“Đã đến lúc cần nhìn thẳng và nói thật vào vấn đề hàng nông sản ùn ứ ở biên giới và vấn nạn giải cứu hàng nông sản“

Rate this post
Câu chuyện giải cứu nông sản chỉ xảy ra ở những mặt hàng nông sản chạy theo nhu cầu tức thì của thị trường Trung Quốc, sản xuất không có kế hoạch dễ dẫn đến ế hàng dội chợ, Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) nhìn nhận.
Cần chấm dứt tình trạng xuất khẩu nông sản bằng đường tiểu ngạch
Tình trạng tắc nghẽn hàng nông sản tại các cửa khẩu đã xảy ra liên tục nhiều năm qua, nhưng năm nay do phía Trung Quốc siết chặt các quy định phòng chống dịch khiến mức độ tắc nghẽn trở nên nghiêm trọng hiếm thấy. Để tăng tốc thông quan, ngày 07/01/2022, tỉnh Quảng Tây Trung Quốc cho mở thêm một cửa khẩu, tuy nhiên Chính phủ vẫn lo ngại không giải tỏa hết các xe hàng trước Tết Nguyên đán.
Việc ách tắc nghiêm trọng lần này chính là dịp để các bộ, ngành và doanh nghiệp nhìn nhận gốc rễ vấn đề hàng hóa xuất sang Trung Quốc chủ yếu là qua đường tiểu ngạch, đã đặt Việt Nam luôn trong thế bị động và phải thường xuyên giải cứu nông sản.
Theo một chuyên gia, xuất tiểu ngạch có thể có lợi rất nhiều trước mắt nhưng về lâu dài sẽ kéo cả nền kinh tế đi xuống, chưa kể sự nhập nhèm giữa xuất tiểu ngạch và buôn lậu. Câu hỏi lớn nhất hiện nay và “Tại sao doanh nghiệp không thích xuất chính ngạch mà chỉ thích xuất tiểu ngạch?
Ở Việt Nam xuất chính ngạch khi sang Trung Quốc trở thành hàng xuất tiểu ngạch
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, sở dĩ nhiều doanh nghiệp chọn xuất tiểu ngạch vì chỉ cần mở tờ khai và có giấy phép biên mậu, còn doanh nghiệp Trung Quốc thì né được thuế nhập khẩu.
Trong khi xuất chính ngạch doanh nghiệp bắt buộc phải ký hợp đồng với doanh nghiệp Trung Quốc, có số lượng, có kế hoạch xuất khẩu theo từng tháng, từng quý rõ ràng, phải làm nhiều thủ tục hải quan và các giấy tờ liên quan, sẽ mất nhiều thời gian và chí phí. Chính vì vậy mà hiện nay có đến 90% lượng hàng hóa đi đường bộ là xuất tiểu ngạch, còn đi đường biển thì 100% là suất chính ngạch.
“Tiểu ngạch là giao dịch nhỏ dành cho cư dân sống ven biên giới được phía Trung Quốc miễn thuế, nhưng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng chính sách này nên mới có chuyện có những trường hợp ở Việt Nam thì xuất chính ngạch khi sang Trung Quốc hàng trở thành xuất tiểu ngạch. Xuất tiểu ngạch khi có chuyện gì xảy ra Chính phủ Trung Quốc sẽ không quan tâm giúp đỡ, còn doanh nghiệp Trung Quốc thì ‘bỏ của chạy lấy người’.
Hàng nông sản xuất tiểu ngạch tùy thuộc lớn vào biến động thị trường, loại nông sản nào thị trường có nhu cầu doanh nghiệp Trung Quốc liên hệ với doanh nghiệp Việt Nam đặt hàng, thậm chí sang tận Việt Nam vào các vùng trồng tìm mua, sau khi thỏa thuận xong giá cả họ đặt tiền cọc và yêu cầu doanh nghiệp đưa hàng sang.
Xuất khẩu như vậy không có kế hoạch sản xuất, tiêu thụ cũng như kế hoạch giao nhận hàng, tất cả đều làm một cách tùy tiện. Khi thị trường thuận lợi họ nhận hàng, khi có xảy ra sự cố họ bỏ mặt doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh hưởng quy chế biên mậu doanh nghiệp VIệt Nam vẫn có thể xuất chính ngạch bằng đường bộ vào Trung Quốc, nhưng hồ sơ về xuất nhập khẩu phải làm đúng theo thủ tục hải quan như xuất chính nhập bằng đường biển”, Tổng thư ký Vinafruit chia sẻ.
Trung Quốc đã quy định từ năm 2022, tất cả hàng hóa xuất khẩu vào nước này sẽ phải đi chính ngạch
Vẫn theo Tổng thư ký Vinafruit, xét về lợi ích xuất tiểu ngạch sẽ đi được những mặt hàng không nằm trong danh sách được phía Trung Quốc cho xuất chính ngạch. Ví dụ như sầu riêng, chanh dây, bơ…
Thứ hai, xuất khẩu tiểu ngạch góp phần giải quyết được một số lượng lớn hàng nông sản sản xuất không có hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp, không đòi hỏi cao về chất lượng, mẫu mã vì chủ yếu đưa ra các chợ truyền thống.
Đối với hàng xuất chính ngạch sẽ được đi vào hệ thống siêu thị nên phải đảm bảo an toàn thực phẩm, thương lượng giá cả, ký hợp đồng với số lượng cụ thể, chuyển tiền … mất nhiều thời gian khi đó cơ hội thị trường sẽ qua đi.
“Xuất khẩu hình thức nào cũng có cái lợi, tuy nhiên khi có vấn đề gì xảy ra thì xuất tiểu ngạch mang lại nhiều rủi ro cho doanh nghiệp Việt Nam và việc phía Trung Quốc đóng biên thời gian qua là một minh chứng.
Vì vậy, cần tăng cường xuất chính ngạch, trước mắt khoảng hai hay ba năm đầu, lượng hàng hóa sẽ giảm nhưng đây là hướng đi bền vững đúng theo luật quốc tế. Và từ đầu năm 2022, phía Trung Quốc áp dụng Luật 248 và Luật 249 như vậy thì chắc chắn tất cả hàng hóa xuất khẩu vào nước này sẽ phải đi chính ngạch”, Tổng thư ký Vinafruit nói.
Xuất khẩu chính ngạch để không còn giải cứu nông sản
Câu chuyện giải cứu nông sản chỉ xảy ra ở những mặt hàng nông sản chạy theo nhu cầu tức thì của thị trường Trung Quốc, sản xuất không có kế hoạch dễ dẫn đến ế hàng dội chợ cần giải cứu, còn hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch chưa xảy ra trường hợp nông dân kêu cứu.
Ví dụ, một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đi thị trường Mỹ, EU hoặc Nhật Bản sẽ vùng nguyên liệu riêng, với số lượng hàng hóa bao nhiêu, chất lượng như thế nào, lượng hàng xuất theo tháng, quý và cả năm bao nhiêu đều được lên kế hoạch rõ ràng và đã ký hợp đồng bao tiêu với giá cả thỏa thuận với người nông dân.
“Đã đến lúc cần có một cái nhìn thẳng và nói thật vào vấn đề hàng nông sản ùn ứ ở biên giới phía Bắc và vấn nạn giải cứu hàng nông sản.
Tại sao không tổ chức xuất khẩu chính ngạch đường bộ và đường biển, vừa tránh được tình trạng ùn tắc ở các cửa khẩu biên giới và kiểm soát tốt hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước? Có phải do chúng ta tạo ra kẻ hở để các thương nhân Trung Quốc lợi dụng lách luật và làm khó cho chính mình”, Tổng thư ký Vinafruit nêu vấn đề.
Ngoài việc tăng cường xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc thì các hiệp đình thương mại với nhiều thị trường lớn như CPTPP có hiệu lực từ cuối 2018 và EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020 mở ra cơ hội cho hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam.
Từ đầu năm 2022 RCEP có hiệu lực, nước thành viên Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và thị trường 1,4 tỉ dân này có mức tiêu thụ nông sản rất lớn, nhưng yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn ATTP và Luật 248, 249 đã có hiệu sẽ là một áp lực lớn bắt buộc hàng nông sản Việt Nam phải sớm đi vào quy cách và nói không với thương mại tiểu ngạch.
Tại cuộc họp với Bộ Công Thương ngày 09/01, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh “Có đến 70% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, tỷ lệ quá lớn này gây rủi ro lớn cho người sản xuất và chúng ta không thể mãi xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức này. Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN-PTNT tăng xuất khẩu chính ngạch, giảm xuất khẩu tiểu ngạch”.
Trước đó, vào tháng 8/2021, Bộ Công Thương đã đề xuất giảm đến mức tối đa và tiến tới xoá bỏ xuất khẩu tiểu ngạch trong thương mại biên giới Việt – Trung.

NGUYỄN HUYỀN

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version