Chủ tịch TMT Group: Làm kinh doanh luôn phải “đào giếng trước khi chết khát”

Rate this post
“Trong kinh doanh, doanh nghiệp không thể đợi đến khi hết tiền rồi mới đi huy động vốn. Họ phải làm việc đó từ trước”.

Đó là quan điểm của doanh nhân Tạ Minh Tuấn – người từng hai năm liền lọt top gương mặt dưới 30 tuổi ảnh hưởng nhất Việt Nam và châu Á do tạp chí Forbes bình chọn.

Ở tuổi 33, Tạ Minh Tuấn hiện là Chủ tịch TMT Group với hơn 20 công ty và tổ chức thành viên. Trong đó, phải kể đến công nghệ xét nghiệm gen CircleDNA Vietnam, doanh nghiệp in 3D lớn nhất cả nước Digman, nền tảng chăm sóc tinh thần lớn nhất Việt Nam Tago, doanh nghiệp về đào tạo khởi nghiệp YUP Education, tổ chức Light Charity và quỹ từ thiện “Giấc mơ đôi chân thiên thần”…

Chia sẻ với , Chủ tịch TMT Group Tạ Minh Tuấn cho biết dù cùng lúc tham gia lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, tổ chức nhưng ngay cả trong đại dịch anh vẫn tìm được hướng đi hợp lý nhờ luôn chủ động các phương án và ứng dụng các công nghệ mới.

Cuối năm 2020, tưởng như Việt Nam đã thành công và chủ động vượt qua thử thách COVID. Song những gì đã và đang diễn ra cho thấy mức độ ảnh hưởng của đại dịch càng lớn hơn, phức tạp hơn. Với anh, diễn biến của 2021 như vậy có nằm ngoài dự tính không?

Thế giới luôn biến động và chúng ta nên chủ động với sự biến động đó. Để có thể chủ động, ta rất cần phát triển sự tĩnh lặng, cân bằng, quan sát và đúc kết từ trí tuệ đa chiều cả bên ngoài lẫn bên trong.

Khi COVID vừa mới xảy ra, tôi thấy rất nhiều người nói rằng khoảng vài tháng nữa sẽ hết dịch. Vì thế, họ xây dựng công việc kinh doanh và phát triển những chiến lược trên tinh thần đó: 3 tháng sau là hết dịch.

Lúc ấy, tôi đã họp và trao đổi cùng với nhiều doanh nghiệp thuộc TMT Group, cũng như một số học viên doanh nhân, và chia sẻ cụ thể rằng: Nếu chúng ta không xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa trên giả thuyết rằng dịch sẽ còn kéo dài qua hết năm nay (2020), thậm chí qua hết năm sau (2021), thì hoặc là chúng ta quá lạc quan, hoặc là chúng ta quá tự tin, hoặc là chúng ta quá ngây thơ, lãng mạn hoá vấn đề. Đôi khi, người ta lạc quan đến mức… lạc lối. Và khoảng cách từ tự tin đến… tự sát cũng rất gần.

Vì thế, chúng tôi xây dựng mọi chiến lược dựa trên tinh thần này. Có thể nói, tình hình dịch kéo dài và nghiêm trọng như vậy không nằm ngoài dự tính của chúng tôi.

Về công việc, do đã có sự chuẩn bị, và một phần là vì các doanh nghiệp thuộc TMT Group có thể xem là thuộc nhóm 5% cuối cùng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Do các công ty này đã quen làm việc online, chuyển đổi số, ít phụ thuộc vào sản xuất, chuỗi cung ứng, một số đã có sẵn văn hoá làm việc từ xa ngay từ ngày đầu thành lập. Đó cũng là lợi thế và may mắn của chúng tôi.

Còn trong cuộc sống thường ngày, những trải nghiệm qua đại dịch hẳn là chưa từng có và anh có thể chia sẻ…

Về cuộc sống, tôi biết rằng có rất nhiều người đã vô cùng lao đao do đại dịch. Tuy nhiên, mọi thứ đều có hai mặt. Những ngày giãn cách, tôi không cảm thấy ngộp, ngột ngạt, bức xúc, khó chịu, vì đã quen với sự tĩnh lặng.

Có những hôm tôi nhìn lên bầu trời, không còn thấy bầu trời mờ đục đi do làn khói gây ô nhiễm từ xe cộ di chuyển bát nháo bên dưới. Những điều đó đã biến mất, trả lại một bầu trời xanh thẳm, trong vắt, tuyệt đẹp. Tôi mỉm cười, đôi lúc tôi cảm thấy yêu quý những trải nghiệm này, những ngày giãn cách này thật có ý nghĩa. Nó giúp tôi và tất cả mọi người được nhìn lại chính mình, để tìm lại sự cân bằng trong nội tâm, sự thanh bình ở cả bên trong bản thân và bên ngoài xã hội.

Mặc dù hệ thống TMT Group không chịu nhiều ảnh hưởng bởi COVID, như anh nói, song hẳn đã có những giải pháp thích ứng với bối cảnh? Rộng hơn, các doanh nghiệp nói chung hẳn đã đúc kết được nhiều điều qua cuộc khủng hoảng này…

Với doanh nghiệp, đầu tiên cần làm chủ về dòng tiền. Ví dụ trường hợp của Digman, một doanh nghiệp in 3D, với quy mô thuộc dạng lớn nhất cả nước, tôi và chủ doanh nghiệp luôn theo dõi dòng tiền rất chặt chẽ.

Chúng tôi dự báo dòng tiền trong vòng từ 3 đến 6 tháng tới, xem bị thiếu hụt bao nhiêu so với quỹ tiền mặt hiện có. Khi đã xác định được con số thiếu hụt, cần xác định tiếp chiến lược xử lý tương ứng với con số đó, theo phương án “chia để trị”, tức là chia nó ra làm nhiều con số nhỏ và với mỗi con số nhỏ lại có những chiến lược riêng. Khi xử lý tổng hoà tất cả các chiến lược đó, ta sẽ đảm bảo được con số bị thiếu hụt.

Đến nay, doanh nghiệp hoàn toàn vượt qua giai đoạn khó khăn về dòng tiền, tiếp tục củng cố nền tảng, đổi mới sáng tạo mô hình kinh doanh cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Tiếp theo, biến nguy thành cơ, xem COVID là cơ hội để có thể chuyển đổi số, hay “go online” sớm hơn. Ví dụ trường hợp của SSpace, một doanh nghiệp chuyên về đào tạo và cung cấp giải pháp phần mềm kỹ thuật, họ giảng dạy cho cấp quản lý trên toàn cầu của những tập đoàn như IKEA… Khi COVID ập đến cũng là lúc họ đưa các chương trình của mình lên online nhiều hơn, dù rằng dạy phần mềm kỹ thuật rất khó làm online, nhưng họ vẫn làm được.

Họ lập một số kỷ lục về doanh số ngay trong giai đoạn COVID. Trong thời kỳ giãn cách, CEO vẫn họp và làm việc từ xa liên tục không ngơi nghỉ với rất nhiều khách hàng doanh nghiệp, chuẩn bị nền tảng và cơ sở phát triển trong thời kỳ bình thường mới.

Tất nhiên, cũng cần theo dõi sự thay đổi về hành vi và insight của khách hàng, thị trường để đưa ra những sản phẩm, mô hình, hướng đi cho phù hợp. Một ví dụ là Tago, đây là nền tảng chăm sóc tinh thần với quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Tago hoạt động 100% online, từ việc cung cấp sản phẩm dịch vụ cho khách hàng, cho đến làm việc nhóm giữa các nhân sự của công ty với nhau, ngay từ khi mới thành lập. Chính trong đại dịch, Tago có sự tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay.

Như anh nói ở trên, biến nguy thành cơ. Song để nắm được cơ hội và xoay chuyển hoạt động kinh doanh trong đại dịch hẳn là không dễ…

Vấn đề luôn song hành cùng giải pháp, trong nguy luôn có cơ và ngược lại.

Tôi đã nói rất nhiều về khó khăn và cơ hội ở trên, từ yếu tố vĩ mô của xã hội, dòng tiền, sản phẩm, cho đến thị trường, nhưng ở đây tôi muốn nói nhiều hơn đến yếu tố con người.

Đây là thời điểm để cái gọi là “entrepreneurship” (tinh thần doanh nhân) thực sự được phát huy. Bởi lẽ, dịch ra tiếng Việt đều là “doanh nhân” nhưng có một sự khác biệt lớn giữa “entrepreneur” và “businessman”.

Nếu bạn buôn bán một cái gì đó, bạn cũng có thể được gọi là “businessman”. Nhưng cái làm nên sự khác biệt của một người “entrepreneur”, theo tôi, đó chính là ba yếu tố.

Thứ nhất là “pioneer” – tinh thần tiên phong. Dám dấn thân, tiên phong, tạo ra sự đột phá, sự đổi mới, hay thay đổi cần thiết trong xã hội.

Thứ hai là “innovation” – bằng cách sáng tạo ra những sản phẩm, mô hình, hay cách làm đổi mới, có tính đột phá, có thể thay đổi hoàn toàn cuộc chơi.

Thứ ba là “take risk” – trên tinh thần chấp nhận rủi ro, chấp nhận phiêu lưu, mạo hiểm, nhưng không phải đang “đánh bạc”, mà cần có sự cân bằng giữa trí tuệ và liều lĩnh, giữa sự chuẩn bị kỹ lưỡng với tinh thần quả cảm trong hành động.

Như thế, COVID chính là cơ hội cho kiểu người này tiếp tục “toả sáng” và trở thành một niềm hy vọng mới cho xã hội. Nhưng chỉ khi họ học được bài học về sự cân bằng, sự bình an thực sự mới mang đến sự thịnh vượng thực sự.

Còn với đồng hành và hỗ trợ của Chính phủ trong giai đoạn vừa qua và hiện nay, anh có ý kiến gì không?

Ở giai đoạn bình thường, tôi nghĩ rằng cách để Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất là làm sao giảm đi những khó khăn, vất vả, nỗ lực không cần thiết trong khâu giấy tờ, thủ tục, hành chính. Chỉ cần thật sự tập trung vào điểm này sẽ giúp nền kinh tế khởi nghiệp thực sự cất cánh.

Còn ở thời COVID, tôi hiểu rằng Chính phủ cũng đã làm những gì cần làm. Tất nhiên, nếu mọi thứ được thực hiện một cách có chiến lược hơn nữa, có tầm nhìn hơn nữa, có lẽ tình hình sẽ trở nên tốt hơn, từ sớm hơn.

Có nghĩa là, có thể áp dụng cách tư duy của doanh nghiệp vào vận hành bộ máy nhà nước. Doanh nghiệp không thể phát triển bền vững nếu thiếu đi chiến lược. Nhà nước cũng vậy, và việc phòng chống dịch cũng vậy.

Tôi lấy ví dụ, ngay từ khi chúng ta làm tốt việc phòng COVID, có rất ít ca F0 ngoài cộng đồng, được thế giới khen ngợi, chúng ta đã phải nghĩ đến chuyện tiêm vaccine cho toàn bộ người dân, chứ không phải đợi đến khi mọi thứ trở nên khủng hoảng, số ca nhiễm leo thang rồi thì mới cuống cuồng trong hành động, dù rằng đến nay ta đã hành động rất khẩn trương và mạnh mẽ. Như thế phần nào rất mạnh về ứng phó, chiến thuật, hành động, du kích nhưng vẫn còn thiếu tính chiến lược, tầm nhìn, sự bền vững trong dài hạn.

Cũng như trong kinh doanh, doanh nghiệp không thể đợi đến khi hết tiền rồi mới đi huy động vốn, họ phải làm việc đó từ trước. Giống như dân gian đã có câu “đào giếng trước khi chết khát”.

Vậy với TMT Group và bản thân anh, hẳn lúc này đã hoạch định tầm nhìn, tâm thế cho năm tới và xa hơn?

Chúng tôi vẫn tiếp tục sứ mệnh của mình đó là “Make Vietnam a great place to live”.

Đối với các doanh nghiệp, chúng tôi tập trung vào việc tăng trưởng những giá trị mà mình đóng góp cho xã hội. Điều đó có thể được thể hiện bằng sự tăng trưởng của những chỉ số kinh doanh như doanh thu, lợi nhuận… một cách chính đáng. Điều quan trọng là kinh doanh nhưng không để lại hậu quả, mà tiếp tục đóng góp vào sự phát triển chung bền vững của cộng đồng. Hãy tận hưởng cuộc hành trình này với niềm vui.

Một lúc nào đó, chúng ta có thể làm mọi thứ với sự tỉnh thức thực sự. Và, kinh doanh cũng vậy. Chúng ta có thể kinh doanh với một nhận thức tốt hơn, một cách tỉnh thức hơn.

Khi đó, sự chuyển hoá bắt đầu từ chính bản thân người chủ, cho đến cả cấp độ tập thể. Ta sẽ khám phá ra hạnh phúc thực sự nằm ở ngay trên chính con đường, chứ không phải những thành tựu đang chờ mình ở đích đến. Ta đã quá thúc ép bản thân, quá mưu cầu đích đến, mà quên tận hưởng niềm vui và hạnh phúc thực sự. Kinh doanh thành công không có gì là xấu, điều đó ổn thôi, với một điều kiện là bên trong ta phải thực sự bình an.

Ngoài kinh doanh, anh cũng là một nhà từ thiện tích cực, đang vận hành quỹ từ thiện. Anh nghĩ sao về vấn đề minh bạch “sao kê” tiền từ thiện – vấn đề đang được dư luận rất quan tâm hiện nay?

Những nhà từ thiện cũng rất cần áp dụng tinh thần của người doanh nhân (entrepreneur) và thiền nhân (meditator) vào trong công việc từ thiện, hay những hoạt động xã hội của mình.

Tinh thần của người doanh nhân nằm ở chỗ làm từ thiện cũng cần nghiên cứu thị trường (đối tượng hưởng lợi) xem vấn đề thực sự nằm ở chỗ nào, nhu cầu người ta cần giúp cái gì, nên giúp bằng cách nào thì tốt nhất? Cần lên kế hoạch cụ thể, chứ không phải ngẫu hứng phát quà, phát tiền bừa bãi. Có thể tư duy đổi mới sáng tạo để nghĩ ra những cách giúp đời, giúp người tốt hơn, hiệu quả hơn. Và, cần có báo cáo minh bạch, chính xác, rõ ràng.

Tinh thần của thiền nhân ở chỗ người làm từ thiện cần cân bằng giữa tình yêu thương và trí tuệ. Tình thương thật sự chỉ khi nó đi cùng trí tuệ. Trí tuệ chỉ là trí tuệ khi nó đi cùng với tình thương.

Người làm từ thiện cần có cả hai, để có thể biết điều gì cần làm, để có thể giữ cân bằng, giữ cho tâm trí tĩnh lặng, minh mẫn, sáng suốt, để vượt qua những khó khăn tưởng chừng khiến nản lòng, và có thể lan toả lòng trắc ẩn đến với nhiều người hơn nữa qua mô hình thiện nguyện của mình.

Cuối cùng, để gửi một lời chúc đến các doanh nhân khác nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông muốn nhắn nhủ gì?

Tôi chúc các doanh nhân Việt Nam tiếp tục phát triển những phẩm chất, đức tính tốt của mình qua công việc kinh doanh mình đang làm, và chúng ta sẽ ngày càng có nhiều hơn nữa những “doanh nhân hạnh phúc”.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.

HOÀNG HÀ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version