– Năm 2021, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hạt điều đạt 3,6 tỷ USD, tăng 12,9% so với năm 2020. Kết quả xuất khẩu đã vượt mục tiêu 59 triệu USD. Song điều lại mặt hàng hiếm hoi ghi nhận nhập siêu trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu.
Năm 2021 – năm đâu tiên Việt Nam nhập siêu điều thô
Năm 2021, cũng như bao nhiều ngành hàng khác, ngành điều Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chi phi logistics tăng cao. Song, xuất khẩu nhân điều đã vượt mục tiêu đề ra 3,659 tỷ USD, tăng 13,2 về lượng và tăng 13,9% về giá trị so với năm ngoái. Trong cơ cấu xuất khẩu điều nhân chiếm 87,1%, điều chế biến chiếm 11,2%.
Các FTA thế hệ mới giúp ngành điều đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường chủ lực
Có được kết quả trên nhờ nỗ lực các doanh nghiệp điều vẫn duy trì sản xuất, đảm bảo nguồn cung ứng, bất chấp diễn biến phức tạp của làn sóng COVID-19 lần thứ 4.
Theo Ban chỉ đạo phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trong cơ cấu thị trường xuất khẩu hạt điều, các thị trường chính như: Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 29%, Trung Quốc chiếm tỷ trọng 17%, Hà Lan là 10%, Đức 4%, Canada 3%, các thị trường khác 37%.
Xuất khẩu sang các thị trường chính đều tăng, nhưng xuất khẩu sang Úc, Anh giảm. Giá xuất khẩu bình quân hạt điều năm 2021 đạt 6.288 USD/tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong năm qua chính các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã giúp ngành điều đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường chủ lực và tiềm năng như các thị trường khối EU, Nga, Canada, Anh, Nhật Bản. Đáng chú ý, ngành điều vẫn duy trì tăng trưởng xuất khẩu sang Hoa Kỳ – thị trường xuất khẩu lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam.
Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế trong 10 tháng năm 2021, tổng nhập khẩu hạt điều của Pháp đạt 13.872 tấn, trị giá 109,69 triệu USD, tăng 17,5% về lượng và tăng 11,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong thời gian này Việt Nam là nguồn cung hạt điều lớn nhất cho Pháp, với lượng nhập khẩu đạt 9,63 nghìn tấn, trị giá xấp xỉ 74 triệu USD, tăng 26,9% về lượng và tăng 20,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Pháp tăng từ 63,34% trong 10 tháng năm 2020 lên 69,46% trong 10 tháng năm 2021.
Giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Pháp đạt mức 7.907 USD/tấn, giảm 5,0% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Pháp giảm từ hầu hết các nguồn cung chính. Mức giảm cao nhất 4,8% từ Việt Nam và Đức.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trong năm 2022 Việt Nam vẫn là nguồn cung hạt điều số một số thị trường khối EU, đặc biệt là tại thị trường Đức nhờ nguồn cung ổn định và chất lượng đảm bảo. Triển vọng xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang thị trường EU năm 2022 nhờ lợi thế từ EVFTA. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu hạt điều của EU sẽ tăng khi dịch bệnh được kiểm soát.
Lần đầu tiên Việt Nam nhập siêu điều nguyên liệu
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hạt điều trong năm 2021 đạt 4,213 tỷ USD, tăng 99,9% về khối lượng và tăng 133% về giá trị so với năm ngoái. Trong đó hạt điều tươi chưa bóc vỏ chiếm 88%, hạt điều tươi đã bóc vỏ chiếm 11%.
Điều thô được nhập khẩu chủ yếu tư các nước, như: Campuchia chiếm 46%, Bờ Biển Ngà 21%, Gana 7%, Nigeria 7%, các thị trường khác chiếm 13%.
Đây cũng là năm đầu tiên Campuchia trở thành thị trường lớn nhất cung cấp điều thô cho doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản – Bộ NN-PTNT cho biết, trong bối cảnh Việt Nam tham gia toàn diện vào 17 FTA khác nhau, đặc biệt những hiệp định thế hệ mới như CPTPP, trong đó có nhiều nước có nền kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã ký và thực thi EVFTA, vào năm 2021 ký tiếp UKVFTA và năm 2022 sẽ triển khai Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP).
Với 17 FTA này về cơ bản tất cả những dòng thuế đối với các mặt hàng rau hoa quả của Việt Nam đều được hưởng mức thuế ưu đãi 0%. Bên cạnh đó một số mặt hàng nông thủy sản khác khi vào thị trường có mang tính chất hạng ngạch, như EVFTA hay UKVFTA thì Việt Nam được hưởng hạng ngạch rất lớn, ví dụ tinh bột sắn, trong tổng nhập khẩu của châu Âu và các quốc gia khác trong khối CPTPP, ví dụ như Nhật Bản
“Trong tổng thể bức tranh xuất khẩu nông sản của Việt Nam như rau hoa quả, gỗ, thủy sản và hạt điều thì nhóm ngành hàng rau, hoa, quả phần lớn được sản xuất và chế biến xuất khẩu từ nguồn nguyên liệu trong nước.
Trong khi đó với ngành điều thì phần lớn nguyên liệu dùng để sản xuất chế biến xuất khẩu phải nhập từ các nước, thậm chí nếu như năm nay chúng ta xuất khẩu điều nhân được 3,659 tỷ USD thì kim ngạch nhập khẩu điều thô lên đến 4,213 tỷ USD, tăng 99,9% về khối lượng và tăng 133% về giá trị so với năm ngoái. Như vậy chúng ta phải nhập siêu điều thô để tiêu thụ trong nước và cũng để chế biến xuất khẩu”, Phó Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản – Bộ NN-PTNT phân tích.
NGUYỄN HUYỀN
Nguồn: bizlive.vn