Giá tiêu đồng loạt vượt mốc 64.000 đ/kg, khả năng lên 100.000 đ/kg

Rate this post

Xu hướng phục hồi giá tiêu đang ngày càng tăng trong lúc cả diện tích và sản lượng tiêu đều giảm mạnh.

Hạt tiêu
Ngày 10/3/2021, giá tiêu ở nhiều nơi tại khu vực Tây Nguyên tiếp tục tăng thêm từ 1.000 – 1.500 đ/kg so với hôm qua và đang giao dịch từ 61.500 – 64.500 đồng/kg. Trong khi trước 1 ngày, vào ngày 9/3, giá tiêu đã tăng mạnh từ 2.500 – 3.000 đ/kg.
Diện tích và sản lượng tiêu giảm mạnh
Hiện nay, số thương nhân đến các vườn tiêu của nông dân đang thu hoạch để gom hàng khá nhiều, họ sẵn sàng đưa ra với mức giá cao hơn giá tham khảo trên mạng.
Nhiều nguyên nhân khiến giá tiêu năm nay tăng mạnh. Thứ nhất là diện tích bị thu hẹp, do trước đây giá thấp nên hầu hết các vùng trồng hạt tiêu lớn ở Việt Nam đều giảm diện tích. Thứ hai là lượng tiêu tồn kho từ vụ trước chuyển qua không nhiều. Thứ 3 là sản lượng năm 2021 dự kiến thấp hơn năm 2020.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), năm nay tiêu mất mùa năng suất thấp, cùng việc người nông dân không đầu tư nhiều cho vườn tiêu nên sản lượng giảm mạnh. Tính riêng tỉnh Gia Lai, sản lượng niên vụ 2020 – 2021 dự kiến giảm 60 -70%. Với diện tích và sản lượng sụt giảm như hiện nay đến cuối năm có khả năng giá tiêu sẽ giao động từ 90.000 – 100.000 đồng/kg.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết thêm, năm 2021, sản lượng hồ tiêu Việt Nam có thể giảm từ 25-30% so với năm 2020 xuống khoảng 168.000 – 180.000 tấn do nhiều vườn tiêu già cỗi và người dân giảm đầu tư chăm sóc. Riêng tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, diện tích cây tiêu đạt trên 11.300 ha, giảm gần 2.000 ha so với năm 2020, sản lượng giảm 1.750 tấn. Tỉnh Bình Phước có thể giảm trên 50%; Đăk Nông giảm 20% so với thời kỳ đỉnh điểm năm 2017. Riêng tỉnh Đăk Lăk chưa thể đánh giá tương đối vì khảo sát chỉ mang tính đại diện tại hai huyện Cư Kuin, Buôn Hồ và năng suất cho thấy sự khác biệt giữa các vùng.
Vườn tiêu tại Phú Quốc
Theo ước tính, xuất khẩu hạt tiêu trong tháng 2/2021 đạt 15 nghìn tấn, trị giá 44 triệu USD, giảm 11,2% về lượng và giảm 9,7% về trị giá so với tháng 1/2021, so với tháng 2/2020 giảm 41,9% về lượng và giảm 23,6% về trị giá. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu ước đạt 32 nghìn tấn, trị giá 93 triệu USD, giảm 21,4% về lượng và giảm 0,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu trong tháng 2/2021 ước đạt mức 2.933 USD/tấn, tăng 1,7% so với tháng 1/2021 và tăng 31,4% so với tháng 2/2020. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu ước đạt mức 2.907 USD/tấn, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2020.
Việt Nam có thể khai thác tốt “quyền” chi phối thị trường toàn cầu
Năm 2020, sản lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam đạt 285.292 tấn, chiếm 57% thị phần xuất khẩu hạt tiêu toàn cầu. Brazil đạt 89.756 tấn, chiếm 18% thị phần; Indonesia chiếm 11% thị phần với sản lượng xuất khẩu đạt 51.718 tấn; Ấn Độ chiếm 12% thị phần, đạt 15.924 tấn.
Theo thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong năm 2020 đạt 86,55 nghìn tấn, trị giá 249,72 triệu USD, tăng 2,6% về lượng, nhưng giảm 4,3% về trị giá so với năm 2019. Năm 2020, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Hoa Kỳ đạt mức 2.885 USD/tấn, giảm 6,8% so với năm 2019.
Tiêu Việt Nam chiếm 57% thị phần
Năm 2020, các thị trường cung cấp chính hạt tiêu cho Hoa Kỳ, như: Việt Nam, Brazil, Indonesia, nhưng giảm mạnh nhập khẩu từ Ấn Độ, Ecuador và Trung Quốc.
Nhập khẩu hạt tiêu của Hoa Kỳ từ Việt Nam trong năm 2020 đạt 57,73 nghìn tấn, trị giá 157,93 triệu USD, tăng 2,5% về lượng, nhưng giảm 3,2% về trị giá so với năm 2019. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam chiếm 66,7% trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ và ổn định so với năm 2019.
Hiện tổng nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu của thế giới khoảng 500 ngàn tấn/năm. Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu được 285.292 tấn, chiếm 57% thị phần xuất khẩu hạt tiêu toàn cầu. Năm nay, dù diện tích hồ tiêu của Việt Nam có giảm nhưng có nhiều nhận định cho rằng lượng tiêu xuất khẩu sẽ không thấp hơn mức 60%, vì có một số vùng trồng tiêu ở Campuchia không tự xuất khẩu được đã đưa qua Việt Nam, góp phần nâng tổng khối lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Đỗ Hà Nam, nguyên Chủ tịch VPA, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex, với việc đang chiếm tỷ trọng xuất khẩu rất cao, chỉ cần Việt Nam tạm dừng bán trong một thời gian ngắn thì thị trường tiêu toàn cầu sẽ biến động. Sản lượng hồ tiêu của Việt Nam mặc nhiên chi phối thị trường toàn cầu.
Trước nhiều dự báo giá tiêu còn tiếp tục tăng trong thời gian tới nên nhiều nông dân chỉ bán lượng vừa đủ trang trải chi phí, người nào có khả năng thì giữ lại không bán làm khan hiếm lượng hàng thật lưu thông trên thị trường.
“Nếu làm tốt công tác quản lý thì hồ tiêu Việt Nam sẽ chi phối được thị trường thế giới, và trên thực tế thì nông dân bây giờ cũng rất thông minh mỗi khi giá tiêu trên thị trường biến động thì bà con không vội bán ra làm cho giá thị trường khá tốt”, ông Nam nhận định.

DUY KHANG

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version