GVR bất ngờ kịch biên độ với thanh khoản kỷ lục bất chấp VN-Index “thất thủ” trước đỉnh lịch sử

Rate this post

Cổ phiếu GVR đã tăng gấp 3 lần sau 1 năm, đẩy vốn hóa thị trường của tập đoàn này vượt 127.000 tỷ đồng để “chen chân” vào top 10 vốn hóa lớn nhất sàn HoSE.

Ảnh minh họa.

Thị trường chứng khoán phiên 13/1 chứng kiến áp lực chốt lời trên diện rộng sau khi VN-Index lần đầu chạm mốc 1.200 kể từ đỉnh lịch sử tháng 4/2018. Từ mức tăng hơn 8 điểm, VN-Index đảo chiều kéo theo hàng loạt cổ phiếu Bluechips cũng quay đầu giảm điểm.

Cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là một trong những cái tên hiếm hoi trên thị trường vẫn giữ được phong độ khi kết thúc phiên tại mức giá trần 31.850 đồng/cổ phiếu, mức cao nhất kể từ khi lên sàn và gấp 3 lần thời điểm cách đây 1 năm.

Sự bứt phá mạnh mẽ trên thị trường thời gian gần đây đẩy vốn hóa của GVR vượt 127.000 tỷ đồng, nằm trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HoSE.

Diễn biến cổ phiếu GVR trong 1 năm trở lại đây

Cùng sự đi lên về giá, thanh khoản của cổ phiếu này cũng được cải thiện đáng kể, đặc biệt từ khi bắt đầu nổi sóng hồi đầu tháng 10/2020. Thống kê cho thấy, khối lượng giao dịch trung bình ngày trong một quý trở lại đây của GVR lên đến hơn 5 triệu đơn vị, trong khi con số này trong 1 năm qua chỉ vỏn vẹn 2,4 triệu đơn vị.

Phiên giao dịch thiết lập đỉnh mới ngày 13/1 ghi nhận mức thanh khoản cổ phiếu này tăng đột biến lên gần 16 triệu đơn vị, gấp 6,6 lần khối lượng trung bình ngày trong 1 năm trở lại đây. Con số này khá cao đối với GVR bởi lượng cổ phiếu lưu hành tự do của cổ phiếu này chỉ chiếm khoảng 3% trên 4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành do phần lớn cổ phần nằm trong tay cổ đông Nhà nước.

Mới đây, GVR đã ước tính các chỉ tiêu về tài chính của Toàn tập trong năm 2020 với doanh thu và thu nhập khác ước đạt 23.032 tỷ đồng, đạt 93,4% kế hoạch năm và tăng gần 3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 4.955 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với năm trước qua đó hoàn thành mục tiêu đề ra.

Trước đó, ghi nhận trên báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm, GVR ghi nhận lợi nhuận trước thuế 2.433 tỷ đồng, giảm gần 11% so với cùng kỳ do những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Như vậy, lợi nhuận quý 4/2020 của Tập đoàn ước tính vào khoảng 2.522 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ nhờ giá cao su, giá gỗ cải thiện mạnh và nguồn thu lớn từ thoái vốn.

Hiện GVR đang đẩy mạnh tái cấu trúc và sắp xếp lại các đơn vị thành viên. Gần đây nhất, Tập đoàn đã hoàn tất thoái vốn 9,34 triệu cổ phiếu Đầu tư Sài Gòn VRG (mã SIP), thu về khoảng 1.320 tỷ đồng.

Trước đó, GVR cũng thoái vốn thành công tại CTCP Xây dựng và Tư vấn đầu tư, CTCP Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (mã VRG), Xây dựng và Tư vấn đầu tư (CIC)…

THANH HÀ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version