Diễn biến khó lường của giá dầu tác động trực tiếp lên ngành dầu khí, làm giảm giá bán cũng như các nhu cầu dịch vụ dầu khí khiến kết quả kinh doanh một số doanh nghiệp sụt giảm mạnh trong quý I/2020.
Tác động kép từ dịch bệnh Covid-19 và cuộc chiến giá dầu giữa Nga với Saudi Arabia khiến giá dầu Brent liên tục lao dốc mạnh từ đầu tháng 2 và đạt mức thấp nhất trong vòng 4 năm ở mức 21,2 USD/thùng.
Tuy nhiên sau đó, giá dầu Brent hiện đã phục hồi về 25,57 USD/thùng sau khi khối OPEC+ đồng ý giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày và một số quốc gia châu Âu cân nhắc nới lỏng lệnh phong tỏa giúp nhu cầu nhiên liệu phục hồi.
Trong khi đó, tại Mỹ, giá dầu WTI giao tháng 5 vừa trải qua một phiên giao dịch “điên rồ” khi giảm 55,9 USD, tương đương 306%, xuống -37,63 USD/thùng, trong phiên có lúc xuống -40,32 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử WTI được giao dịch ở giá âm.
Cùng thời điểm, giá dầu WTI giao tháng 6 là 20,43 USD/thùng. Chênh lệch giá giữa WTI giao tháng 5 và tháng 6 có lúc là 60,74 USD/thùng, cao nhất lịch sử cho hai hợp đồng tương lai liền kề.
Giá dầu WTI về âm trong bối cảnh nhu cầu năng lượng thế giới giảm mạnh vì người dân phải ở nhà để ngăn sự lây lan của Covid-19, dẫn đến tình trạng dư cung. Nhà đầu cơ tháo chạy khỏi hợp đồng WTI tương lai tháng 5 nhưng không có bên mua. Hợp đồng này đáo hạn ngày 21/4 và họ buộc phải chọn thực hiện hợp đồng hoặc chuyển vị thế sang tháng kế tiếp.
Hiện giá dầu WTI giao tháng 5 đã hồi phục trở lại và tạm thời không còn giá âm tuy nhiên vẫn ở mức rất thấp dưới 2 USD/thùng.
Diễn biến khó lường của giá dầu tác động trực tiếp lên ngành dầu khí, làm giảm giá bán cũng như các nhu cầu dịch vụ dầu khí. Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí cũng theo đó sụt giảm mạnh.
Tổng công ty khí Việt Nam – CTCP (PV GAS – mã GAS ) cho biết tổng doanh thu quý I ước đạt trên 17.500 tỷ đồng, giảm 12,5% cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt trên 2.100 tỷ đồng, giảm 30% so với quý I/2019. Nguyên nhân là do sản lượng khí giảm 10%, giá dầu Brent trung bình giảm 13%, giá dầu FO trung bình giảm 28%.
Theo SSI Research, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã PVS) ước doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý I lần lượt giảm 26,4% và 67% so cùng kỳ năm trước.
Sự sụt giảm chủ yếu từ phân khúc dịch vụ cơ khí và xây lắp (M&C) do các dự án chính Sao Vàng Đại Nguyệt và Gallaf-Al Shaheen đã qua giai đoạn cao điểm, kéo theo doanh thu ghi nhận và biên lợi nhuận cũng thấp hơn. Trong khi đó, phân khúc dịch vụ khảo sát địa chấn bằng ROV và phân khúc O&M có khả năng tăng khá tích cực nhưng không thể bù đắp và doanh thu từ các phân khúc khác vẫn ổn định so cùng kỳ.
Một số đơn vị có thể lỗ hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỷ đồng. Trong quý 1/2010, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – mã PLX) ước đạt 28.449 tỷ đồng doanh thu, giảm 6% so với cùng kỳ, ước lỗ 572 tỷ đồng do trích lập dự phòng hàng tồn kho. Dự kiến cả năm 2020, doanh thu sẽ giảm 12.517 tỷ đồng, ước lợi nhuận giảm 1.143 tỷ đồng so với kế hoạch 2020, nộp NSNN dự kiến giảm tương ứng khoảng 500 tỷ đồng so với kế hoạch nếu dịch kéo dài đến quý IV.
Nguyên nhân chính dẫn đến kết quả hoạt động kinh doanh xăng dầu lỗ là do Petrolimex là doanh nghiệp có hệ thống phân phối phủ rộng toàn quốc và xăng dầu là mặt hàng cần phải có đủ dự trữ tồn kho. Trong khi quý I/2020, giá xăng dầu thế giới giảm quá nhanh với biên độ lớn (giảm 60%) đã tác động đến giá vốn tồn kho của Petrolimex.
Trong trường hợp dịch vẫn diễn biến phức tạp các hãng hàng không trong nước và quốc tế sẽ tiếp tục tạm dừng các chuyến bay trong nước và quốc tế, nhu cầu vận tải đường thuỷ đường bộ sụt giảm mạnh khiến sản lượng xuất bán xăng dầu thấp, dự trữ tồn kho tăng cao sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn nữa đến tình hình sản xuất kinh doanh của Petrolimex.
CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) cho biết, báo cáo tài chính riêng quý I ghi nhận lỗ 2.332 tỷ đồng, quý thứ 2 lỗ kể từ khi chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào tháng 1/2018.
Theo BSR, dịch Covd-19 khiến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ở mức thấp giảm 30-40% so với cùng kỳ các năm, việc thực hiện cách ly xã hội từ ngày 1/4 càng làm cầu xăng dầu trong nước giảm. Đồng thời, giá dầu Brent trong quý I lao dốc hơn 70% từ 68,34 USD/thùng vào ngày đầu năm xuống còn 17,68 USD/thùng vào ngày 31/3 khiến giá hàng tồn kho bị giảm giá mạnh, là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả lỗ trong quý I.
Ngoài ra, ở một số thời điểm lượng hàng tồn kho của BSR lên tới hơn 90%, buộc nhà máy phải gửi hàng đến các kho khiến chi phí tăng lên, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Đơn vị cũng xem xét đến khả năng dừng vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất một thời gian.
Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc như CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PV Coating – mã PVB) nhờ vẫn duy trì thực hiện các dự án đã ký. Doanh thu thuần quý I đạt 384 tỷ đồng gấp gần 60 lần so với con số 6,4 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế thu về 49 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 12 tỷ đồng.
Hợp đồng bọc ống cho dự án Nam Côn Sơn 2 trị giá 980 tỷ đồng đã giúp cải thiện kết quả kinh doanh của PV Coating trong quý cuối năm 2019. Theo kế hoạch, trong tháng 1/2020, PV Coating sẽ bàn giao lô ống thành phẩm tuyến ống bờ và tháng 4/2020 sẽ bàn giao lô ống thành phẩm tuyến ống biển đầu tiên. Dự kiến đến tháng 8/2020, PV Coating sẽ hoàn thành tất cả các hạng mục của gói thầu.
Năm 2020, doanh nghiệp dự kiến chỉ tiêu kinh doanh gồm tổng doanh thu 608,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 48,6 tỷ đồng; lần lượt tăng 55% và 30,2% năm 2019. Kế hoạch này được ban lãnh đạo PV Coating xây dựng trên cơ sở hợp đồng bọc ống dự án Nam Côn Sơn 2 điều chỉnh (phần còn lại chuyển tiếp từ 2019), dự án Sao Vàng – Đại Nguyệt và một số dự án sơn chống ăn mòn cho khách hàng ngoài ngành như Nippon Steel, CSWind, Vietnam Engnery…
Kinh doanh chính trong hoạt động cho thuê giàn khoan và cung cấp các dịch vụ khoan, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling – mã PVD) cho biết hoạt động kinh doanh trong quý I tương đối khả quan. Doanh thu ước đạt 1.650 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 27 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ sau thuế lên đến 93,3 tỷ đồng.
Trong quý các giàn khoan của đơn vị đều hoạt động liên tục và đơn giá cho thuê tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2019. Các giàn khoan tự nâng có hiệu suất hoạt động đạt 100%, trong đó 4 giàn tự nâng (PV Drilling I, II, III và VI) hoạt động liên tục tại thị trường Malaysia và 3 giàn khoan thuê (HAKURYU 11, IDUN và SAGA) hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, giàn đất liền PV Drilling 11 đang có kế hoạch hoạt động trở lại sớm cho chiến dịch khoan của GBRS trong năm 2020, giàn khoan nước sâu PV Drilling V hiện đang thực hiện các công tác tái khởi động giàn và đầu tư cụm thiết bị khoan DES có tải trọng phù hợp để bắt đầu chiến dịch khoan tại Brunei cho Shell Brunei Petroleum, dự kiến trong năm 2021.
Về cơ bản, một số doanh nghiệp vẫn duy trì được nguồn thu nhờ các hợp đồng đã ký với khách hàng. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài khiến giá dầu duy trì ở mức thấp sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dầu khí.
THANH HÀ
Nguồn: bizlive.vn