Nội dung vừa được lãnh đạo CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức – Thuduc House (mã TDH) chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên tài khóa 2020 vừa tổ chức ngày 22/12.
Trong phần thảo luận tại đại hội, các cổ đông liên tiếp chất vấn lãnh đạo TDH xoay quanh thông tin nhiều cá nhân ban điều hành công ty vừa qua bị khởi tố, bắt giam cũng như hoạt động kinh doanh của công ty.
Cụ thể, một cổ đông nắm giữ cổ phần TDH từ những 2008 đến nay cho biết ngỡ ngàng khi nghe tin một loạt lãnh đạo cấp cao của công ty bị bắt. Theo đó, tại ĐHĐCĐ thường niên lần này, cổ đông muốn nghe đích thân Chủ tịch Công ty cho biết những vi phạm của các cá nhân này đã ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh của công ty thời gian qua và tương lai hoạt động của công ty sẽ ra sao?
Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT TDH cho biết, sự việc vừa qua ngoài ý muốn của HĐQT, Ban điều hành, Ban tổng giám đốc.
“Theo nhận định của tôi, hoạt động xuất nhập khẩu của công ty là hoạt động bình thường, có sự kiểm soát của cơ quan thuế và hải quan. Công ty đã được hoàn thuế nhiều lần trong năm 2018-2019 và trong khoảng thời gian đó, không có hiện tượng gì thể hiện công ty sai sót. Tuy nhiên, trên thực tế công ty có thể vướng vào một đường dây nào đó mà chúng ta hoàn toàn không biết sự việc phía sau như thế nào. Nhưng theo ý kiến chủ quan của tôi, ban điều hành vẫn làm đúng với trách nhiệm của mình”, ông Hiếu cho biết.
Ông Hiếu xác nhận điều này có ảnh hưởng đến hoạt động của công ty. Cụ thể, công ty đã phải nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra số tiền là 365 tỷ đồng. Công ty đã giải quyết xong từ tháng 6/2021. Phần còn lại là lãi của Cục thuế TP.HCM vẫn được treo đó.
“Để biết được chính xác công ty có vướng vào sai phạm hay không, chúng tôi phải chờ kết luận của cơ quan điều tra. Nếu không sai phạm thì chúng ta sẽ được hoàn trả lại số tiền này và không bị tính số tiền lãi. Nhưng nếu sai phạm thì chúng ta phải đối mặt với sự thật đó”, Chủ tịch TDH chia sẻ.
Ngoài ra, vị này cho biết ngay từ đầu, HĐQT công ty cũng đã thành lập ban xử lý khủng hoảng và đích thân ông Hiếu đã thay mặt Tổng giám đốc xử lý toàn bộ hoạt động công ty, cấu trúc lại cơ cấu tài chính, bộ máy nhân sự. Hiện nay công ty vẫn còn một số tài sản để đảm bảo mọi hoạt động được diễn ra bình thường, không ảnh hưởng đến tình hình công ty trong tương lai.
Cổ đông đặt câu hỏi liên quan tới tờ trình tăng vốn điều lệ, phát hành cổ phiếu riêng lẻ, mục đích phát hành sử dụng cho việc mở rộng quỹ đất, bổ sung vốn lưu động và đầu tư phù hợp chiến lược phát triển của công ty. Cổ đông đề nghị nêu rõ việc mở rộng quỹ đất là như thế nào? Quỹ đất hiện nay của công ty và dự kiến mở rộng với vị trí, quy mô ra sao?
Ông Đàm Mạnh Cường, Tổng giám đốc TDH cho biết, hiện nay, công ty đang làm việc với một vài đối tác có quỹ đất lớn, vị trí đẹp tại TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, Bình Thuận…
“Để đảm bảo tính chất bảo mật thông tin, chúng tôi hạn chế chia sẻ chi tiết để đạt được thỏa thuận về chuyển nhượng dự án. Những dự án này có quy mô rất lớn với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng. Công ty cần 3.000 – 5.000 tỷ đồng đối với việc chuyển nhượng cho một số dự án”, CEO TDH cho biết.
Theo ông Cường, ngoài huy động vốn từ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ, công ty sẽ huy động từ nguồn vốn vay, từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư. Đồng thời, ngay khi đủ điều kiện, công ty sẽ có phương án cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu để gia tăng nguồn lực tài chính cho công ty.
Chi tiết về các dự án, ban điều hành sẽ báo cáo đến cổ đông tại tờ trình lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Tờ trình này chỉ là xin chủ trương và thông báo với cổ đông là công ty đang có những định hướng đúng đắn và quay lại với các lĩnh vực là thế mạnh của Thuduc House.
“Hiện nay chúng ta đang có định hướng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực bất động sản và quản lý chợ đầu mối vốn đã tạo nên tên tuổi của công ty để từ đó gia tăng uy tín về hình ảnh, thương hiệu của TDH không chỉ tại TP.HCM mà còn các địa phương khác”, ông Cường chia sẻ.
Cổ đông cũng yêu cầu lãnh đạo công ty thông tin liên quan tờ trình về ủy quyền cho HĐQT quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty. Đề nghị công ty nêu rõ dự định đầu tư là như thế nào? Công ty dự kiến đầu tư dự án nào có giá trị trên 35% tổng tài sản hay dự kiến bán dự án/ tài sản nào có giá trị trên 35% tổng tài sản?
Ông Đàm Mạnh Cường cho biết, hiện tại công ty đang tìm hiểu 3 dự án với giá trị chuyển nhượng khoảng 3.000 – 5.000 tỷ đồng cho một dự án. Nếu theo đuổi được, công ty sẽ thực hiện đặt cọc trước khi lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua. Tuy nhiên, do giá trị đầu tư dự án lớn vượt quá 35% tổng tài sản nên việc quyết định đặt cọc đầu tư dự án không thuộc thẩm quyền HĐQT, phải đợi thông qua ĐHĐCĐ và việc này có thể ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư và phát triển dự án.
Nếu công ty có thể đạt được thỏa thuận về việc chuyển nhượng dự án, HĐQT công ty sẽ thực hiện đặt cọc và sau đó thông qua ý kiến cổ đông bằng văn bản để quyết định thực hiện đầu tư dự án. Nếu đạt được, công ty có thể có một tiềm lực mạnh để phát triển về hoạt động kinh doanh lẫn tài chính cho công ty và đảm bảo quyền lợi cho cổ đông.
Cổ đông cũng đề cập tới sự việc ngày 21/12, cổ đông nhận được thông tin công ty tiếp tục bị phạt, truy thu thuế số tiền khoảng 100 tỷ đồng. Trước đó trong năm 2020 công ty đã nộp tới 400 tỷ đồng tiền thuế. Đề nghị công ty cho biết đây đã phải là lần nộp phạt cuối cùng chưa hay công ty vẫn có thể phải tiếp tục nộp các khoản truy thu, phạt thuế khác?
Ông Lê Chí Hiếu chia sẻ, công ty đã thực hiện nộp tiền hoàn thuế GTGT vào tài khoản tạm giữ của cơ quan cảnh sát điều tra theo yêu cầu. Nếu công ty vô tội thì có thể được hoàn lại số tiền đã nộp và không bị phạt lãi chậm trả. Nếu có tội thì công ty phải nộp phạt thuế, lúc đó sẽ biết được chính xác. Khoản truy thu thêm 100 tỷ đồng này là khoản cấn trừ thuế từ năm 2017. Đây là hoạt động bình thường nếu công ty không sai phạm. Nếu sai phạm thì công ty không được cấn trừ số tiền này. Ông Hiếu đánh giá, sau đợt này sẽ không còn phát sinh thêm khoản nào nữa.
Trả lời cổ đông về việc TDH có chia cổ tức trong 2021 hay không, ông Đàm Mạnh Cường cho biết, với kết quả kinh doanh năm 2020 lỗ lũy kế là hơn 300 tỷ đồng và theo kế hoạch đặt ra, LNST hợp nhất 2021 sẽ khoảng 70 tỷ đồng. Nhưng có thể sắp tới, sau khi làm việc với đơn vị kiểm toán, công ty phải trích lập dự phòng đầu tư tại công ty PPI. Nếu việc trích lập đó được thực hiện đúng như nguyên tắc kế toán thì lợi nhuận đó sẽ giảm so với kế hoạch.
Lũy kế đến năm 2021, lợi nhuận công ty vẫn còn là số âm. Chính vì vậy trong 2021, công ty sẽ không chia cổ tức. Năm 2022, công ty sẽ có những định hướng để phát triển hoạt động kinh doanh hiệu quả và sẽ đảm bảo quyền lợi cho cổ đông với ky vọng sẽ chia cổ tức cho cổ đông trong 2022.
Về việc bao giờ công ty gỡ hạn chế giao dịch cổ phiếu, ông Cường thông tin, vừa qua ảnh hưởng bởi dịch bệnh và tập trung xử lý khủng hoảng nên Ban điều hành đã tập trung việc thoái vốn, giảm dư nợ vay tại ngân hàng, tăng lượng tiền nộp cho cơ quan điều tra. Ngoài ra, trong quá trình triển khai, công ty chậm trễ trong việc công bố thông tin và bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
“Hiện nay, Ban điều hành công ty đã cam kết với HOSE và UBCK sẽ không tiếp tục vi phạm việc công bố thông tin và các quy định khác, đồng thời đề xuất được xem xét tạo điều kiện để cổ phiếu công ty được giao dịch bình thường để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông theo đúng quy định”, CEO Thuduc House cho biết.
Tại đại hội, TDH thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 hợp nhất với doanh thu là hơn 1.145 tỷ đồng, chỉ bằng 56,41% thực hiện được năm 2020. Tuy nhiên tổng chi phí chỉ ở mức hơn 862 tỷ đồng so với hơn 2.325 tỷ đồng của năm trước. Lợi nhuận sau thuế dự kiến là xấp xỉ 230 tỷ đồng, năm 2020 là âm gần 310 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty đạt lợi nhuận ròng gần 206 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 3 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tại ngày 30/9 gần 8 tỷ đồng, trong khi đầu năm gần 143 tỷ đồng.
HUYỀN TRÂM
Nguồn: bizlive.vn