Dịch bệnh chưa qua, doanh nghiệp du lịch lại lo mùa thấp điểm sắp đến

Rate this post
Vẫn đang loay hoay với những biện pháp để chống chọi với “cơn bão” Covid-19 tái bùng phát thì ngành du lịch lại chuẩn bị bước vào mùa thấp điểm của du lịch nội địa.
Ảnh minh họa.
Theo Tổng cục thống kê, 7 tháng đầu năm nay, doanh thu du lịch, lữ hành ước đạt hơn 11.000 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là con số khả quan trong tình hình dịch bệnh so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tháng 6 & 7, chương trình kích cầu du lịch nội địa đã đóng góp lớn trong bức tranh khả quan này.
Nhưng từ 25/7, dịch Covid-19 tái bùng phát tại Đà Nẵng và các ca nhiễm mới liên tục xuất hiện trong cộng đồng. Nhiều khách du lịch hoãn, hủy chương trình du lịch đã đặt trước. Thị trường cũng lập tức đứng khựng lại.
Đà Nẵng: 44.274/56.000 mất việc là lao động trong ngành du lịch
Gần như tất cả các doanh nghiệp hoạt động du lịch, dịch vụ ở Đà Nẵng thời điểm này đều đóng cửa ngừng hoạt động. Hiện có hơn 56.000 công nhân lao động tại Đà Nẵng bị mất việc, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó tập trung nhiều nhất ở khối ngành du lịch, dịch vụ với 44.274 người.
Theo ông Cao Trí Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng: “Với việc bùng phát dịch Covid-19 lần này thì kịch bản lạc quan nhất cũng khó có thể phục hồi các dịch vụ trong năm 2020. Dự kiến doanh thu của các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn TP. Đà Nẵng chỉ đạt khoảng trên dưới 20% so với năm 2019.
Không chỉ có Đà Nẵng, các địa phương khác trên cả nước cũng bị thiệt hại nặng nề. Thống kê từ Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết, tính đến giữa tháng 8/2020 tỷ lệ khách du lịch hủy phòng các khách sạn khoảng 90% – 100% ở hầu hết các địa phương. Trong đó Hà Nội từ ngày 28/7 – 6/8 đã có 32.907 khách hủy tour nội địa, TP.HCM hủy tới 35.000 tour.
Các địa phương như Thừa Thiên-Huế có 1.931 khách hủy tour, thiệt hại về doanh thu khoảng 1.100 tỷ đồng. Bình Định có 85% lượng phòng bị hủy tour. Bà Rịa-Vũng Tàu có 93 đơn vị kinh doanh, dịch vụ tạm dừng hoạt động, đóng cửa…
Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết, khi hết đợt giãn cách xã hội lần 1, Quảng Nam đã tổ chức nhiều hoạt động và tập trung nguồn lực lao động còn giữ lại để tái hoạt động kinh doanh, tái thiết chỉn chu sản phẩm, truyền thông với các gói kích cầu hiệu quả. Kết quả thu được khá tốt khi lượng khách đến Quảng Nam tăng mạnh trong tháng 6, 7. Tuy nhiên, thêm một lần nữa, đại dịch quay trở lại, khiến mọi thứ đứng khựng lại.
Ông Thanh chia sẻ, nhiều doanh nghiệp phải đau đầu với bài toán về các loại chi phí, vốn và lãi suất ngân hàng, rồi bài toán về nhân lực, khi thu nhập không đủ trang trải cuộc sống thì người lao động quay lưng với ngành dịch vụ, nguồn hỗ trợ nhà nước cũng khó tiếp cận, dẫn đến ít có niềm tin vào chính sách.
Không chỉ ở Quảng Nam hay Đà Nẵng, ông Lê Ngọc Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận – CEO Hoàng Ngọc Resort & Spa cho biết: “Chúng tôi hy vọng sẽ chỉ khoanh vùng dịch ở khu vực Đà Nẵng mà thôi, tuy nhiên khách du lịch cũng có tâm lý lo ngại, nên họ huỷ luôn tour hàng loạt cả những nơi không có dịch, như Bình Thuận chẳng hạn. Vì thế với những doanh nghiệp vừa quay trở lại hoạt động thì đến đầu tháng 8 lại đóng cửa. Nhân viên phải bị cắt giảm hoặc làm việc luân phiên”. Ông Hà lo lắng, nếu dịch còn lâu dài thì nguồn lực dự phòng của các doanh nghiệp sẽ dần cạn kiệt.
Tổng giám đốc Vietnam TravelMART Jsc., ông Nguyễn Như Nam cho hay, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là bài toán người lao động, “bất cứ quyết định nào cũng phải nghĩ cho cuộc sống của họ các chi phí cố định cho chi lương cơ bản, bảo hiểm xã hội, thuê văn phòng… đều rất cao trong khi nguồn thu từ đầu năm đến nay không được bao nhiêu.”
Cần thiết chương trình kích cầu du lịch nội địa lần 2
Sang tháng 9, tháng 10 thông thường là mùa thấp điểm của du lịch nội địa, các năm trước, sự sụt giảm của doanh thu du lịch nội địa được bù đắp bởi khách quốc tế, nhưng năm nay thì lượng khách quốc tế sẽ không có. Doanh nghiệp du lịch chưa biết phải xoay sở thế nào.
Theo CEO của TravelMART, khó khăn rất lớn còn trước mắt, tình hình này, chúng tôi đề xuất Chính phủ có những chính sách như dừng thu, giãn hoàn toàn các loại thuế, dừng thu bảo hiểm xã hội cho đến khi hoạt động kinh tế đặc biệt ngành du lịch có thể phục hồi. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần rõ ràng, dễ tiếp cận hơn. Đề xuất cho doanh nghiệp vay vốn lãi suất 0% để chi trả lương cơ bản, việc này rất cấp thiết vì người lao động cần duy trì cuộc sống!.
Theo ông Cao Trí Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, trong thời gian này, các doanh nghiệp chỉ có thể tập trung chủ yếu vào hai việc: Một là, tập trung xử lý việc hoàn, huỷ, dời dịch vụ… đã triển khai trong giai đoạn cao điểm vừa rồi, giảm thiểu thiệt hại cho khách hàng và doanh nghiệp. Hai là, tập trung tái cấu trúc, tiết kiệm chi phí, cắt giảm lao động để có thể tồn tại trong giai đoạn khó khăn, chờ tín hiệu của việc kiểm soát dịch để có kế hoạch tiếp theo.
“Rất cần thiết một chương trình liên kết, kích cầu lần 2, truyền thông tổng thể cho các kịch bản hồi phục ngành du lịch và phải sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, các địa phương, sự phối hợp của các ngành như trong thời gian vừa qua.”, ông Cao Trí Dũng chia sẻ.

HẢI TIẾN – N. NGA

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version