Dầu khí hạ nhiệt, nhóm ngành nào sẽ dẫn dắt thị trường chứng khoán thời gian tới?

Rate this post

Sau con sóng dầu khí chớp nhoáng, bất động sản, chứng khoán, ngân hàng đều là các nhóm ngành được kỳ vọng có thể nổi lên dẫn dắt thị trường.

Ảnh minh họa.

Trong bối cảnh cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thép đều có dấu hiệu hạ nhiệt sau thời gian tăng nóng, nhóm dầu khí bất ngờ nổi sóng tạo điểm nhấn đáng chú ý thu hút dòng tiền. Đồng loạt GAS, PLX, BSR, OIL, PVD, PVS, PVT,… đều tăng mạnh, thậm chí có những phiên nhiều cổ phiếu dầu khí tăng kịch trần.

Đà tăng của cổ phiếu dầu khí được hỗ trợ rất lớn đến từ diễn biến khởi sắc của giá dầu thô thế giới (Brent). Khép lại phiên 7/6, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 40 xu Mỹ xuống 71,49 USD/thùng, sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ tháng 5/2019 là 72,27 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đóng phiên ở mức 69,23 USD/thùng sau khi có thời điểm tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2018 là 70 USD/thùng.

The SSI Research, hệ số tương quan giá cổ phiếu BSR với giá dầu là cao nhất trong nhóm cổ phiếu dầu khí khoảng 0,82 lần, kế đến PLX 0,78 lần, GAS 0,77 lần, PVT 0,68 lần… Bộ phận nghiên cứu này nhận định, đây là cơ hội trading ngắn hạn với các mã cổ phiếu dầu khí có độ nhạy cao với giá dầu.

Trên thực tế, các cổ phiếu dầu khí có mức độ tương quan cao với giá dầu đều diễn biến đầy khởi sắc trong hơn 1 tuần trở lại đây. Kết phiên 7/6, cổ phiếu BSR đã tăng 34%, PVS tăng 36%, OIL tăng 32%, PVD tăng 30%, PVT tăng 20% trong khi “gã khổng lồ” GAS cũng tăng 13% so với thời điểm bắt đầu nổi sóng (phiên 28/5).

Tuy nhiên, tính đầu cơ cao cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến những con sóng dầu khí thường đến bất ngờ và đi cũng rất nhanh. Chỉ trong phiên sáng 8/6, một loạt cổ phiếu dầu khí đáng chú ý như PVS (-5%), BSR (-4,43%), PVD (-4,33%), GAS (-1,98%),… đều đã quay đầu giảm sâu.

Nhìn lại lịch sử, lần gần đây nhất cổ phiếu dầu khí tạo ra một con sóng lớn gây ấn tượng cũng rơi vào thời điểm thị trường thăng hoa khi VN-Index lần đầu lên đỉnh lịch 1.200 vào đầu năm 2018. Cú nước rút của một loạt cổ phiếu dầu khí như GAS, PVD, PVS thời điểm đó chính là con sóng ngành cuối cùng trước khi thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh tính bằng năm.

Đến thời điểm hiện tại nhiều cổ phiếu dầu khí vẫn còn chưa về lại đỉnh cũ trong khi VN-Index đã bứt phá rất xa và thiết lập đỉnh mới. Liệu đây chỉ là nhịp điều chỉnh trong một con sóng lớn của nhóm dầu khí hay dòng tiền sẽ tìm đến nhóm ngành khác để dẫn dắt thị trường?

CỔ PHIẾU BẤT ĐỘNG SẢN LÊN NGÔI?

Với số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường ngày càng nhiều trong bối cảnh các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn, dòng tiền được dự báo sẽ không ngừng đổ vào thị trường. Sự luân phiên nhịp giữa các nhóm ngành được kỳ vọng sẽ tiếp tục đưa thị trường chứng khoán chinh phục những mốc đỉnh mới.

Sau khi cổ phiếu dầu khí hạ nhiệt, nhiều khả năng dòng tiền sẽ tìm đến những nhóm ngành chưa tăng nhiều thời gian qua, nổi bật có thể kể đến bất động sản. Đây cũng là nhóm ngành có mức độ ảnh hưởng lớn đến VN-Index do chiếm tỷ trọng cao cả về quy mô và thanh khoản.

VNDIRECT đánh giá tích cực đối với ngành BĐS nhà ở với tiềm năng tăng giá là nguồn cung hồi phục. Mặt khác, rủi ro giảm giá là từ nguồn cung thấp hơn dự kiến do quy trình pháp lý chậm và giá nguyên vật liệu xây dựng tiếp tục tăng cao.

Các cổ phiếu Bất động sản nhà ở được VNDIRECT lựa chọn có các đặc điểm sau: sắp triển khai các dự án mà doanh nghiệp đã được cấp phép xây dựng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có khả năng cao được cấp phép trong năm 2021; có sở hữu quỹ căn hộ cho phân khúc trung cấp và bình dân; sở hữu sức khỏe tài chính lành mạnh.

Ngoài bất động sản, dòng chứng khoán cũng là một ứng cử viên nặng ký để đầu tư trong bối cảnh thị trường đang trong giai đoạn sôi động chưa từng có. SSI Research đánh giá, các cổ phiếu chứng khoán của Việt Nam hiện đang giao dịch với P/E và P/B quá khứ tương ứng là 13,9x và 1,6x, thấp hơn khá nhiều so với trong khu vực. Mức giá này được đánh giá hấp dẫn và hợp lý để đầu tư dài hạn.

Thanh khoản thị trường dự báo đạt trung bình 18.000 tỷ đồng/phiên trong cả năm 2021 và tăng thêm 15% trong năm 2022 nhờ môi trường lãi suất thấp sẽ hỗ trợ tích cực cho hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán. Bên cạnh đó, tỷ lệ gia nhập thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ đến từ nhóm nhà đầu tư cá nhân.

Trong khi đó, cổ phiếu ngân hàng dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn là một trong những nhóm ngành đáng lưu ý. Do chiếm tỷ trọng lớn và có mức độ ảnh hưởng đáng kể đến thị trường, VN-Index nếu muốn chinh phục các mốc điểm cao hơn rất khó có thể thiếu đi sự đồng thuận của dòng ngân hàng.

Theo Chứng khoán BSC, định giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng, tuy nhiên vẫn ở mức hấp dẫn. Tính đến hết ngày 25/05/2021, P/B forward toàn ngành ngân hàng đã đạt mức 1.8x, cao hơn mức BSC sử dụng để định giá toàn ngành.

BSC cho rằng, tốc độ tăng trưởng cao giúp ngành ngân hàng được nhà đầu tư chấp nhận mặt bằng giá cao hơn; các catalyst trong năm 2021 giúp đánh giá lại giá trị và lãi suất vẫn tiếp tục ở mức thấp giúp mặt bằng định giá toàn thị trường (trong đó có ngành ngân hàng) cao hơn. Do đó, CTCK này nâng kỳ vọng định giá của toàn ngành ngân hàng lên 2x PBR để khuyến nghị trong năm 2021.

THANH HÀ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version