[eMagazine] Việt Nam – Một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới

Rate this post
Với tốc độ tăng trưởng cao, có tầng lớp trung lưu lớn và tăng trưởng nhanh, cùng mức độ thu hút đầu tư lớn, Việt Nam trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.
Báo cáo xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021 – 2030 của Bộ Công Thương vừa công bố cho biết, theo đánh giá của các tổ chức UNIDO, WB, INCENTRA, UN CONTRADE và EU-Vietnam Business Network (EVBN), thị trường trong nước hiện nay liên tục được mở rộng, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN (sau Indonesia và Thái Lan) về quy mô bán lẻ và thương mại điện tử.
Cũng theo nhận định của các tổ chức trên, Việt Nam trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới và thuộc nhóm 30 quốc gia có tầng lớp tiêu dùng trung lưu lớn nhất thế giới và tăng trưởng nhanh nhất khu vực ASEAN.
Thương mại trong nước trở thành động lực tăng trưởng mới của ngành Công Thương, qua đó đã cùng với xuất khẩu và công nghiệp đã thực sự trở thành trụ đỡ quan trọng đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong những giai đoạn ta gặp khó về thị trường bên ngoài.
Tốc độ tăng trưởng nhanh, hấp dẫn đầu tư

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, hiện nay thị trường trong nước phát triển mạnh mẽ và tiếp tục duy trì là ngành có tốc độ tăng trưởng cao (trung bình 11,5%/năm) với tỷ trọng tổng mức bán lẻ trong GDP tăng từ 55,24% năm 2011 lên 78,88% năm 2020 và đóng góp lớn giá trị gia tăng vào GDP (từ 8,5% năm 2011 lên 11,7% năm 2020), góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ, và gắn liền với phát triển thương hiệu hàng Việt Nam với tỷ lệ phân phối hàng hóa Việt Nam qua hệ thống phân phối bán lẻ luôn trên 80%.
Trong đó, tỷ lệ hàng Việt Nam được phân phối qua các hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại luôn chiếm tỷ trọng cao, đặc biệt là hệ thống phân phối của các doanh nghiệp FDI.
Tính đến nay, tỷ lệ hàng Việt chiếm tỷ trọng trên 90% đối với hệ thống phân phối do doanh nghiệp trong nước làm chủ (Co.opmart: 90 – 93%, Satra: 90-95%, Vinmart: 96%…) và trên 80% tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại nước ngoài tại Việt Nam (Lotte, Big C: 90%, AEON, Citimart: 82 – 85%…).
Bộ Công Thương đánh giá, Việt Nam đang trở thành khu vực có mức độ hấp dẫn đầu tư lớn, thuộc nhóm các quốc gia có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN (sau Indonesia và Thái Lan) về quy mô bán lẻ và thương mại điện tử.
Cùng với đó, chuyển dịch phát triển thị trường trong nước đang từng bước phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao của người dân.
Theo đó, chuyển dịch kết cấu hạ tầng thương mại có sự biến chuyển theo hướng văn minh hiện đại với số lượng siêu thị và trung tâm thương mại tăng gần 2 lần trong 10 năm qua (từ 638 siêu thị và 116 trung tâm thương mại năm 2010 lên 1.163 siêu thị và 250 trung tâm thương mại vào năm 2020 ) và hầu như không thay đổi đối với hệ thống chợ (năm 2011 là 8.550 và năm 2020 là 8.581).
Chuyển dịch cơ cấu chủ sở hữu hệ thống hạ tầng thương mại ngày càng đa dạng với sự xuất hiện của khu vực ngoài nhà nước và sự lớn mạnh của một số doanh nghiệp lớn trong nước đã góp phần hiện đại hóa ngành bán lẻ và chuyển dịch cơ cấu phân phối hàng hóa sang các kênh phân phối hiện đại, từng bước góp phần đảm bảo các yêu cầu về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Thương mại điện tử dẫn đầu khu vực, dư địa còn rất lớn
Theo Báo cáo xây dựng đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021 – 2030, thương mại điện tử tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong những năm trở lại đây với sự hỗ trợ của các phương thức thanh toán điện tử và đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã trở thành kênh phân phối quan trọng.
Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt cao, 27%/năm và tăng hơn 2 lần trong 5 năm qua (từ 5 tỷ USD năm 2016 lên 11,8 tỷ USD năm 2020), chiếm xấp xỉ 7% quy mô thị thị trường bán lẻ trong nước, cao nhất trong nhóm các nước ASEAN (tỷ lệ này tại các quốc gia khác trong khu vực gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan lần lượt là: 2,9%, 2,7%, 3,2%, 2,7%).
Thương mại điện tử đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường thu hút đầu tư của nước ngoài và có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới và trong nhóm 3 quốc gia hàng đầu của ASEAN cùng với Indonesia và Philipines với hơn 50% doanh nghiệp tham gia thị trường tham gia thương mại điện tử.
Hiện nay, cả 4 sàn giao dịch thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam (Shoppe, Lazada, Tiki và Sendo) đều có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nhà đầu tư Trung Quốc nắm tỷ trọng đáng kể tại 3 sàn.
Cụ thể, Lazada.vn có vốn đầu tư của Alibaba (Trung Quốc) và Temasek Holding (Singapore). Trong đó, Tập đoàn Alibaba đã đầu tư 4 tỷ USD vào Lazada chỉ trong 3 năm và giành quyền kiểm soát với 83% cổ phần tính đến năm 2018.
Shopee.vn có vốn đầu tư của Công ty Sea (Singapore), mà Tencent (Trung Quốc) đang là cổ đông lớn nhất của SEA với 40% cổ phần. Tập đoàn SEA đã đầu tư 50 triệu USD vào Shopee.
Tiki.vn có vốn đầu tư từ JD (Trung Quốc) và Tencent (Trung Quốc) thông qua VNG (Việt Nam). Theo thông tin từ DealStreetAsia, JD.com đã chính thức đầu tư 44 triệu USD vào Tiki.
Ngoài ra, hiện có khoảng 45% doanh nghiệp trên cả nước có webside với khoảng 49% trong đó thực hiện quảng cáo hoặc bán hàng trên môi trường điện tử với tốc độ tăng trưởng trung bình 13% trong giai đoạn 2013-2019. Các kênh bán hàng của yếu thông qua website thương mại điện tử (52%), diễn đàn/mạng xã hội (57%) và qua ứng dụng được cài đặt trên thiết bị di động (57% năm 2019) .
Trong đó, khoảng 50% thị phần bán lẻ của Việt Nam của các doanh nghiệp FDI là qua bán hàng trực tuyến với số lượng doanh nghiệp có giao dịch thương mại điện tử tăng hơn 3 lần trong 10 năm qua (khoảng 259 nghìn doanh nghiệp vào năm 2019).
Thương mại điện tử mặc dù đang tăng trưởng nhanh tuy nhiên quy mô thị trường thương mại điện tử còn rất nhỏ so với quy mô của toàn thị trường bán lẻ (chỉ chiếm khoảng 7% toàn thị trường) và thấp hơn rất nhiều so với các nước (trung bình toàn cầu là 11-14%). Đây cũng chính là dư địa rất lớn để thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục bùng nổ trong tương lai.

N. NGA

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version