Gạo Việt Nam mới chiếm thị phần rất nhỏ tại EU

Rate this post
9 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu gạo đi EU đạt trên 10,05 triệu USD, tăng 23,49% so với cùng kỳ năm 2019. Con số này còn rất khiêm tốn so với Thái Lan, Myamnar hay Campuchia.
Gạo thơm các loại – Ảnh: Duy Khang
Theo cam kết EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Với cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm.
EU là thị trường khắt khe
Nghị định số 103/2020/NĐ-CP ngày 4/9/2020 của Chính phủ đã quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU. Các doanh nghiệp có những loại gạo thơm trong danh sách và đơn hàng gửi thì hồ sơ đến Cục Trồng trọt để có giấy chứng nhận trước khi xuất khẩu.
Theo ông Tạ Quang Kiên, Quyền Trưởng phòng Chính sách thương mại Nông sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), năm 2019, Việt Nam xuất khẩu gạo vào EU đạt 50 nghìn tấn, với 28,5 triệu Euro, trong khi tổng nhập khẩu gạo của EU là 2,3 triệu tấn gạo/năm, với giá trị là 1,4 tỷ Euro (chiếm khoảng 2,2%). Gạo là mặt hàng có tiềm năng lớn để xuất khẩu vào EU khi mở rộng được hạn ngạch,
EU quy định khắt khe đối với chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, bắt buộc cung cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ khi làm thủ tục hải quan. EU cũng là thị trường rất khó tính với các yêu cầu về giống, truy xuất nguồn gốc. Song, việc chứng nhận theo các quy của EU sẽ thể hiện được chất lượng, uy tín, giá trị, thương hiệu của gạo Việt.
“Theo yêu cầu về gạo thơm xuất khẩu, để được hưởng miễn thuế nhập khẩu của EU theo hạn ngạch, phải có chứng nhận đúng chủng loại được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Do vậy, doanh nghiệp phải có chứng nhận Global G.A.P và phải thay đổi quy trình canh tác, trồng trọt so với trước đây. Phải xây dựng được chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ đạt tiêu chuẩn quốc tế (ISO, HACCP…). Từ 01/2018, Ủy ban châu Âu (EC) quy định mức dư lượng tối đa mặc định chung thuốc bảo vệ thực vật cho phép trong gạo nhập khẩu 0,01mg/kg”, ông Kiên nói.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT cho biết, Việt Nam xuất khẩu từ 6,4 -7,0 triệu tấn gạo/năm, với hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2019 xuất khẩu trên 6,3 triệu tấn với trên 2,8 tỷ USD. 10 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo ước đạt trên 5,35 triệu tấn, giá trị 2,64 tỷ USD, tăng 9,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, các giống OM5451, OM4900, Hương Nhài 85, ST20, RVT, VD20, Nàng Hoa 9, Tài Nguyên Chợ Đào (thuộc danh mục gạo thơm xuất khẩu sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi thuế quan) chiếm khoảng 43% – 46%/ tổng lượng gạo xuất khẩu hàng năm với khoảng trên 3 triệu tấn.
Gạo là mặt hàng có tiềm năng lớn để xuất khẩu vào EU khi mở rộng được hạn ngạch, 9 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu gạo đi EU đạt trên 10,05 triệu USD, tăng 23,49% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, năm 2019, tổng nhu cầu nhập khẩu gạo của EU là 2,3 triệu tấn gạo/năm, với giá trị 1,4 tỷ Euro. So với các nước ASEAN khác xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU chỉ bằng 1/6 với Thái Lan, 1/10 Myamnar, 1/4 Campuchia.
Kỳ vọng xuất khẩu gạo thơm sang EU lạc quan trong thời gian tới
“EU là thị trường còn nhiều dư địa, dự báo xuất khẩu gạo trong đó có gạo thơm sang EU từ nay đến hết năm sẽ tiếp tục tăng cho dù vẫn chịu tác động từ dịch Covid-19. Bộ NN-PTNT luôn ủng hộ các doanh nghiệp, các địa phương xây dựng chuỗi liên kết sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng và an toàn, đổi mới công nghệ tiên tiến, trang thiết bị hiện đại để phục vụ tốt nhất cho thị trường EU, phát triển các sản phẩm chế biến sâu đáp ứng quy định của thị trường, khẳng định chất lượng, tạo vị thế vững chắc trên trường quốc tế”, ông Hòa nhấn mạnh.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, từ ngày 4/9 đến 31/10 đã có 10 doanh nghiệp nộp đơn xin chứng nhận với khối lượng khoảng 5.932 tấn gạo thơm. Kỳ vọng xuất khẩu gạo thơm sang EU trong thời gian tới sẽ lạc quan hơn và có cơ hội rất lớn để có thể cạnh tranh trên thị trường EU về giá và chất lượng.
Để chuẩn bị cho những bước tiến dài và chắc trong thời gian tới, các thành phần tham gia vào chuỗi giá trị hạt gạo, các thương nhân phải tự xây dựng vị thế riêng để có thể nắm bắt và thực tiễn hóa cơ hội này. Các thương nhân cần nghiên cứu, cải tiến công nghệ và tổ chức dây chuyền sản xuất khép kín theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như ISO, HACPP, HALAL hay BRC.
Bên cạnh đó, việc đạt được các giấy chứng nhận tự nguyện khác phổ biến tại EU (như Sedex Certification) sẽ giúp các thương nhân thuận lợi hơn khi xuất khẩu gạo sang thị trường này.
Thông qua EVFTA, vấn đề “Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị” lại được nhắc đến. Theo đó, cần thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa Cục Trồng trọt, HTX, doanh nghiệp với người nông dân, xác định và xây dựng các vùng chuyên canh lúa thơm trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, sinh thái tự nhiên và khả năng đồng bộ hạ tầng.
Từ đó hình thành một quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu cho đến chế biến sâu: thực hiện đúng cam kết về truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm; đặc biệt chú ý đến bao bì, nhãn mác và kênh phân phối nội địa nơi đến khi bước vào thị trường ngách EU.

DUY KHANG

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version