– Tuần lễ thứ hai sau ngày TP.HCM mở cửa lại các chợ, giá heo hơi ở Đồng Nai – thủ phủ chăn nuôi cả nước đã tăng từ 13.000 – 18.000 đồng/kg.
Ảnh minh họa
Hiện giá heo hơi ở Đồng Nai đang dao động quanh mức 50.000 đồng/kg, và mãi lực thị trường cũng sôi động hơn so với thời điểm trước ngày 01/10, nhưng với mức giá này hộ chăn nuôi vẫn chưa muốn bán vì so với giá thành bà con vẫn còn lỗ.
Giá tăng nhưng hộ chăn nuôi vẫn lỗ 1 triệu đồng/con heo
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, sau khi chạm mức giá đáy thì từ khi TP.HCM cho mở cửa lại các chợ đầu mối, chợ truyền thống thì giá heo hơi đã tăng trở lại lại. Tuần qua giá heo hơi tại Đồng Nai đã tăng từ 13.000-18000 đồng/kg, và đang dao động trên dưới 50.000 đồng/kg.
Đối với heo quá lứa có trọng lượng từ 130 -140 kg/con giá bán chỉ khoảng 30.000 đồng/kg, còn với heo loại một giá dao động từ 32.000-33000 đồng/kg.
Mặc dù ở Đồng Nai giá heo hơi đã tăng trên dưới 50.000 đồng/kg nhưng vẫn chưa đạt được mức giá thành của người chăn nuôi là 60.000 đồng/kg, do bà con phải đầu tư tiền mua con giống (2,5 triệu đồng/con), cộng tiền thức ăn và chi phí thuốc thú y … với giá bán này bà con lỗ trên 10.000 đồng/kg, con heo cân nặng 100 kg thì lỗ một triệu đồng/con.
Đối với doanh nghiệp nhờ chủ động được con giống và nuôi trong điều kiện an toàn sinh học nên giá thành thấp hơn và giá bán như vậy là tạm ổn.
“Dù giá heo hơi ở Đồng Nai đã tăng lên mười mấy giá nhưng vẫn thấp hơn giá thành của hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Riêng đối với những doanh nghiệp chăn nuôi chuyên nghiệp và chủ động được nguồn giống thì có cơ hội để hòa vốn”, ông Đoán cho hay.
Bốn nguyên nhân đẩy giá heo hơi tăng mạnh
Theo phân tích của ông Đoán, giá heo hơi trong tuần qua tăng mạnh là vì nhiều lý do chứ không đơn thuần do TPHCM mở cửa.
Thứ nhất, các chợ ở TP.HCM và các tỉnh, thành khác mở cửa cũng là lý do đẩy giá heo hơi trong nước tăng nhưng không phải là lý do chính, vì nhu cầu thị trường vẫn chưa cao đến mức làm tăng giá đột biến như trong tuần vừa qua.
Thứ hai, giá heo hơi tại thị trường các nước xung quanh như Trung Quốc, trong tuần qua tăng đột biến và giá heo hơi tại khu vực phía Bắc tăng đang cao hơn các tỉnh phía Nam khoảng 10.000 đồng/kg.
Từ tháng 7 đến tháng 9, các tỉnh phía Nam đóng cửa thị trường, các tỉnh phía Bắc thì không nhưng giá heo hơi ở khu vực phía Bắc lại thấp hơn so với các tỉnh phía Nam, khi tăng giá thì các tỉnh phía Bắc giá lại tăng cao hơn so với các tỉnh phía Nam. Như vậy, giá heo hơi tăng đột biến không phải do nhu cầu thật sự của thị trường mà do giá của thị trường Trung Quốc tăng.
Thứ ba, các doanh nghiệp chăn nuôi dẫn dắt thị trường và làm cho giá đột biến để dễ tiêu thụ sản phẩm.
Giá heo hơi trong thời gian qua rất thấp nên không hộ dám tái đàn, khi giá tăng cũng là dịp để các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm từ con giống thương phẩm, đến giống hậu bị và các vật tư khác. Đây là một trong những lý do tác động tương đối lớn lên giá heo hơi hiện nay. Lý do cuối cùng là nhờ sự can thiệp của Chính phủ.
Giá heo hơi sẽ tiếp tục tăng
Tổng đàn của các doanh nghiệp đang chiếm khoảng 70% tổng sản lượng thịt trên thị trường, dù nông dân có bán hay không cũng chỉ ảnh hưởng nhỏ nhưng là cơ hội để doanh nghiệp tăng giá, vì trong thời gian vừa qua họ cũng lỗ tối thiểu một triệu đồng/con, vừa cắt lỗ vừa có cơ hội tiêu thụ các sản phẩm đang tồn dư, cũng như tiêu thụ sản phẩm cho nông dân góp phần tạo sức bật thị trường.
Giá sẽ tiếp tục tăng trong thời gian ngắn nữa, bởi trong xu hướng tăng giá như hiện nay đa phần hộ chăn nuôi đều giữ heo lại không xuất bán, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giải phóng một lượng lớn hàng tồn vừa qua.
Dự báo, từ nay đến Tết âm lịch thị trường heo hơi sẽ không bị thiếu như Tết năm 2019, vì theo số liệu thống kê cả nước đang có khoảng 28 triệu con heo hơi, đủ cung cấp cho thị trường 100 triệu dân. Cùng với việc giá heo hơi đang tăng sẽ kích thích nhiều hộ chăn nuôi tiếp tục tái đàn, và thị trường thịt Tết và sau Tết sẽ không bị thiếu như năm 2019.
Cần có sự kiểm soát đối với nhập khẩu thịt heo đông lạnh
Trong các tuần lễ trước, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) công bố Việt Nam có kế hoạch nhập khẩu 250.000 tấn thịt heo đông lạnh từ các nước để phục vụ thị trường trong nước từ nay cho đến cuối năm, nhưng nay số liệu này đã điều chỉnh xuống còn 120.000 tấn.
Theo các hiệp hội chăn nuôi trong nước, nếu Việt Nam nhập khẩu 250.000 tấn thịt heo tương đương với khoảng bốn triệu con heo hơi.
Theo số liệu từ Cục chăn nuôi, cả nước đang dư thừa khoảng 8 triệu con heo, nhưng lại có kế hoạch nhập khẩu thêm 4 triệu con nữa sẽ làm cho thị trường trong nước thêm lũng đoạn. Nhờ vậy, lượng thịt dự kiến nhập khẩu đã có sự điều chỉnh.
Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa thể biết được con số thực nhập sẽ là bao nhiêu song, hầu hết người chăn nuôi đều cảm thấy rất bất bình với chuyện nhập khẩu trong giai đoạn này, lại nhập khẩu không có hạn ngạch và hoàn toàn tùy theo khả năng của doanh nghiệp nhập khẩu.
Đại diện cho tiếng nói của người chăn nuôi ông Đoán cho rằng, việc cho nhập khẩu thịt đông lạnh từ nước ngoài không khống chế hạn ngạch sẽ dẫn thiếu sự kiểm soát chất lượng. Và thịt nhập khẩu chính là đối thủ rất có trọng lượng đối với ngành chăn nuôi trong nước, nhất là khi ngành chăn nuôi đang hết sức lao đao do tác động của dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, giá thịt nhập chỉ khoảng 1 USD/kg khiến cho nhiều người đặt vấn đề về chất lượng thật của thịt nhập khẩu. Hoặc đối với những sản phẩm đầu, giò và lòng heo nhập khẩu về bán tràn làn tại thị trường trong nước.
Theo một chuyên gia, trong điều kiện giá thức ăn chăn nuôi đắt đỏ như hiện nay không chỉ ở Việt Nam cả trên toàn cầu, thì giá thịt nhập khẩu từ các nước chỉ 1 USD/kg khiến mọi người đặt dấu hỏi vấn đề chất lượng loại thịt này? Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong nước, rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra về an toàn thực phẩm, vì hàng giá rẻ thường là hàng kém chất lượng, và khi xảy ra vấn đề về bệnh tật cho người dân ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
NGUYỄN HUYỀN
Nguồn: bizlive.vn