Đòn bẩy tài chính cao gây áp lực lớn lên lợi nhuận hệ sinh thái An Phát Holdings

Rate this post

An Phát Holdings, Nhựa An Phát Xanh và An Tiến Industries đều báo lãi giảm trong khi tăng trưởng lợi nhuận của Nhựa Hà Nội chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh bất thường.

Ảnh minh họa.

CTCP An Phát Holdings (mã APH) cùng các công ty con sở hữu trực tiếp và gián tiếp đang niêm yết như Nhựa An Phát Xanh (mã AAA), An Tiến Industries (mã HII) và Nhựa Hà Nội (mã NHH) đều đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2020 cả năm 2020.

LỢI NHUẬN CỦA AN PHÁT HOLDINGS “BỐC HƠI” 82%

Theo BCTC hợp nhất quý 4/2020, An Phát Holdings ghi nhận doanh thu thuần tăng gần 16% so với cùng kỳ, đạt 2.441 tỷ đồng. Biên lãi gộp được cải thiện đôi chút từ 10,3% lên 11,2% tương ứng lợi nhuận gộp đạt 272,5 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này lại giảm tới gần 76% so với cùng kỳ, chỉ còn 70,3 tỷ đồng.

Nguyên nhân cho sự tăng trưởng lợi nhuận âm là do hụt thu từ hoạt động tài chính đồng thời các chi phí phát sinh trong kỳ đều tăng cao trong khi khoản lợi nhuận khác tăng hơn 35 tỷ đồng không đủ bù đắp.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính sụt giảm mạnh tới 88% xuống còn vỏn vẹn 37,4 tỷ đồng do không còn lợi nhuận từ đánh giá lại khoản đầu tư liên doanh, liên kết thành công ty con. Chi phí tài chính chỉ giảm chưa đến 17 tỷ đồng trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng lần lượt 133% và 34% so với cùng kỳ, cùng ở mức gần 95 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2020, An Phát Holdings ghi nhận 8.485 tỷ đồng doanh thu thuần và 244,4 tỷ đồng lãi ròng sau thuế, tương ứng giảm 11% và 66% so với năm trước. Phần lớn lợi nhuận của doanh nghiệp này thuộc về cổ đông không kiểm soát trong khi cổ đông công ty mẹ chỉ nhận về phần lợi nhuận vỏn vẹn 78,6 tỷ đồng, giảm tới 82% so với năm trước.

NHỰA AN PHÁT XANH BÁO LÃI GIẢM 42%

Năm 2020 cũng là một năm khó khăn với Nhựa An Phát Xanh khi doanh nghiệp này ghi nhận sự sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận.

Theo đó, doanh thu thuần năm vừa qua của Nhựa An Phát Xanh đạt 7.428 tỷ đồng, giảm gần 20% so với năm trước đó. Giá vốn giảm chậm hơn khiến lợi nhuận gộp giảm tới hơn 25% so với cùng kỳ, xuống mức 777 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp ở mức 10,5%.

Ngược lại, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng lần lượt 19% và 12% so với năm trước lên mức 255,8 tỷ đồng và 167 tỷ đồng. Kết quả, lãi ròng năm 2020 của Nhựa An Phát Xanh giảm tới 42% so với năm 2019, xuống 283 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 262 tỷ đồng.

Tương tự công ty mẹ, An Tiến Industries cũng tăng trưởng lợi nhuận âm trong năm qua với khoản lãi ròng gần 53 tỷ đồng, giảm 2% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ cũng giảm hơn 6% so với năm 2019, đạt 43,2 tỷ đồng.

Doanh thu trong năm của doanh nghiệp này cũng giảm gần 12% xuống 4.083 tỷ đồng tuy nhiên nhờ tiết giảm mạnh giá vốn nên lợi nhuận gộp vẫn tăng 15% lên mức 275 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp ở mức 6,7%.

Với kết quả đã đạt được, An Tiến Industries mới hoàn thành 88% kế hoạch trong khi công ty mẹ Nhựa An Phát Xanh cũng chỉ thực hiện phân nửa mục tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm 2020.

TĂNG TRƯỞNG LỢI NHUẬN CỦA NHỰA HÀ NỘI ĐẾN TỪ HOẠT ĐỘNG BẤT THƯỜNG

Nhựa Hà Nội là cái tên duy nhất trong hệ sinh thái An Phát có sự tăng trưởng lợi nhuận dương trong năm 2020 tuy nhiên động lực không đến từ mảng kinh doanh cốt lõi mà chủ yếu xuất phát từ hoạt động bất thường do mua thêm công ty con giá rẻ.

Riêng quý 4, hoạt động này đóng góp tới hơn 62 tỷ đồng lợi nhuận khác giúp Nhựa Hà Nội báo lãi đột biến gấp 4,8 lần cùng kỳ, đạt 81,5 tỷ đồng dù doanh thu sụt giảm gần 14% so với cùng kỳ xuống 318 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2020, Nhựa Hà Nội ghi nhận 1.064 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 13,7% so với năm trước và mới hoàn thành được hơn 57% kế hoạch năm. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cũng giảm hơn 31% xuống 48,9 tỷ đồng.

Lãi ròng sau thuế của Nhựa Hà Nội lại tăng gấp đôi so với năm trước, đạt 115,5 tỷ đồng, nhờ lợi nhuận khác tăng đột biến lên 80 tỷ đồng. Dù vậy, doanh nghiệp này cũng chỉ thực hiện được 79% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Đáng chú ý, nợ vay tài chính của Nhựa Hà Nội cũng tăng mạnh so với đầu kỳ lên 696 tỷ đồng trong đó nợ ngắn hạn ở mức 359 tỷ đồng (tăng gần 86 tỷ đồng) và nợ dài hạn gần 337 tỷ đồng (tăng 160 tỷ đồng). Đây cũng là nguyên nhân khiến chi phí tài chính tăng cao ăn mòn đáng kể lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này.

ĐÒN BẨY TÀI CHÍNH Ở MỨC CAO

Việc thường xuyên sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao là đặc trưng dễ nhận thấy của hệ sinh thái An Phát. Trong môi trường thuận lợi, đòn bẩy tài chính có thể giúp doanh nghiệp gia tăng đáng kể tốc độ tăng trưởng tuy nhiên lãi vay có thể trở thành gánh nặng gây áp lực lớn lên lợi nhuận trong giai đoạn khó khăn.

Không bất ngờ khi An Phát Holdings là doanh nghiệp vay nợ nhiều nhất trong hệ sinh thái cả về số tuyệt đối và tỷ trọng trên tổng tài sản. Đến cuối năm 2020, gần một nửa tổng tài sản của doanh nghiệp này được tài trợ bằng vốn vay tài chính với số dư lên đến 4.766 tỷ đồng.

Con số này gần như không thay đổi so với đầu năm tuy nhiên cơ cấu nợ vay đã có sự chuyển dịch rõ rệt từ nợ dài hạn sang nợ ngắn hạn chủ yếu do các khoản trái phiếu dài hạn đến hạn trả. Nợ vay ngắn hạn tăng mạnh từ 2.745 tỷ đồng lên 3.375 tỷ đồng trong khi nợ dài hạn giảm 630 tỷ đồng xuống còn 1.391 tỷ đồng.

Bên cạnh công ty mẹ, các công ty con như Nhựa An Phát Xanh, An Tiến Industies và Nhựa Hà Nội cũng thường xuyên duy trì tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản ở mức cao.

Trong đó, Nhựa An Phát Xanh vay nợ lên đến 3.560 tỷ đồng, dù giảm đôi chút so với đầu năm những vẫn chiếm đến gần 42% tổng tài sản của doanh nghiệp này. Công ty con trực tiếp của Nhựa An Phát Xanh là An Tiến Industies dù quy mô nhỏ hơn nhiều nhưng cũng đi vay đến hơn 570 tỷ đồng, tương đương 37% tổng tài sản.

Nhựa Hà Nội là doanh nghiệp đẩy mạnh sử dụng đòn bẩy tài chính nhất trong nhóm này. Số dư nợ vay cuối kỳ của doanh nghiệp nhựa này đã tăng gần 55% so với đầu kỳ lên 696 tỷ đồng, tương đương 41% tổng tài sản.

THANH HÀ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version