EVNGENCO 3 (PGV), mặt hàng chất lượng mới của HOSE đã được chấp thuận niêm yết

Rate this post
Sau gần hai tháng chờ đợi, Tổng Công ty Phát điện 3- EVNGENCO 3 (PGV) đã nhận được thông báo chấp thuận niêm yết từ HOSE. Doanh nghiệp này hiện chiếm gần 14% tổng sản lượng điện quốc gia và có quy mô vốn hóa trên UPCoM lên tới gần 2 tỷ USD.
Nhiệt điện Phú Mỹ đóng góp gần 1/2 tổng sản lượng điện sản xuất của PGV.
Doanh nghiệp vốn hóa gần 2 tỷ USD, đóng góp 14% sản lượng điện quốc gia

Tổng Công ty Phát điện 3- EVNGENCO 3 (PGV) đã chính thức được HOSE chấp thuận niêm yết vào 29/12/2021 sau khi hoàn tất nộp hồ sơ cho HOSE vào ngày 4/11/2021. Dự kiến, sàn HOSE sẽ đón thêm 1,12 tỷ cổ phiếu PGV vào đầu năm nay.
PGV đã có hơn 3 năm giao dịch trên sàn UPCoM và đây là cột mốc đánh dấu sự sẵn sàng của ông lớn ngành Điện trước những chuẩn mực cao nhất của doanh nghiệp niêm yết.
Mức vốn hóa được ghi nhận vào ngày 31/12/2021 trên UPCoM là gần 44 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 2 tỷ USD, PGV được xem là “mặt hàng” đầy chất lượng cho HOSE. So với một số Ngân hàng như LPB, OCB, cổ phiếu PGV có vốn hóa nhỉnh hơn. Trong khi đó, nếu so với một đại gia ngành Năng lượng đang là điểm nóng giao dịch là POW, PGV cũng đang cao hơn khoảng 2.000 tỷ đồng.
Với tổng công suất 6.559 MW tại công ty mẹ và các đơn vị công ty con, công ty liên kết, PGV hiện là nhà phát điện lớn nhất trên thị trường, không kể công ty mẹ EVN (nắm hơn 99% vốn). Sản lượng điện sản xuất năm 2020 chiếm 13,57% tổng sản lượng điện quốc gia.
Công ty sở hữu những nhà máy điện hàng đầu như Phú Mỹ (2.540 MW), Vĩnh Tân (1.244 MW), Mông Dương (1.080 MW) cùng với các công ty con và công ty liên kết có tên tuổi trên TTCK Việt Nam như BTP, TBC, NBP, VSH. Trong đó, Nhiệt điện Phú Mỹ có công suất 2.540 MW đóng góp gần 1/2 tổng sản lượng điện sản xuất của PGV.
Danh mục của PGV có đầy đủ loại hình phát điện từ thủy điện, nhiệt điện khí, nhiệt điện than phía Bắc và Phía Nam, điện mặt trời.
Dự kiến lợi nhuận cao nhất lịch sử
Dù chịu ảnh hưởng của giãn cách kéo dài do COVID-19, PGV chỉ bị giảm sản lượng dẫn đến doanh thu 11 tháng đầu năm 2021 công ty mẹ mới đạt 33.073 tỷ đồng, tương đương 83,12% kế hoạch.
PGV đã vượt kế hoạch lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm. Lợi nhuận lũy kế công ty mẹ BCTC quý 3/2021 đạt 2.529 tỷ đồng và nhiều khả năng năm 2021 sẽ là năm PGV có lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay.
Năm 2021 có thể có lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay.
Đồng thời, Công ty đã cải thiện chất lượng hoạt động tốt hơn và hướng đến trạng thái cân bằng tài chính.
Từ mức dưới 10% trong năm 2019, ROE (4 quý gần nhất) của PGV tính đến quý 3/2021 đã được nâng lên xấp xỉ gần 20%. Trong quý 1/2021, ROE thậm chí còn đã lên tới 22,2%.
Công ty cũng đang giảm dần tỷ trọng các khoản nợ lớn đã được huy động để phát triển các nhà máy điện. Tính đến cuối quý 3/2021, tỷ trọng nợ phải trả đã giảm xuống còn 76% trên tổng tài sản giá trị hơn 70 nghìn tỷ đồng.
Sẽ hưởng lợi từ thủy điện và nhiệt điện than
Theo đánh giá của CTCK SSI, sản lượng tiêu thụ điện năm 2022 tăng trưởng 9% so với cùng kỳ dựa trên kịch bản tăng trưởng GDP là 6,5% nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine cao và nền kinh tế dần mở cửa trở lại.
Tình hình thủy văn nhiều khả năng kém thuận lợi trong năm 2022 và sẽ làm tăng nhu cầu tiêu thụ nhiệt điện. Trong nhóm nhiệt điện, lợi nhuận của nhóm điện than sẽ tốt hơn và lợi nhuận nhóm điện khí ước tính đi ngang trong 2022. Với việc giá khí ở mức cao làm cho nhóm công ty điện khí kém cạnh tranh hơn nhóm điện than khi EVN sẽ ưu tiên huy động nguồn điện có chi phí thấp hơn là điện than.
Đây chính là điểm mạnh của PGV bởi thủy điện Buôn Kuốp (586 MW) đang ghi nhận tình hình thủy văn thuận lợi trong những tháng cuối năm 2021 và dự kiến sẽ duy trì trong năm 2022.
Cùng với đó, nhờ việc có sự hiện diện nhà máy nhiệt điện than phía Bắc của PGV như Mông Dương, Công ty sẽ có lợi thế rất lớn khi được huy động phát điện.
Ngoài ra, PGV cũng sẽ còn tiếp tục đầu tư vào các nguồn phát mới trong thời gian tới như các dự án điện gió và dự án LNG Long Sơn.
PGV cùng với các nhà đầu tư như Tập đoàn Mitsubishi Corporation, Tập đoàn Marubeni, Tập đoàn General Electric International đang chờ phê duyệt dự án LNG Long Sơn tại được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Dự án có công suất 3.600MW-4.500MW, diện tích khoảng 200ha và tổng vốn đầu tư khoảng 3,7 tỷ USD.
Với các dự án điện gió, tại ĐHĐCĐ năm 2021, Chủ tịch Đinh Quốc Lâm cho biết sẽ “tham gia theo hình thức đấu thầu với các dự án điện gió ở quy mô nhỏ, dưới 100 MW trong khi sẽ thực hiện các dự án ngoài khơi từ 300-500 MW theo chính sách riêng”. Bởi Quy hoạch điện VIII sẽ được phê duyệt nên các hướng dẫn sẽ được Bộ Công Thương công bố trong thời gian tới.

MAI HƯƠNG

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version