Theo Chủ tịch Vietnam Airlines, với giá vé thấp ảnh hưởng đến chi phí về an toàn hàng không là rất lớn. Nếu có sự cố an toàn xảy ra không chỉ từng hãng bị mà ảnh hưởng đến cả quốc gia.
Tại toạ đàm về kinh tế – xã hội do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì ngày 27/9, nêu quan điểm liên quan đến đề xuất áp giá sàn vé máy bay, ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, VNA – mã HVN) cho biết, việc giá thấp liên quan đến an toàn hàng không.
“Nếu các hãng hạ giá vé máy bay chỉ thấp hơn cả giá xăng dầu của một chuyến bay ảnh hưởng đến chi phí về an toàn hàng không là rất lớn. Nếu có sự cố an toàn xảy ra thì không chỉ từng hãng bị mà ảnh hưởng toàn bộ quốc gia”, ông Hoà nói.
Ông Hoà dẫn chứng trường hợp Indonesia khi có một số hãng hàng không hạ giá vé máy bay thấp bị châu Âu và Mỹ cấm vận bay và rất nhiều tai nạn xảy ra. Sau đó, Indonesia đã đưa ra chính sách giá vé máy bay không để thấp quá để đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, ông Hoà cho biết, giá vé máy bay thấp thì tất cả các hãng hàng không đều yếu. “Chúng tôi rất lo ngại sau khi dịch phục hồi thì sức khỏe của các hãng hàng không không đủ để cạnh tranh với nhau chứ chưa nói gì chuyện ra khu vực và quốc tế”, ông Hoà nói.
Trong phát biểu của mình ông Hoà cũng thừa nhận việc quy định sàn vé máy bay ảnh hưởng đến hành khách đi lại nhưng ông đề cập ảnh hưởng chung đến xã hội, nếu doanh nghiệp phá sản cũng ảnh hưởng chung nguồn lực xã hội.
Theo thống kê của Cục Hàng không VIệt Nam, hiện Vietnam Airlines là hãng hàng không ủng hộ việc áp giá sàn vé máy bay. Bên cạnh đó, Bamboo Airways nhất trí áp dụng mức giá sàn cho các đường bay nội địa và đề xuất tăng mức sàn cho nhóm đường bay I và II, giảm nhẹ mức giá tối thiểu ở nhóm III, IV, V.
Pacific Airlines đề xuất giá sàn cần tương đương với chi phí bình quân trên mỗi hành khách, đề nghị thời gian áp dụng tối thiểu trong 3 năm theo dự báo hồi phục của thị trường quốc tế thay vì một năm theo kế hoạch của Cục Hàng không.
Trái với quan điểm áp sàn vé máy bay, Vietjet Air kiến nghị không quy định giá sàn vé máy bay trên các đường bay nội địa. Lý do là giá sàn sẽ tạo ra nhiều bất cập như không phù hợp các cam kết thương mại quốc tế, không đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, không đảm bảo thúc đẩy sự phục hồi của thị trường vận chuyển hàng không…
Vietravel Airlines cũng cho rằng chính sách quy định mức giá sàn gây nhiều bất lợi cho hãng hàng không giá rẻ, đặc biệt với hãng hàng không mới.
Cục Hàng không Việt Nam thừa nhận chính sách giá sàn có bất cập do chi phí và dịch vụ cung ứng của các hãng bay không cùng một mặt bằng gây khó khăn cho việc xác định mức giá tối thiểu áp dụng chung cho các hãng.
Trái chiều quan điểm việc áp giá sàn từng có từ lâu
Thực tế không phải đến lúc ngành hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 các hãng hàng không mới trái chiều quan điểm về việc có hay không áp giá sàn vé máy bay.
Đầu năm 2017, Jetstar Pacific (tên gọi trước đây của Pacific Airlines) với cổ đông lớn là Vietnam Airlines từng đề xuất việc áp dụng giá sàn cho 5 nhóm đường bay nội địa dao động từ 29-34% giá trần.
Đề xuất của Pacific đưa ra trong bối cảnh số khách nội địa của Việt Nam mới vào khoảng 28 triệu lượt/năm (năm 2016) trong khi dân số Việt Nam là hơn 90 triệu người. Năm 2019 chỉ tiêu này đã lên đến 74,3 triệu lượt/năm.
Thời điểm này theo Vietjet, nguyên nhân khiến lượng lớn dân số chưa tiếp cận với dịch vụ hàng không chủ yếu do giá cao hơn mức thu nhập. “Việc áp giá sàn sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá dịch vụ cũng như hạn chế cơ hội tiếp cận phương tiện vận chuyển hàng không của người dân đồng thời làm méo mó thị trường hàng không Việt Nam”, Vietjet cho biết.
Cũng theo Vietjet, quy định giá sàn cũng khó khả thi do việc tính toán tiêu chí xây dựng giá sàn còn chưa có sự thống nhất giữa các hãng. Có hãng tính trên đơn vị ghế/km, có hãng tính trên hiệu quả chuyến bay, đường bay và thậm chí cả hiệu quả khai thác. Ngoài ra, các chủng loại tàu bay khác nhau, chi phí khai thác cũng khác nên mức giá sàn khó có thể giống nhau được.
BẢO VY
Nguồn: bizlive.vn