Cổ phiếu “vàng đen” nổi sóng bất chấp lợi nhuận nhiều doanh nghiệp ngành than giảm sâu

Rate this post

Con sóng cổ phiếu than được đánh giá có yếu tố đầu cơ theo đà tăng giá than quốc tế trong khi kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp không mấy khởi sắc do tiêu thụ than sụt giảm.

Nhiều cổ phiếu ngành than có mức tăng vượt trội so với VN-Index trong nửa đầu năm

Thị trường chứng khoán đảo chiều sau 3 phiên giảm liên tiếp kéo theo nhiều nhóm ngành khởi sắc trở lại trong đó các cổ phiếu “vàng đen” gây ấn tượng mạnh khi HLC, NBC, TVD, TDN, THT, MDC, TC6 đồng loạt tăng kịch trần.

Không chỉ lóe sáng nhất thời trong phiên vừa qua, phần lớn cổ phiếu ngành than đều đã trải qua nhiều sóng tăng mạnh từ đầu năm. Nổi bật trong số đó, NBC (+165%), MVB (+87%), MDC (+64%), HLC (+52%), TC6 (+42%),… đều ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội so với VN-Index trong cùng thời kỳ.

Tương quan diễn biến một số cổ phiếu ngành than với VN-Index từ đầu năm 2021

Con sóng cổ phiếu than được đánh giá có yếu tố đầu cơ theo đà tăng giá than quốc tế. Từ đầu năm, giá than nhiệt của Australia tại cảng Newcastle (giá tiêu chuẩn cho thị trường châu Á) đã tăng 106% lên hơn 166 USD/tấn. Theo một số dự báo, xu hướng giá than tăng sẽ còn tiếp diễn ít nhất là trong năm nay do nhu cầu cao từ các nhà sản xuất Trung Quốc và nhiều quốc gia khác sau đại dịch.

NHIỀU DOANH NGHIỆP SỤT GIẢM LỢI NHUẬN

Mặc dù hưởng lợi đến từ giá than quốc tế tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng cụ thể hóa được yếu tố này thành các chỉ tiêu kinh doanh ấn tượng. Thậm chí, doanh thu và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp than còn sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm 2021.

Đáng chú ý, Than Cọc Sáu (mã TC6) báo lãi 6 tháng sụt giảm đến 80% so với cùng kỳ, còn vỏn vẹn 3 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm, doanh thu của TC6 giảm 25% xuống 1.270 tỷ đồng do sản lượng than tiêu thụ chỉ đạt 41% so với kế hoạch.

Tương tự, lợi nhuận sau thuế 6 tháng của Xuất nhập khẩu Than (mã CLM) cũng giảm đến 60% so với cùng kỳ xuống 12,5 tỷ đồng. Nửa đầu năm, doanh thu của CLM chỉ tương đương 31% kết quả đạt được nửa đầu năm ngoái.

Khả quan hơn đôi chút, Than Miền Bắc (mã TMB) ghi nhận doanh thu 6 tháng đạt 5.727 tỷ đồng, giảm gần 10% so với cùng kỳ. Do khoản lợi nhuận khác giảm mạnh từ 16 tỷ đồng còn chưa đến 2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của TMB giảm gần 36% so với nửa đầu năm ngoái, xuống 36 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, Than Vàng Danh (mã TVD) vẫn duy trì được doanh thu tương đương cùng kỳ, ở mức 2.550 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn nguyên liệu đầu vào và các chi phí phát sinh tăng cao khiến TVD báo lãi sau thuế giảm 31% so với cùng kỳ, xuống còn 21,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, Than Đèo Nai (mã TDN), Thanh Hà Tu (mã THT) cũng đều báo lãi 6 tháng giảm 16% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận của Than Hà Lam (mã HLC) gần như đi ngang so với nửa đầu năm ngoái, ở mức 22 tỷ đồng.

Mặt khác, vẫn có những doanh nghiệp ngành than tận dụng được lợi thế từ giá than tăng, để cải thiện rõ rệt kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm.

Nổi bật nhất là Than Núi Béo (mã NBC) khi doanh nghiệp nàychuyển từ lỗ đến 144 tỷ đồng nửa đầu năm ngoái thành lãi 17 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021. Kết quả này có được là nhờ doanh thu tăng 20% so với cùng kỳ trong khi giá vốn nguyên liệu đầu vào tăng không đáng kể và các chi phí được kiểm soát tốt.

Một doanh nghiệp khác cũng tăng trưởng mạnh là Mỏ Việt Bắc (mã MVB) khi báo lãi 6 tháng 228 tỷ đồng, tăng đến 112% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong số các doanh nghiệp than đang niêm yết. Nguyên nhân chính là do doanh thu bán hàng tăng gần 8%, trong khi chi phí bán hàng và chi phí lãi vay đều được tiết giảm so với cùng kỳ.

Trong khi đó, 6 tháng đầu năm, Than Mông Dương (mã MDC) ghi nhận doanh thu 1.177 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 15 tỷ đồng, tăng lần lượt 14% và 45% so với nửa đầu năm ngoái.

Với đặc thù hoạt động khai thác theo kế hoạch và theo định mức được giao từ công ty mẹ Tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (Vinacomin – TKV), khi giá than tăng phần lớn lợi thế sẽ dồn về công ty mẹ trong khi các đơn vị thành viên hưởng định mức lãi theo kế hoạch và quy mô doanh thu.

Trong nửa đầu năm 2021, tiêu thụ than gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều ngành phải dừng, giãn sản xuất. Nhu cầu tiêu thụ than phần lớn đến từ các nhà máy nhiệt điện tuy nhiên sản lượng điện than cũng giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành than.

THANH HÀ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version