Gánh nặng chi phí kéo lợi nhuận 9 tháng của An Phát Holdings giảm 59%

Rate this post

Nợ vay tài chính chiếm gần một nửa tổng tài sản, lãi vay 9 tháng hơn 200 tỷ đồng đã ăn mòn đáng kể lợi nhuận gộp của An Phát Holdings.

Ảnh minh họa.

CTCP Tập đoàn An Phát Holdings (mã APH) đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với doanh thu và lợi nhuận sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, An Phát Holdings tạo ra 6.044 tỷ đồng doanh thu, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp cũng giảm 20,5% so với cùng kỳ, xuống 687 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, các chi phí phát sinh trong kỳ đều tăng đáng kể so với 9 tháng đầu năm ngoái. Trong đó, chi phí bán hàng tăng gần 7% lên 191,5 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng tới 37% lên 228,7 tỷ đồng.

Kết quả, An Phát Holdings chỉ thu về 174 tỷ đồng lãi ròng sau 9 tháng đầu năm, giảm gần 59% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ vỏn vẹn 38,8 tỷ đồng, cũng giảm gần 79% so với cùng kỳ.

Về quy mô tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của An Phát Holdings đã giảm 3,2% so với đầu năm xuống 9.668 tỷ đồng. Sự sụt giảm chủ yếu do khoản tiền gửi ngắn hạn giảm từ 1.239 tỷ đồng đầu kỳ xuống 721 tỷ đồng và giảm hàng tồn kho.

Nợ vay tài chính được tiết giảm hơn 300 tỷ đồng so với đầu kỳ tuy nhiên vẫn ở mức cao 4.418 tỷ đồng, tương đương 46% tổng tài sản. Việc duy trì vay nợ nhiều khiến An Phát Holdings chịu áp lực lớn từ lãi vay. Trong 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp này phải chi trả tới hơn 200 tỷ đồng tiền lãi, ăn mòn đáng kể lợi nhuận gộp.

Thời điểm 30/9, An Phát Holdings còn có 657 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần và gần 106 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trong khi lợi ích cổ đông không kiểm soát lên đến 2.085 tỷ đồng.

Đòn bẩy tài chính cao, lãi vay ăn mòn lợi nhuận

Tương tự như công ty mẹ An Phát Holdings, các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái An Phát như CTCP Nhựa An Phát Xanh (mã AAA) và CTCP An Tiến Industries (mã HII) cũng đều ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự sụt giảm doanh thu trong khi các chi phí phát sinh trong kỳ lại tăng đặc biệt chi phí lãi vay thường xuyên ở mức cao.

Cụ thể, doanh thu thuần 9 tháng của Nhựa An Phát Xanh giảm 28,3% so với cùng kỳ xuống 5.310 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp cũng giảm 34,2% xuống 569 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp co lại còn 10,7%. Sau khi trừ chi phí, Nhựa An Phát Xanh thu về 223 tỷ đồng lãi ròng sau thuế, giảm phân nửa so với kết quả 9 tháng đầu năm ngoái.

Điểm chung của các doanh nghiệp trong hệ sinh thái An Phát là việc sử dụng đòn bẩy tài chính cao. Số dư nợ vay cuối kỳ của Nhựa An Phát Xanh cũng chiếm tới 42% tổng tài sản, ở mức 3.487 tỷ đồng. Việc thường xuyên duy trì nợ vay mở mức cao khiến doanh nghiệp này chịu đến hơn 176 tỷ đồng lãi vay trong 9 tháng đầu năm.

Với quy mô nhỏ hơn nhiều so với An Phát Holdings hay Nhựa An Phát Xanh, An Tiến Industries cũng vay nợ hơn 583 tỷ đồng, tương đương 38% tổng tài sản tại thời điểm 30/9.

Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp chuyên sản xuất nhựa phụ trợ này cũng không mấy khả quan trong 9 tháng đầu năm nay. Theo đó, doanh thu thuần của An Tiến Industries giảm 20,3% xuống 2.935 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu về 41,7 tỷ đồng, giảm 19% so với 9 tháng đầu năm ngoái.

THANH HÀ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version