Giá phân bón nhảy múa, đầu ra nông sản ách tắc nông dân rầu

Rate this post
Giá phân bón tăng mạnh và đang cao nhất trong lịch sử sản xuất nông nghiệp nhưng chưa biết khi nào sẽ ngừng tăng, trong khi đầu ra nhiều loại nông sản bị ách tắc nhất là giá lúa sụt giảm mạnh khiến người nông dân cảm thấy bất an.
Nhà máy đạm Cà Mau luôn vận hành vượt công suất thiết kế để đảm bảo nguồn cung phục vụ nông dân – công ty cung cấp ​
Trước đây mặc dù Việt Nam chưa sản xuất được phân bón và chịu phụ thuộc vào nguồn phân bón nhập khẩu nhưng giá phân bón cũng không cao như hiện nay. Trong lịch sử sản xuất nông nghiệp lần đầu tiên nông dân đối mặt với việc giá phân bón cao kỷ lục.
Giá phân bón cao nhất trong lịch sử sản xuất nông nghiệp
Ông Lâm Long Bào, nông dân ở Thị xã Tân Châu (An Giang) cho biết, giá phân bón nhảy múa liên tục, mua ngày hôm sau sẽ có giá cao hơn hôm trước, không biết khi giá phân bón sẽ ngừng tăng. Chưa lúc nào nông dân lại phải mua phân bón giá cao như bây giờ. Trước tình hình giá phân bón tăng theo chiều thẳng đứng và chưa có điểm dừng, trong khi đầu ra nông sản lại bấp bênh, đặc biệt giá lúa Hè Thu như hiện nay thì hầu hết nông dân đều cảm thấy thật sự bất an.
Theo ông Đặng Hữu Chơn, đại lý phân bón ở huyện Phú Tân (An Giang) giá phân bón hiện đang cao nhất trong lịch sử sản xuất nông nghiệp. Giá phân bón tăng 10% so với cách đây 2 tuần nhưng cũng có loại tăng đến 15%. Nếu so với vụ Hè Thu năm ngoái thì phân ure tăng 80%, giá phân DAP tăng 50%, mặc dù giá phân bón tăng mạnh nhưng nguồn cung vẫn đảm bảo đầy đủ.
Phân bón tăng giá từ giữa vụ Đông Xuân 2020/2021 đến nay, và hiếm có khi nào giá phân bón lại tăng liên tục 2 vụ liền như vậy. Ngày xưa giá dầu khí có lúc lên 80 – 100 USD/thùng phân bón cũng không cao như bây giờ.
“Trước đây, trong nước chưa sản xuất hoặc sản xuất chưa đủ nhu cầu tiêu thụ, giá phân bón có tăng cũng chỉ tăng trong một khoảng thời gian nhất định nào đó, khi doanh nghiệp tìm được nguồn cung và tăng nhập thì giá phân bón lại giảm.
Bây giờ giá phân tăng cao nhưng nguồn phân nhập khẩu lại giảm so với cùng kỳ, nên mức độ cạnh tranh ít hơn so với trước đây, và hiện nay hầu hết các đại lý phân bón đều kinh doanh phân bón do các nhà máy trong nước sản xuất. Giá phân tăng bà con cũng chỉ than vãn nhưng vẫn phải mua và giảm bớt lượng sử dụng do không thể bỏ ruộng, rồi họ mong sao giá lúa đừng sụt nữa”, ông Chơn nói.
Có một nghịch lý là giá phân bón tăng cao nhưng giá lúa lại giảm mạnh. Giá lúa tươi đang dao động khoảng 5.500 – 5.700đ/kg, thấp hơn từ 800 – 1.000 đ/kg so với vụ Hè Thu năm ngoái.
Hiện giá lúa khoảng 5.500 đồng/kg nông dân vẫn có lợi nhuận dù không cao. Tổng chi phí cho 1 công (1.000m2) lúa (không tính quỹ đất) khoảng 1,8 – 2 triệu đồng/công, năng suất trung bình 600 kg/công, bán giá 5.500 đ/kg thu được trên dưới 3 triệu đồng, nông dân còn lãi khoảng 1 triệu đồng/công, nếu tính quỹ đất thì coi như không có lãi.
Giá phân bón trong nước tăng theo giá thế giới
Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) cho biết, giá chào phân bón vượt mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây do lượng cung mỏng. Thị trường ure thế giới cũng tăng mạnh song nguồn cung toàn cầu vẫn hạn chế và ngày càng khan hiếm.
ĐBSCL được xác định là thị trường mục tiêu số 1 của PVCFC, nên việc ưu tiên phân phối các sản phẩm tại khu vực để đáp ứng nhu cầu mùa vụ của người nông dân vừa là mục tiêu, vừa là trách nhiệm của công ty.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành ổn định với công suất trung bình 105%, đạt sản lượng ure quy đổi hơn 380 ngàn tấn và đã cung ứng toàn bộ ra thị trường. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của nông dân, công ty đã nhập khẩu và cung ứng ra thị trường gần 70 ngàn tấn các sản phẩm khác như NPK, Kali,… Tổng sản lượng phân bón tiêu thụ tại khu vực đạt 260 ngàn tấn, vượt 14% so với kế hoạch, tương đương với cùng kỳ năm 2020.
Riêng ure và các sản phẩm gốc ure do công ty sản xuất chiếm 210 ngàn tấn, vượt 30% so với kế hoạch và tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020. Thậm chí, tại một số thời điểm, để ổn định tâm lý và cam kết cung cấp đủ lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu mùa vụ, PVCFC đã chấp nhận ký các hợp đồng với hệ thống phân phối với thời gian giao nhận kéo dài mặc dù biết xu hướng giá có thể tăng cao.
“Việc giá phân bón thế giới tăng cao trong quý 2/2021 khiến giá phân bón trong nước điều chỉnh theo cũng là trăn trở của công ty. Là một nhà sản xuất, chúng tôi đã xây dựng giá bán vừa đảm bảo tính cạnh tranh, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích với nhà phân phối và nông dân.
Do đó, việc điều chỉnh giá bán được thực hiện thận trọng và mức điều chỉnh thấp hơn nhiều so với mức điều chỉnh giá thế giới. Ngoài ra, để hỗ trợ nhà phân phối và người tiêu dùng, công ty đã triển khai các chương trình xúc tiến bán hàng, các chương trình hỗ trợ, đồng hành đến người nông dân trong suốt 5 tháng qua đặc biệt là vụ Hè Thu”, đại diện PVCFC nhấn mạnh.
Giá phân bón được PVCFC công bố ngày 21/6 tại khu vực Tây Nam Bộ:
Phân ure Cà Mau giá 560.000 – 580.000 đồng/bao; ure Phú Mỹ giá 550.000 – 580.000 đồng/bao; ure Ninh Bình giá 520.000 – 540.000 đồng/bao.
DAP Hồng Hà giá 820.000 – 840.000 đồng/bao. Đình Vũ giá 630.000 – 640.000 đồng/bao;
Phân Kali Miểng Cà Mau và Phú Mỹ đồng giá 460.000 – 480.000 đồng/bao.
Khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên:
Ure Cà Mau giá 560.000 – 580.000 đồng/bao, ure Phú Mỹ giá 570.000 – 590.000 đồng/bao.
Kali Miểng Cà Mau giá 440.000 – 460.000 đ/bao; Phú Mỹ giá 440.000 – 470.000 đ/bao.

NGUYỄN HUYỀN

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version