Cổ phiếu Hàng không hồi phục mạnh từ đáy, nỗi lo kết quả kinh doanh vẫn hiện hữu

Rate this post

Kỳ vọng vào sự phục hồi sau dịch tuy nhiên nỗi lo từ kết quả kinh doanh đối với các doanh nghiệp hàng không đặc biệt là nhóm vận tải hành khách vẫn còn hiện hữu.

Ảnh minh họa.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vừa kết thúc một tháng 5 tương đối thành công khi chỉ số VN-Index tăng tới 12,39% (95,36 điểm) lên mức 864,47 điểm. Như vậy từ vùng đáy hồi cuối tháng 3, VN-Index đã tăng hơn 30% sau 2 tháng tuy nhiên vẫn thấp hơn 10% so với đầu năm và 12,4% so với thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát.

Cùng với sự đi lên của thị trường chung, hàng loạt Bluechips cũng có mức phục hồi ấn tượng trong đó nhóm cổ phiếuhàng không điển hình như Vietnam Airlines (mã HVN), Vietjet Air (VJC) hay Cảng hàng không (ACV),… cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Đồng loạt đảo chiều đi lên theo hình chữ “V”, HVN, VJC, hay ACV đều tăng mạnh trong giai đoạn giãn cách xã hội bất chấp việc tạm dừng hoạt động vận tải hành khách. Tuy nhiên sau đó, các cổ phiếu này đều có dấu hiệu chững lại từ cuối tháng 4 và gần như đi ngang trong phần lớn thời gian của tháng 5 dù đã được khai thác trở lại các đường bay nội địa với tần suất hạn chế từ 23/4.

Thời điểm kết thúc tháng 5, HVN, VJC và ACV ghi nhận mức tăng lần lượt 54,5%, 16,3% và 39,8% so với đáy, tương đối khả quan so với mức phục hồi 30,5% của chỉ số VN-Index.

Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm 2020, nhóm cổ phiếu này đều giảm mạnh hơn nhiều so với VN-Index.

Trên thực tế, hàng không là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Không bất ngờ khi các cổ phiếu hàng không đều đồng loạt lao dốc mạnh sau sự bùng phát của dịch bệnh và các quyết định cắt giảm các chuyến bay qua đó xuống đáy nhiều năm hồi cuối tháng 3. Đây là nguyên nhân chính khiến nhóm cổ phiếu này diễn biến kém khả quan hơn thị trường chung sau 5 tháng đầu năm.

Dù vậy, với nền tảng tích lũy trong tháng 5, không loại trừ khả năng nhóm cổ phiếu hàng không sẽ lại “dậy sóng” nếu có thêm thông tin hỗ trợ tích cực đặc biệt trong bối cảnh kỳ vọng vào sự phục hồi của nhu cầu đi lại và du lịch sau dịch sẽ nhanh và mạnh hơn.

Số liệu thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho biết, giai đoạn từ 19/4 đến 18/5, 5 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Jetstar Pacific và Vasco đã thực hiện 8.623 chuyến bay. Số chuyến bay tuy giảm 70% so với cùng kỳ năm 2019, song so với tháng trước cũng đã tăng tới 73,7%.

Theo cập nhật đến thời diểm cuối tháng 5/2020, các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways đã khôi phục gần như hoàn toàn số chuyến bay nội địa.

“Ngấm đòn” từ quý II/2020?

Kỳ vọng vào sự phục hồi sau dịch tuy nhiên nỗi lo từ kết quả kinh doanh đối với các doanh nghiệp hàng không đặc biệt là nhóm vận tải hành khách vẫn còn hiện hữu.

Quý I/2020 có thể coi là quý khó khăn nhất từ trước tới nay đối với Vietnam Airlines khi hãng hàng không này báo lỗ kỷ lục 2.611 tỷ đồng sau thuế. Doanh thu trong kỳ cũng giảm 26% xuống 18.813 tỷ đồng trong đó vận tải hàng không, chiếm tỷ trọng lớn nhất, giảm mạnh nhất, thất thu 6.303 tỷ đồng so với cùng kỳ. Doanh thu bình quân của khách nội địa và quốc tế cũng lần lượt giảm 29,4% và 34,4% so với quý I/2019.

Bên cạnh đó, lợi nhuận từ các công ty con có liên quan đến dịch vụ hàng không như Công ty TNHH MTV Suất ăn Hàng không Việt Nam (VACS), Công ty TNHH MTV Nhiên liệu Hàng không Việt Nam (Skypec), Công ty TNHH MTV Dịch vụ Mặt đất Sân bay Việt Nam (VIAGS)… cũng đều sụt giảm.

Tương tự như Vietnam Airlines, Vietjet Air cũng lần đầu báo lỗ quý do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong quý I/2020, Vietjet khai thác 29.401 chuyến bay, chuyên chở gần 4,5 triệu lượt khách, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu vận tải hàng không trong kỳ đạt 7.222 tỷ đồng, giảm 29,6% so với cùng kỳ năm trước khiến hãng hàng không này lỗ 989 tỷ đồng sau thuế.

Theo đánh giá của BVSC, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ nghiêm trọng hơn trong quý II/2020 khi các hãng bay chỉ được phép khai thác các tuyến nội địa khi hết hiệu lực cách ly xã hội.

Dựa trên số liệu của Tổng cục Du lịch Việt nam, với giả định khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không duy trì tỷ lệ 80%, BVSC cho rằng các chuyến bay quốc tế có thể từng bước được nối lại trong quý III, với du lịch công vụ có thể phục hồi trước do nhu cầu trên toàn thế giới khẩn trương khôi phục các hoạt động giao dịch, trao đổi thương mại, sản xuất. Lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước sụt giảm 69%.

*Nguồn: BVSC

Trong khi đó, với giả định dịch bệnh được kiểm soát tốt và không bùng phát trở lại ở Việt Nam, các chuyến bay nội địa sẽ dần hồi phục nhờ nhu cầu đi lại cho mục đích công việc và du lịch, và tăng mạnh hơn vào thời điểm cuối năm. Tuy vậy với tâm lý thận trọng của người dân, BVSC cho rằng nhu cầu đi lại sẽ không thể phục hồi ngay lập tức trở lại mức như trước khi có dịch bệnh.

*Nguồn: BVSC
Chuyên đề “Sự phục hồi hàng không Việt hậu Covid-19” do Tạp chí Cuộc sống an toàn (cuocsongantoan.vn) và Nhịp sống Doanh nghiệp () phối hợp thực hiện cho thấy bức tranh thị trường hàng không Việt Nam với những cơ hội, thách thức khi các hãng hàng không trở lại với bầu trời cũng như chia sẻ về an toàn bay, chia sẻ của tiếp viên, phi công khi được trở lại tiếp tục chinh phục bầu trời.

THANH HÀ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version