Giả định được vay 12.000 tỷ đồng của Chính phủ, Vietnam Airlines dự kiến lỗ hơn 15.000 tỷ đồng năm 2020

Rate this post
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến doanh thu, lợi nhuận của Vietnam Airlines sụt giảm mạnh, năm 2020 VNA dự kiến lỗ hơn 15.000 tỷ đồng trong khi năm 2019 từng lãi hơn 2.500 tỷ đồng.
Ảnh minh họa.

DỰ KIẾN LỖ HƠN 15.000 TỶ ĐỒNG NĂM 2020

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – VNA, mã HVN) mới ra thông báo về việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 dự kiến diễn ra vào ngày 10/8 tới đây sau nhiều lần thay đổi thời gian tổ chức.

Trong tài liệu ĐHĐCĐ dự kiến trình cổ đông, Vietnam Airlines đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2020 với chỉ tiêu doanh thu hợp nhất đạt 40.586 tỷ đồng trong đó công ty mẹ đạt 32.535 tỷ đồng, giảm 56,4% so với cùng kỳ do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân làm giảm doanh thu vận tải hàng không.

Tổng chi phí công ty mẹ giảm 34,5% so với cùng kỳ tương ứng 24.772 tỷ đồng trong đó giảm do Vietnam Airlines chủ động thực hiện các giải pháp điều hành, hạn chế tác động của dịch Covid-19 là 4.346 tỷ đồng còn lại là giảm do sản lượng, đơn giá tương ứng 20.426 tỷ đồng.

Kết quả sản xuất kinh doanh của VNA năm 2020 chưa bao gồm doanh thu – chi phí của hoạt động bán 2 tàu bay A321 giao tháng 6 không thành công và 6 tàu A321 dự kiến bán vào cuối năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến -14.487 tỷ đồng giảm 17.386 tỷ đồng so với cùng kỳ. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 16,63 lần, so với 2,72 lần của năm 2019.

Theo VNA, các số liệu tài chính của VNA dựa trên phương án được vay 12.000 tỷ đồng của Chính phủ thời hạn 3 năm và VNA chưa thực hiện các giải pháp tăng vốn chủ sở hữu trong năm 2020.

Theo báo cáo quý II/2020, VNA lỗ ròng 3.945 tỷ đồng, lỗ luỹ kế đến hết tháng 6/2020 là 4.264 tỷ đồng.


Đánh giá về thị trường hàng không nội địa, VNA cho biết, với việc kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam được thực hiện tốt, nhu cầu thị trường hàng không nội địa có dấu hiệu phục hồi nhanh. Các hãng hàng không liên tiếp mở thêm các đường bay mới đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu đi lại của người dân.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế trong và ngoài nước dự báo chịu tác động tiêu cực do ảnh hưởng của dịch bệnh, bên cạnh đó cung ứng tải thị trường nội địa tăng mạnh do hạn chế các hoạt động bay quốc tế dẫn đến nguồn lực tàu bay dư thừa, dự báo khách tổng thị trường nội địa phục hồi nhanh gần tương đương cùng kỳ tuy nhiên giá bán giảm sâu dẫn đến sức mua thị trường thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019.

7 tháng cuối năm 2020 dự kiến tổng thị trường hàng không nội địa phục vụ 18 triệu lượt khách tương đương 90% so với cùng kỳ. Tính chung cả năm 2020, khách tổng thị trường nội địa đạt 34,95 triệu lượt khách, thấp hơn 20% so với cùng kỳ.


Trong khi đó, dự báo về thị trường hàng không quốc tế và thuê chuyến, VNA cho biết, dự kiến 7 tháng cuối năm khách tổng thị trường quốc tế ước đạt 3,34 triệu lượt khách, thấp hơn 83,3% so với cùng kỳ. Tính chung cả năm 2020 khách tổng thị trường quốc tế đạy 9,36 triệu lượt, thấp hơn 81% so với cùng kỳ.

DÒNG TIỀN THÂM HỤT, KHÔNG CÓ NGUỒN TIỀN CHI TRẢ CỔ TỨC

Trước những ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, VNA cho biết đang tích cực đàm phán với các tổ chức tín dụng xuất khẩu châu Âu và các ngân hàng trong và ngoài nước, một trong những điều kiện tiên quyết để các tổ chức tín dụng và ngân hàng cho phép VNA giãn nợ là “không chia cổ tức cho các cổ đông”. Đây là thông lệ quốc tế khi xem xét giảm giá, gia hạn hoặc giãn tiến độ thanh toán đối với các công ty bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Cũng theo VNA, do sản lượng và quy mô kinh doanh giảm nhanh, dòng tiền của VNA rơi vào tình trạng thâm hụt ngay từ đầu tháng 2/2020 nên không có nguồn tiền để chi trả cổ tức. Việc không chi trả cổ tức để đảm bảo dòng tiền và cân đối tài chính cho hoạt động kinh doanh của tổng công ty năm 2020 và các năm tiếp theo.

BAMBOO AIRWAYS TĂNG QUY MÔ, VJA GIẢM GIÁ VÉ LÀ 1 TRONG NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA VNA

Đánh giá về năm 2019, VNA cho biết, mặc dù thị trường hàng không tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao so với mặt bằng chung của thế giới và khu vực song đã chậm lại so với giai đoạn trước đặc biệt tại thị trường quốc tế. Các yếu tố chi phí đầu vào gặp nhiều thuận lợi như giá nhiên liệu ở mức thấp, tỷ giá USD/VND ổn định.

Tuy nhiên, VNA cũng đưa ra những điểm khó khăn do môi trường kinh doanh và tình hình thị trường trong đó có đề cập việc hãng hàng không Bamboo Airways tăng quy mô đội tàu bay khai thác lên tới 20 tàu bay và nhận thêm tàu bay thời điểm trước Tết Âm lịch trong đó có 2-4 chiếc B787 (cao hơn 2 lần dự báo đầu năm của Tổng công ty). Bên cạnh đó, Vietjet Air (VJA, mã VJC) với mục đích giữ slot và giành thị phần nội địa đã liên tục tăng tải đặc biệt trên các đường bay trục, trục lẻ và triển khai giảm giá mạnh.

Khó khăn khác được VNA đề cập như việc đồng CNY mất giá và kinh tế gặp khó khăn, thị trường thuê chuyến Trung Quốc cũng trở nên ảm đạm hơn nhiều, nhiều đối tác thuê chuyến buộc phải ngừng hợp đồng, giảm tần suất mặc dù VNA có chủ động đề xuất hỗ trợ về giá trong ngắn hạn, khiến sản lượng giảm so với kế hoạch và kế hoạch điều chỉnh…

Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh tài chính hợp nhất năm 2019 đã được kiểm toán VNA đạt 98.228 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 1,4% so với năm 2018 và lợi nhuận sau thuế là 2.537 tỷ đồng, giảm 2,4%.

BẢO VY

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version