Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư mới đây, PV Power dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt gần 2.200 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ, tương đương quý 4 ước lỗ trước thuế 124 tỷ đồng trong quý 4.
Thị trường chứng khoán phiên cuối tuần chứng kiến nhiều cổ phiếu nóng thời gian gần đây bị xả mạnh trong đó PV Power (mã POW) là cái tên nổi bật. POW chịu áp lực bán rất mạnh và có thời điểm đã chạm sàn với khớp lệnh kỷ lục gần 47 triệu đơn vị chỉ trong phiên sáng, cao hơn con số kỷ lục trước đó ghi nhận trong phiên cổ phiếu này tăng kịch trần ngày 15/11.
Đây là phiên thứ 2 liên tiếp POW giảm sâu sau giai đoạn tăng nóng trước đó. Từ vùng giá dưới 13.500 đồng/cổ phiếu hồi cuối tháng 11, cổ phiếu này liên tục tăng mạnh với thanh khoản bùng nổ và vượt đỉnh lịch sử. POW thiết lập đỉnh mới 19.000 đồng/cổ phiếu vào phiên 22/12, ghi nhận mức tăng hơn 40% sau chưa đầy một tháng.
Theo giới phân tích, đà lao dốc của cổ phiếu POW trên thị trường chịu tác động tiêu cực từ thông tin doanh nghiệp đầu ngành điện khí dự kiến báo lỗ trong quý cuối năm.
Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư mới đây, PV Power cho biết lợi nhuận trước thuế năm 2021 của công ty ước đạt gần 2.200 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Điều này tương đương với việc công ty ước lỗ trước thuế 124 tỷ đồng trong quý 4 và sẽ là quý đầu tiên thua lỗ từ khi lên sàn chứng khoán.
Nguyên nhân do các chi phí bảo dưỡng sửa chữa và sự cố kỹ thuật của Vũng Áng. Nhà máy điện than Vũng Áng bị sự cố kỹ thuật từ tháng 9/2021 và công ty ước tính sửa xong trong quý 3/2022. Do đó, sản lượng điện từ nhà máy Vũng Áng đã giảm 63% so với cùng kỳ trong tháng 10 và tháng 11/2021.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó tổng giám đốc PV Power cho biết, đây mới là con số ước tính tính đến 21/12, trong thời gian gần 10 ngày trước khi kết thúc năm tài chính 2021, con số có thể thay đổi theo hướng tăng thêm.
Năm 2022, ban lãnh đạo PV Power đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 24.242 tỷ đồng và 743 tỷ đồng, giảm tương ứng 3,4% và 61% so với ước tính năm 2021 do kế hoạch sửa chữa Vũng Áng 1 lâu hơn dự kiến.
Đánh giá về hiệu quả của hợp đồng mua bán điện (PPA) Cà Mau 1&2 vừa được ký kết, với cơ chế một phần giá khí cố định, và chi phí khấu hao thiết bị đã hết sẽ giúp Cà Mau 1&2 linh hoạt chào giá hấp dẫn hơn trên thị trường điện so với các nhà máy điện khí khác phải sử dụng nguồn khí giá cao hơn.
Đối với dự án Nhơn Trạch 3&4, phía PV Power chia sẻ gói thầu EPC sẽ được chốt trong tháng 1/2022, và dự kiến khởi công trong quý 1/2022. Dự án Nhơn Trạch 3&4 sẽ là dự án điện khí LNG đầu tiên tại Việt Nam với công suất 1.500 MW, tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD.
Về dự án LNG Quảng Ninh, công suất 1.500 MW tổng mức đầu tư 2 tỷ USD, hiện tại PV Power cùng các đối tác đang lên kế hoạch thành lập công ty cổ phần và dự kiến PV Power sẽ tham gia 30%. Hiện tại dự án mới hoàn thành phê duyệt đầu tư.
Ông Nguyễn Duy Giang, Phó tổng giám đốc PV Power cho biết, với nguồn lực tài chính hiện tại, PV Power có khả năng không phải tăng vốn điều lệ trong năm tới. Nhưng trong trường hợp có nhiều cơ hội đầu tư như Phú Mỹ, Cà Mau 3, các dự án LNG mới hoặc dự án offshore điện gió thì PV Power sẽ có phương án tăng vốn.
THANH HÀ
Nguồn: bizlive.vn