Dự án bột giấy nghìn tỷ “đắp chiếu” nhiều lần bán không thành công, ngân hàng kiện đòi nợ

Rate this post
Việc triển khai bán đấu giá Nhà máy bột giấy Phương Nam không thành công được Bộ Công Thương nhận định do việc định giá bán nhà máy chưa phù hợp.
Tổng công ty Giấy Việt Nam từng đề xuất “cơ chế đặc thù” để bán đấu giá dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam.

Trong báo cáo vừa được gửi Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Bộ Công Thương đề cập đến tiến độ giải quyết dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam “đắp chiếu” nhiều năm nay, bán không ai mua.

Bộ Công Thương cho biết, tháng 10/2019, Ngân hàng PVcomBank đã khởi kiện Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco), yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Vinapaco phải trả cho PVcomBank tổng số tiền là 592,3 tỷ đồng (theo các hợp đồng tín dụng giữa TRACODI – chủ đầu tư của Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam trước đây và Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam chi nhánh Vũng Tàu – PVFC – VT).

“Vinapaco hiện đang gặp khó khăn về tài chính, không chi trả được các khoản nợ gốc và lãi nêu trên cho PVcomBank”, báo cáo của Bộ Công Thương cho biết.

Vì thế, tháng 1/2020, Bộ Công Thương đã kiến nghị với Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ xem xét, có ý kiến chỉ đạo các Bộ, ngành và đại diện vốn nhà nước tại PVcomBank thống nhất với Vinapaco phương án xử lý tài sản thế chấp thuộc dự án theo hướng bảo đảm các chỉ đạo của Chính phủ. Vụ việc đang chờ ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ để xem xét, xử lý.

Trước đó, năm 2017, Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) đã triển khai tổ chức bán đấu giá dự án lần 1 nhưng không thành công. Sau khi chứng thư thẩm định giá lần thứ nhất hết hiệu lực, công ty đã tiến hành thẩm định giá tài sản và hàng tồn kho của dự án lần thứ 2.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thời điểm này đã đề nghị Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả định giá lần thứ 2 của Vinapaco, tuy nhiên sau khi Kiểm toán nhà nước bổ sung kế hoạch kiểm toán năm 2019, chứng thư thẩm định giá lần 2 hết hiệu lực (chứng thư chỉ có hiệu lực 6 tháng kể từ ngày ban hành).

Ngày 22/10/2019, Bộ Công Thương đề nghị Tổng công ty Giấy Việt Nam thuê tư vấn định giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho của dự án tại thời điểm 0 giờ 00 ngày 1/10/2019. Đến nay, Vinapaco đã lựa chọn được đơn vị tư vấn thẩm định giá và đang tiến hành triển khai thực hiện (lần 3).

Trong báo cáo trước đó, Bộ Công Thương từng cho biết, số liệu quyết toán dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đã được kiểm toán của công ty TNHH Kiểm toán Việt Anh tại thời điểm 31/12/2015 tổng nguồn vốn là 2.703 tỷ đồng. Trong đó đáng lưu ý, khoản nợ dài hạn lên đến 2.426 tỷ đồng, nợ ngắn hạn 225,8 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu chỉ vỏn vẹn 107,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại báo cáo này, Bộ Công Thương chưa phản ánh được nguồn vốn thực tế đã giải ngân tính đến thời điểm 31/12/2015 lên đến 2.759 tỷ đồng.

Về việc bán đấu giá dự án, Tổng công ty Giấy Việt Nam từng đề xuất “cơ chế đặc thù tương tự cơ chế tại Nghị định số 61 về xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng để bán đấu giá tài sản của dự án”, khi đấu giá không thành công cho phép giảm giá khởi điểm 10% để tiếp tục đấu giá, số lần giảm tối đa không quá 2 lần.

Trường hợp sau 2 lần giảm giá mà việc tổ chức bán đấu giá vẫn không thành công đề nghị cho phép Tổng công ty tổ chức định giá từng phần của dự án để tiếp tục tổ chức bán đấu giá dự án, báo cáo Chính phủ.

Tháng 8/2017, Bộ Công Thương đã từng đề nghị cho phép giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của lần đấu giá không thành công liền trước đó đối với dự án Bột giấy Phương Nam, thời gian mỗi lần giảm giá không quá 30 ngày và không giới hạn số lần giảm giá cho tới khi đấu giá thành công.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, đề xuất của Bộ Công Thương cho phép Tổng công ty Giấy Việt Nam giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của lần đấu giá không thành công liền trước đó đối với dự án Bột giấy Phương Nam, thời gian mỗi lần giảm giá không quá 30 ngày và không giới hạn số lần giảm giá cho tới khi đấu giá thành công là chưa phù hợp với Luật Đấu giá số 01/2016/QH14.

Bộ Tài chính cũng đề nghị xây dựng quy chế cuộc đấu giá bao gồm hình thức đấu giá, phương thức đấu giá phù hợp với Luật Đấu giá tài sản, đảm bảo lợi ích của Tổng công ty và Nhà nước.

Trong khi đó, Bộ Tư pháp cũng có ý kiến “trường hợp bán đấu giá tài sản và hàng hoá tồn kho của dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam thực hiện theo Nghị định số 91 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 61 của Chính phủ”.

Tại báo cáo đánh giá tình hình nợ công năm 2018 của Chính phủ gửi Quốc hội tháng 5/2019 cho biết, năm 2018, Quỹ Tích lũy trả nợ vẫn phải ứng vốn trả nợ cho Tổng công ty Giấy Việt Nam với số tiền 7,61 triệu EUR (tương đương 8,13 triệu USD).

BẢO VY

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version