Giải ngân đầu tư công khó “cán đích”

Rate this post

Năm 2020 là năm có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong giai đoạn 2016-2020 với 90% kế hoạch. Trước đó, dù không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong 2 năm 2018 và 2019 cũng rất chậm chạp.

Theo Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021 phấn đấu đạt 95%-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm. Trong đó đến hết quý 3/2021 giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch.

Với kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công năm 2021 là 461.300 tỷ đồng, mục tiêu giải ngân đạt tối thiểu 276,78 nghìn tỷ đồng tới hết quý 3 và tối thiểu 438,2 nghìn tỷ đồng đến cuối năm.

TRUYỀN THỐNG “VỠ KẾ HOẠCH”

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 8/2021 ước tính đạt 34,9 nghìn tỷ đồng, giảm 24,7% so với cùng kỳ năm trước và giảm 7,1% so với tháng trước.

Đây là tháng thứ 2 liên tiếp tốc độ giải ngân vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN bị chậm lại kể từ khi các biện pháp giãn cách xã hội bắt đầu được áp dụng từ giữa tháng 7 đối với các tỉnh phía nam. Con số này trong tháng 7/2021 cũng đã giảm 1,7% so với tháng trước và giảm 12,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 244,9 nghìn tỷ đồng, bằng 51,1% kế hoạch năm và giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 48% và tăng 28%).

Trong đó, vốn Trung ương quản lý đạt 41,6 nghìn tỷ đồng, bằng 49,6% kế hoạch năm và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 203,3 nghìn tỷ đồng, bằng 51,5% kế hoạch năm và giảm 1,6%.

Như vậy trong phần còn lại của quý 3 (cụ thể là tháng 9), giải ngân vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN phải đạt tối thiểu 31,88 nghìn tỷ đồng để hoàn thành mục tiêu giải ngân tối thiểu 60% kế hoạch.

Nếu tình hình dịch bệnh không có tiến triển khả quan và các biện pháp giãn cách xã hội tiếp tục kéo dài, khả năng hoàn thành mục tiêu giải ngân 60% kế hoạch đến hết quý 3 và tiến tới 95-100% kế hoạch vào cuối năm sẽ rất khó khăn.

Thực tế cho thấy giải ngân vốn NSNN các năm trước đều không hoàn thành kế hoạch. Năm 2020 là năm có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong giai đoạn 2016-2020 với 90% kế hoạch. Trước đó, dù không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong 2 năm 2018 và 2019 cũng rất chậm chạp, chỉ đạt lần lượt 66,87% và 67,46% kế hoạch.

GIÁ NGUYÊN VẬT LIỆU TĂNG CAO LÀ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG RẤT LỚN

Trong bối cảnh các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, Chính phủ đã nhiều lần khẳng định đầu tư công vẫn sẽ tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng trong hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế năm 2021.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng mới đây đã ra công điện yêu cầu các bộ ngành, cơ quan và địa phương tập trung các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn những tháng cuối năm. Trong đó, Chính phủ chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng chậm trễ trong giải ngân là do những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện.

Công điện nêu rõ việc giải ngân chậm có nguyên nhân chủ quan đến từ các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện. Một số bộ, cơ quan, địa phương, nhất là những nơi không thực hiện giãn cách xã hội thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ, công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giải ngân; công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm, giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; quy trình, thủ tục thanh quyết toán vốn đầu tư công còn bất cập; sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh…

Ngoài nguyên nhân chủ quan, các yếu tố khách quan liên quan đến sự bùng phát của đại dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ giải ngân đầu tư công do nhiều tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và Chỉ thị số 15/CT-TTg nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Khi giá các loại vật tư, vật liệu xây dựng tăng đột biến có tác động xấu tới cả chủ đầu tư và nhà thầu, dẫn tới chậm tiến độ thực hiện, gây thiệt hại và giảm hiệu quả đầu tư của các dự án.Ông Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhiều dự án, công trình phải tạm dừng hoạt động do không đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động trong phòng chống dịch bệnh cũng như phải thực hiện giãn cách trên công trường. Các công trình triển khai “3 tại chỗ” còn chất thêm gánh nặng chi phí lên doanh nghiệp dù năng suất thi công bị hạn chế.
Thêm nữa, “cơn sốt” nguyên vật liệu toàn cầu kéo dài từ cuối năm ngoái cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng trong việc triển khai thi công các dự án. Ngoài ra, chuỗi cung ứng bị gián đoạn cũng gây cản trở khả năng vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ công tác thi công xây dựng các công trình, đặc biệt tại các địa phương có dịch.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất nhóm kim loại 8 tháng năm 2021 tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2020, việc giá thép và nhiều loại vật liệu xây dựng tăng cao sẽ gây khó khăn cho các nhà thầu đã ký hợp đồng đơn giá cố định hoặc trọn gói. Trả lời báo chí ông Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế từng cho biết, đối với nhà thầu đã ký hợp đồng “trọn gói” không được điều chỉnh vốn gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho nhà thầu.

Với nhà thầu có năng lực thực hiện hợp đồng sẽ bị thua lỗ, làm giảm sức mạnh tài chính và khả năng thi công, nhà thầu nhỏ không đủ năng lực tài chính sẽ bị phá sản hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng, chấp nhận đền bù. Với chủ đầu tư nước ngoài phải đối mặt với nguy cơ nhà thầu đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với dự án có đơn giá cố định hoặc trọn gói, hoặc chấp nhận chi phí đầu tư, thanh toán thiệt hại cho nhà thầu nếu tạm dừng dự án. “Khi giá các loại vật tư, vật liệu xây dựng tăng đột biến có tác động xấu tới cả chủ đầu tư và nhà thầu, dẫn tới chậm tiến độ thực hiện, gây thiệt hại và giảm hiệu quả đầu tư của các dự án”, ông Lâm nói.

Trong bối cảnh thời gian năm 2021 còn quá ít, khối lượng công việc quá nhiều, việc tăng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là “vấn đề hết sức thách thức và khó”.Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Theo đánh giá của ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự tăng giá của nguyên liệu đầu vào cho thi công là “yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ”. Ông Phương cũng cho biết việc nguyên liệu đầu vào tăng giá khiến nhà thầu khó tìm nguồn cung về nguyên liệu hoặc ảnh hưởng đến phương án tài chính khi triển khai dự án.

Thứ trưởng Phương thông tin thêm, hiện nay các dự án lớn như Đường cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1, các công trình hạ tầng quy mô lớn của ngành giao thông, nông nghiệp hay các lĩnh vực khác cơ bản không lo thiếu vốn mà chủ yếu là có triển khai và làm được hay không. Trong bối cảnh thời gian năm 2021 còn quá ít, khối lượng công việc quá nhiều, việc tăng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là “vấn đề hết sức thách thức và khó”.

THANH HÀ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version