ĐHĐCĐ Hoà Phát: Lợi nhuận quý 1 ước đạt 7.000 tỷ, nâng cổ tức năm 2020 lên 40%

Rate this post
Quý 1/2021, Hoà Phát ước đạt 31.000 tỷ đồng doanh thu và 7.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Sáng ngày 22/4, CTCP Tập đoàn Hoà Phát tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2021.
Tại Đại hội, cổ đông Hoà Phát đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu toàn tập đoàn dự kiến 120.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến 18.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 33,15% và 33,27% so với thực hiện năm 2020.
Chia sẻ tại Đại hội, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cho biết quý 1/2021, doanh thu Hoà Phát đạt 31.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 7.000 tỷ đồng. So với cùng kỳ tăng, lợi nhuận đã tăng hơn 3 lần. Theo ông Trần Tuấn Dương, phó Chủ tịch HĐQT, quý 2 có thể tốt hơn quý 1.
Về kế hoạch trả cổ tức, sau ý kiến của cổ đông muốn có thêm cổ tức bằng cổ phiếu, ông Long đã đề xuất nâng mức cổ tức năm 2020 từ 35% lên 40% trong đó 5% bằng tiền mặt và 35% bằng cổ phiếu và đã được Đại hội biểu quyết thông qua.
Một nội dung quan trọng cũng được cổ đông biểu quyết thông qua là phương án triển khai thực hiện Dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất Gang thépHòa Phát Dung Quất 2 với Tổng mức đầu tư dự kiến 85.000 tỷ đồng, trong đó vốn cố định dự kiến 70.000 tỷ đồng, còn lại là vốn lưu động.
Công suất của nhà máy dự kiến đạt 5,6 triệu tấn/năm gồm 4,6 triệu tấn thép dẹt và 1 triệu tấn thép thanh, thép dây chất lượng cao mỗi năm.
Ngoài ra, cổ đông cũng đã thông qua việc ông Long và gia đình có thể mua cổ phiếu HPG mà không phải chào mua công khai. Ông Long cho biết sẽ không bán cổ phiếu và mong muốn cổ đông sẽ ủng hộ việc ông mua cổ phiếu. Việc không chào mua chỉ để giảm bớt thủ tục phức tạp.
Q&A
Trong phần thảo luận, nhiều câu hỏi của cổ đông đã được Ban lãnh đạo Hoà Phát giải đáp:
Về ngành sản xuất Container, Trung Quốc đang chiếm trên 90% sản xuất container toàn thế giới. Hiện thế giới sản xuất 3 triệu container thì 50-60% đơn vị sản xuất không liên quan đến ngành vận tải biển. Hoà Phát sản xuất container có nhiều yếu tố thuận lợi như trên 60-70% giá thành container phụ thuộc vào thép trong khi HPG đã có nhà máy sản xuất HRC – đã thử nghiệm thành công.
Trong khi đó, chi phí lao động Trung Quốc tăng rất nhanh đặc biệt trong các ngành sử dụng nhiều lao động không cần quá nhiều chất xám. Với GDP trên đầu người của Việt Nam hiện nay đang ở mức 3.000 USD, đây là điểm mạnh của nền kinh tế Việt Nam.
Về dự án Dung Quất 2, mỗi tháng Hoà Phát sản xuất 250.000 – 300.000 tấn HRC và kể cả có tăng lên 1 triệu tấn cũng tiêu thụ hết. Ông Long cho biết Hoà Phát đã đàm phán với 2 tổ chức tài chính để thu xếp vốn cho Dung Quất 2.
Về ống thép, tới cuối 2021 sản lượng các nhà máy sản xuất ống thép sẽ tăng lên 1.300.000 tấn, Hoà Phát dự kiến xây thêm nhà máy tại Long An. Nhà máy tôn đang sản xuất 320.000 tấn, quý 1 xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Châu Âu, Canada. Hoà Phát có kế hoạch thuê đất và bổ sung nhà máy mới năm 2021.
Về vấn đề môi trường, HPG cho biết sản xuất công nghiệp nặng sẽ tổn hại đến môi trường và điều quan trọng là HPG giảm thiểu nó và xử lý nó như thế nào. Hoà Phát dùng 35% tài sản cố định để xử lý vấn đề môi trường, lọc bụi và lọc khí, đáp ứng yêu cầu Việt Nam. 1 tấn thép thải 1,2 tấn CO2, nhưng tại Hoà Phát tận dụng khí để phát điện nên việc phát thải sẽ thấp hơn.
Giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, Công ty giữ lại để tiêu dùng nội bộ vì còn phải xây dựng hệ thống đại lý. Chiến lược của HPG là “xây dựng đại lý quan trọng” nên dù có lỗ cũng phải bán.
Về chính sách khen thưởng, ông Long cho biết hiếm tập đoàn nào đến trưởng bộ phận được cho cả gia đình đi du lịch Châu Âu.

THANH HÀ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version