 2020, ước tính thiệt hại của ngành hàng không có thể lên tới hơn 40.000 tỷ đồng.

Việc hạn chế các đường bay quốc tế cũng đã khiến cho lượng khách nước ngoài đến Việt Nam giảm mạnh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm, khách quốc tế tới Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 48,8% so với cùng kỳ. Các thị trường khách chính đều có mức giảm sâu.
Trong bối cảnh khó khăn, các hãng hàng không đều phải cắt giảm chi phí bằng nhiều hình thức như tái cơ cấu lao động, tổ chức lại bộ máy, điều chỉnh thu nhập của toàn bộ lao động, cắt giảm chi phí không cần thiết,… Đồng thời, các hãng hàng không cũng chuyển hướng sang vận chuyển hàng hóa và chuẩn bị kế hoạch để tăng cường hoạt động sau thời gian giãn cách.
Do đó, ngay sau khi có quyết định khôi phục lại thị trường nội địa, các hãng hàng không đã lập tức công bố kế hoạch nối lại các đường bay trong nước. Số liệu thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trong tháng 5/2020, 5 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Jetstar Pacific và Vasco đã thực hiện 8.623 chuyến bay, giảm 70% so với cùng kỳ năm 2019, song vẫn tăng tới 73,7% so với tháng 4 – tháng thực hiện giãn cách xã hội.
Theo cập nhật đến thời điểm cuối tháng 5/2020, các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways đã khai khôi phục gần như hoàn toàn số chuyến bay nội địa. Cùng với việc “mở cửa” lại bầu trời, các địa phương có thế mạnh về du lịch và các hãng lữ hành cũng đồng loạt tung ra các chương trình, gói du lịch hấp dẫn để thu hút khách nội địa.
Vực dậy hàng không gắn liền với du lịch nội địa
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các hãng hàng không cần tận dụng được lợi thế của một quốc gia sớm khống chế được dịch để khai thác tốt thị trường hàng không nội địa, tiến đến là thị trường quốc tế.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Hàng không Việt trỗi dậy và sự phục hồi kinh tế” mới diễn ra, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho biết, các đường bay nội địa đã có sự trỗi dậy, đã “nhìn thấy được hình bóng của ngành hàng không trước khi có dịch” nhưng vẫn phải có sự chuẩn bị sẵn sàng để khôi phục lại các đường bay quốc tế.

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cho rằng ngành hàng không tác động rất lớn tới ngành kinh tế và nhiều hãng hàng không Việt trụ được cho tới bây giờ là rất giỏi. Trong khi việc mở đường bay quốc tế vẫn còn là dấu chấm hỏi, thì nên thúc đẩy hàng không nội địa. Thị trường nội địa chính là “cơn mưa đầu tiên” để hàng không “đâm chồi, nảy lộc” sau dịch.

Theo ông, để đạt được mục tiêu giúp ngành hàng không từng bước trỗi dậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành hàng không, các doanh nghiệp lữ hành và địa phương bởi khi đi du lịch, người dân sẽ quan tâm tới việc ở đâu, ăn gì rồi mới đến đi chơi ở đâu và mua quà tặng. Do đó, chính quyền địa phương có nhiệm vụ kết nối với doanh nghiệp để phát triển. Bên cạnh đó, các hãng hàng không cũng nên phối hợp với các doanh nghiệp dịch vụ để hỗ trợ phát triển các dịch vụ đi kèm.

Đồng quan điểm, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, Chủ tịch Hãng hàng không Bamboo Airways, cho rằng nếu không có hàng không, kết nối quan hệ kinh tế giữa địa phương, tỉnh thành và nhà kinh doanh, các tuyến tour du lịch sẽ chậm.

“Ngành hàng không thể hiện sức khỏe của nền kinh tế. Nếu sân bay vắng bóng người, thì là sức khỏe của nền kinh tế cũng như hoạt động chống dịch của chúng ta chưa thành công”, ông Quyết khẳng định.

Cũng theo ông Quyết, cảnh tượng còi xe, đông đúc tại lối ra – vào của khu vực nội địa của các cảng hàng không quốc tế ở Việt Nam hiện tại là một minh chứng sống động cho thành công của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch và cho thấy sự bật dậy mạnh mẽ của hàng không Việt sau một khoảng thời gian bị dồn nén.

Từ những tín hiệu tích cực khi các đường bay nội địa gần như đã khôi phục hoàn toàn và các đường bay quốc tế đang được lên phương án nối lại, có thể tin tưởng rằng với sự trỗi dậy của ngành hàng không, nền kinh tế Việt Nam không chỉ an toàn vượt qua đại dịch mà còn có thể hồi phục nhanh chóng.

Chuyên đề “Sự phục hồi hàng không Việt hậu Covid-19” do Tạp chí Cuộc sống an toàn (cuocsongantoan.vn) và Nhịp sống Doanh nghiệp () phối hợp thực hiện cho thấy bức tranh thị trường hàng không Việt Nam với những cơ hội, thách thức khi các hãng hàng không trở lại với bầu trời cũng như chia sẻ về an toàn bay, chia sẻ của tiếp viên, phi công khi được trở lại tiếp tục chinh phục bầu trời.

HOÀNG HÀ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version