Giá dầu lên đỉnh 2 năm, cổ phiếu dầu khí trên cả 3 sàn đồng loạt nổi sóng

Rate this post

Chứng khoán BSC cho rằng giá dầu Brent trung bình năm 2021 có thể tăng lên mức 57 USD/ thùng, cao hơn 36% so với năm trước, cải thiện triển vọng kinh doanh và mức định giá của các doanh nghiệp dầu khí.

Ảnh minh họa.

Giữa bối cảnh thị trường điều chỉnh giảm phiên sáng 2/6, cổ phiếu nhóm dầu khí trở thành điểm sáng thu hút dòng tiền nhà đầu tư nhờ hiệu ứng tích cực từ diễn biến của giá dầu thô trên thị trường thế giới.

Phiên giao dịch ngày thứ Ba trên thị trường London, giá dầu Brent hợp đồng tương lai đóng cửa ở mức 71,17 USD/thùng, mức tăng ghi nhận khoảng 2,7%. Trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao dịch ở mức 68,45 USD/thùng, tăng 3% trong phiên và là mức cao nhất trong vòng hơn 2 năm. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá dầu đã tăng hơn 30%.

Diễn biến giá dầu Brent 2 năm trở lại đây

OPEC và các nước sản xuất dầu đồng minh (OPEC+) hiện đang chiếm đến 30% sản lượng toàn cầu, đang cố gắng cân bằng giữa việc nhu cầu sử dụng dầu tăng trở lại và tiềm năng sản lượng dầu tại Iran tăng cao. Nhóm sẽ có cuộc họp lần tới vào ngày 1/7/2021. Trước thềm cuộc họp chuẩn bị diễn ra, giới chuyên gia phân tích dự báo nhóm này sẽ giữ nguyên sản lượng.

Tín hiệu lạc quan của giá dầu sớm phản ánh lên diễn biến nhóm cổ phiếu dầu khí trên thị trường chứng khoán. Đồng loạt GAS, BSR, PVS, PLX, PVT, PVB, OIL,… đều diễn biến khởi sắc đi ngược xu hướng điều chỉnh đang bao trùm thị trường.

Nổi bật trong số đó phải kể đến “đầu tàu” GAS khi cổ phiếu này bật tăng 4,3% đóng góp đáng kể vào VN-Index. Giao dịch rất sôi động với thanh khoản đạt hơn 1,6 triệu đơn vị chỉ trong buổi sáng, gấp đôi khối lượng bình quân ngày trong 1 tháng trở lại đây.

Các đại diện trên HNX và UpCOM cũng hút tiền mạnh trong đó PVS xếp thứ 2 trên sàn HNX với thanh khoản hơn 400 tỷ đồng còn BSR đứng đầu UpCOM với 356 tỷ đồng được giao dịch. Cả 2 cổ phiếu đều có thời điểm tăng gần 5% trước khi chịu áp lực chốt lời mạnh.

Nhìn chung, biến động của giá dầu thường chỉ có tác động ngắn hạn lên cổ phiếu dầu khí. Khi giá dầu duy trì ổn định, nhóm cổ phiếu này cần nhiều động lực rõ ràng hơn để duy trì xu hướng tăng trưởng dài hạn.

ĐỨNG LÊN SAU VẤP NGÃ

Tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 lên nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu khiến giá dầu lao đao trong năm 2020 đã ảnh hưởng đáng kể đến cổ phiếu dầu khí. Tuy nhiên, nhờ triển vọng phục hồi nền kinh tế, giá dầu thế giới đã trở lại mạnh mẽ từ cuối năm ngoái và tiếp tục duy trì xu hướng tăng trong những tháng đầu năm 2021.

Tiêu thụ dầu thế giới hồi phục theo tăng trưởng GDP toàn cầu

Chứng khoán BSC cho rằng giá dầu thế giới sẽ tiếp tục được hỗ trợ từ nhu cầu tiêu thụ dầu được cải thiện nhờ kỳ vọng hồi phục nền kinh tế và triển vọng nguồn cung được thắt chặt do nhóm OPEC tăng cường cắt giảm sản lượng trong 4 tháng đầu năm trong khi hoạt động khai thác dầu của Mỹ phục hồi chậm.

Theo BSC, giá dầu Brent trung bình năm 2021 có thể tăng lên mức 57 USD/ thùng, cao hơn 36% so với năm trước, cải thiện triển vọng kinh doanh và mức định giá của các doanh nghiệp dầu khí.

Bên cạnh đó, BSC kỳ vọng từ năm 2021, sản lượng tiêu thụ xăng dầu và khí đốt sẽ quay lại mức tăng trưởng bình ổn (lần lượt là 3%/năm và 10,5%/năm) nhờ dịch bệnh được kiểm soát và nền kinh tế trong nước hồi phục.

BSC đánh giá LNG nhập khẩu sẽ nguồn bổ sung quan trọng trong bài toán cung – cầu năng lượng dài hạn. Trong giai đoạn 2021 – 2030, tỷ trọng LNG nhập khẩu trong cơ cấu nguồn phát điện dự kiến sẽ tăng dần từ 0% lên 8,5%. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt dầu mỏ – khí mỏ trong nước cũng thúc đẩy nhu cầu đầu tư các dự án thăm dò, khai thác các mỏ mới.

Các dự án phát triển mỏ khí đang triển khai

THANH HÀ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version