Giao dịch đột biến, SIP tăng trần, Tập đoàn Cao Su thu về hơn 1.300 tỷ đồng từ thoái vốn

Rate this post
So với mức giá khởi điểm 97.500 đồng/cổ phiếu thì giá thoái vốn của Tập đoàn Cao su cao hơn khoảng 45%. Như vậy, Tập đoàn Cao su đã thu về khoảng 1.320 tỷ đồng từ việc bán SIP.
Phiên 14/12 ghi nhận giao dịch đột biến của SIP, cổ phiếu của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG. SIP đã xuất hiện những giao dịch khớp lệnh đột biến với tổng khối lượng 9,34 triệu cổ phiếu tại vùng giá 141.100 đồng – 141.500 đồng/cổ phiếu.
Nhiều khả năng giao dịch trên xuất phát từ tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) khi mới đây tập đoàn này đã đăng ký bán 9,34 triệu cổ phiếu SIP trong khoảng thời gian từ 9/12 đến 21/12/2020 thông qua phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Việc thoái vốn của GVR tại SIP được thực hiện theo Đề án tái cơ cấu của tập đoàn và phù hợp với định hướng phát triển của Tập đoàn nhằm thu hồi vốn đã đầu tư để phục vụ mục tiêu, chiến lược phát triển trong thời gian tới.
Theo phương án thoái vốn đã được phê duyệt, giá khởi điểm thoái vốn lần này là 97.500 đồng/cổ phiếu. Thời điểm công bố thông tin thoái vốn cổ phiếu SIP đang dừng ở mức 154.800 đồng/cổ phiếu, tăng 77% từ đầu tháng 11. So với mức giá khởi điểm thì giá thoái vốn của Tập đoàn Cao su cao hơn khoảng 45%. Ước tính Tập đoàn Cao su đã thu về khoảng 1.320 tỷ đồng từ việc bán SIP trong phiên 14/12.
Trước khi thoái vốn GVR sở hữu tổng cộng 10,74 triệu cổ phiếu SIP. Việc thoái vốn thành công, lượng cổ phần còn lại là hơn 1,4 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ 1,76%. Lượng cổ phần còn lại sẽ dùng làm cổ phiếu thưởng được phát hành trong tháng 11. Tập đoàn sẽ tiếp tục chào bán khi hoàn thành việc thẩm định giá tiếp theo theo quy định.
Sau giao dịch hơn 9 triệu cổ phiếu của Tập đoàn Cao su, cổ phiếu SIP đã tăng kịch trần lên 145.200 đồng/cổ phiếu.
Về kết quả kinh doanh, SIP báo lãi ròng quý 3 tăng trưởng 25,6% so với cùng kỳ, đạt 252 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế đạt 676 tỷ đồng, tăng 62,5% so với 9 tháng đầu năm ngoái. Trong đó, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt trên 630 tỷ đồng, vượt 181% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Theo đánh giá của CTCK Kiến thiết Việt Nam (VNCSI), SIP thuộc top cơ bản có doanh thu, lợi nhuận ổn định và liên tục tăng trưởng trong những quý gần đây, thể hiện nền tảng tài chính rất khỏe mạnh.
Lượng tiền và tiền gửi ngân hàng của SIP rất “khủng” gần 4,2 nghìn tỷ, trong khi các khoản nợ vay hầu như không đáng kể giúp SIP có một nền tảng tài chính cực kỳ lành mạnh. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh mạnh và ổn định mỗi năm đem về nguồn tài chính dồi dào tài trợ cho các hoạt động đầu tư và tài chính, đồng thời gian tăng lượng tiền mặt của công ty qua các năm.
Phần lớn các nghĩa vụ nợ phải trả của công ty là các khoản chiếm dụng vốn, đến từ việc thu trước tiền cọc và tiền thuê đất của khách hàng. Mặc dù vậy, VNCSI có lưu ý là số ngày phải thu của SIP tương đối cao, trên mức 130 ngày cho thấy khả năng thu hồi công nợ của công ty chưa tốt.

BẢO VY

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version