Dầu khí ảm đạm, riêng PVS, PVD ngược dòng

Rate this post

Trong bối cảnh phần lớn doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng âm, thậm chí báo lỗ trong quý 3 vừa qua, PVS, PVD trở thành điểm sáng tăng trưởng nhờ được hưởng lợi từ các dự án đang triển khai.

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 làm gián đoạn các hoạt động sản xuất kinh doanh khiến nhu cầu về nhiên liệu như dầu khí sụt giảm đáng kể. Thực tế, biến động giá dầu có tác động trực tiếp lên ngành dầu khí, làm giảm giá bán cũng như các nhu cầu dịch vụ dầu khí.

Mặc dù có chiều hướng ổn định hơn từ cuối quý 2 nhưng giá dầu nhìn chung vẫn ở mức thấp, và thấp hơn đáng kể so với giả định của nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí. Điều này khiến bức tranh kinh doanh của nhóm dầu khí vẫn tương đối ảm đạm với phần lớn doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng âm, thậm chí báo lỗ trong quý 3 vừa qua.

NHIỀU “ĐẠI GIA” BÁO LÃI GIẢM SÂU

Đại diện tiêu biểu cho sự khó khăn ngành dầu khí trong quý 3 cũng như 9 tháng đầu năm 2020 có thể kể đến như PV Gas (mã GAS).

Trong quý 3/2020, PV Gas ghi nhận doanh thu thuần đạt 15.937 tỷ đồng, giảm hơn 16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp giảm mạnh tới 33% về mức 2.906 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí phát sinh, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ PV Gas đạt 2.023 tỷ đồng, cũng giảm 30% so với quý 3/2019.

Lũy kế 9 tháng, PV Gas ghi nhận 48.625 tỷ đồng doanh thu và 6.129 tỷ đồng lãi ròng, tương ứng giảm 16% và 31% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụt giảm này là do sản lượng khí vào bờ giảm và giá dầu trung bình các mặt hàng cũng giảm đáng kể.

Trong khi đó, Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) vẫn gặp nhiều khó khăn trong quý 3 dù kết quả có phần được cải thiện hơn so với nửa đầu năm.

Sau 2 quý đầu năm lỗ đến hàng nghìn tỷ đồng, Lọc hóa dầu Bình Sơn đã có lãi trở lại với khoản lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 173 tỷ đồng. Dù vậy, con số này vẫn giảm tới 71% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu trong kỳ cũng giảm tới hơn 60% so với cùng kỳ năm trước, xuống mức 9.098 tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng, Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt 40.825 tỷ đồng doanh thu, giảm 45% so với cùng kỳ đồng thời lỗ ròng 4.063 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 1.281 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất còn cách rất xa mục tiêu lãi sau thuế 1.185 tỷ đồng năm 2020.

Sau quý trước tương đối khởi sắc, bộ đôi bán lẻ xăng, dầu Petrolimex(mã PLX) PV Oil (mã OIL) lại có diễn biến trái chiều trong quý 3/2020.

Trong kỳ, Petrolimex ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt hơn 27.480 tỷ đồng, giảm 43% cùng kỳ năm trước do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, biên lãi gộp đã được cải thiện đáng kể lên hơn 11% trong khi trung bình các quỹ trước đây chỉ quanh 7%.

Sau khi trừ các chi phí, Petrolimex báo lãi trước thuế 1.114 tỷ đồng, vẫn giảm 5,3% so với cùng kỳ nhưng đã đủ bù đắp hết khoản lỗ trong nửa đầu năm. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ cũng giảm 5% so với quý 3/2019 xuống mức 853 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, PV Oil lại bất ngờ chuyển từ lãi quý 3 năm ngoái sang lỗ cùng kỳ năm nay. Theo đó, doanh thu thuần quý 3 của PV Oil giảm tới 44% xuống 11.579 tỷ đồng. Dù tiết giảm được giá vốn nhưng chi phí phát sinh vẫn ở mức cao khiến công ty lỗ sau thuế 16,6 tỷ đồng. Cổ đông công ty mẹ chịu lỗ 24 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn lãi 8,4 tỷ đồng.

Ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu thế giới và tác động mạnh của dịch bệnh Covid-19 trong quý 3 đã làm cho tình hình kinh doanh xăng dầu của các đầu mối nói chung và PV Oil nói riêng gặp nhiều khó khăn, sản lượng kinh doanh xăng dầu nội địa quý 3 giảm khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Mặt khác, việc giá bán lẻ xăng dầu trong nước 15 ngày đầu tháng 10 thấp hơn giá gốc hàng tồn kho theo sổ sách kế toán tại ngày 30/9 nên doanh nghiệp phải tiến hành trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 66,4 tỷ đồng

ĐIỂM SÁNG ĐẾN TỪ NHÓM UPSTREAM

Trong bối ảnh phần lớn doanh nghiệp ngành dầu khí vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh và biến động giá dầu, nhóm Upstream (thượng nguồn) như PVS, PVD trở thành điểm sáng tăng trưởng nhờ được hưởng lợi từ các dự án đang triển khai, như Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 2 và LNG Thị Vải.

Trong kỳ, PTSC (mã PVS) ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.966 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ nhờ các mảng kinh doanh chính như Tàu dịch vụ cơ khí, căn cứ cảng dầu khí, cơ khí dầu khí, lắp đạt, vận hành và bảo dưỡng công trình biển đều tăng trưởng tốt hơn cùng kỳ năm trước.

Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh, PVS thu về 222,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận thuộc về công ty mẹ là 197 tỷ đồng, gấp 3,2 lần quý 3/2019.

Lũy kế 9 tháng, PVS đạt 890 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 4% so với cùng kỳ và cao hơn 11% so với báo cáo ước tính trước đó (800 tỷ đồng). Với kết quả đạt được, công ty đã hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra cả năm 2020.

PV Drilling (mã PVD) cũng có sự tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận trong quý 3/2020. Theo đó, doanh thu trong kỳ của PV Drilling đạt 1.271 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ cũng tăng 43% so với quý 3/2019, đạt 39 tỷ đồng.

Theo PV Drilling, lợi nhuận hợp nhất tăng mạnh do số lượng giàn khoan thuê tăng (1,7 giàn trong quý 3/2020, trong khi cùng kỳ năm 2019 không có giàn khoan thuê); đơn giá cho thuê giàn khoan tự nâng tăng 4,2%; giảm hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng sở hữu (quý 3/2020 tỷ lệ 55%, giảm so với con số 91% hồi quý 3/2019).

Lũy kế 9 tháng đầu năm, PV Drilling đạt 125 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ, tăng 156% qua đó hoàn thành vượt 84% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2020.

PV Drilling cho biết đã đàm phán thành công các hợp đồng để Giàn khoan PV Drilling II bắt đầu chiến dịch khoan mới tại Việt Nam kể từ tháng 9/2020 với thời gian khoảng 100 ngày, Giàn khoan PV Drilling III thực hiện hợp đồng khoan mới cho khách hàng Kris Energy tại Campuchia với chương trình khoan 5 giếng khoan trong 3 tháng, dự kiến bắt đầu từ tháng 10/2020.

THANH HÀ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version