Chủ tịch HĐQT bị khởi tố, cổ phiếu Dược phẩm Vimedimex (VMD) “trắng bên mua”, Chứng khoán Hòa Bình bất ngờ được gom giá rẻ?

Rate this post

Chứng khoán Hòa Bình (HBS), nơi bà Nguyễn Thị Loan từng giữ chức Chủ tịch HĐQT, đã đăng ký mua 1,6 triệu cổ phiếu VMD ngay trước khi biến cố xảy ra tại Vimedimex.

Cổ phiếu VMD liên tục đi “tàu lượn” thời gian gần đây

Sau chuỗi 4 phiên trần liên tiếp, cổ phiếuVMD của CTCP Y Dược phẩm Vimedimex đã quay đầu nằm sàn “trắng bên mua” ngay đầu phiên 10/11 sau thông tin Chủ tịch HĐQT bị khởi tố. Cổ phiếu này hiện đang giao dịch ở mức 43.050 đồng/cổ phiếu, giảm 46% so với đỉnh đạt được hồi đầu tháng 9.

Thời điểm đạt đỉnh, cổ phiếu VMD cũng tạo ra cơn sốt trên sàn chứng khoán khi trải qua 17 phiên tăng liên tiếp trong đó có đến 16 phiên tăng kịch trần và 1 phiên tăng hơn 6,6%. Đà tăng phi mã được đánh giá xuất phát từ thông tin Vimedimex được Bộ Y tế phê duyệt nhập khẩu và phân phối Vaccine Hayat – Vax và Sputnik – V phòng COVID-19.

Tuy nhiên, cổ phiếu này sau đó đã quay đầu chóng vánh và dần trôi về đi ngang quanh vùng giá 38.000 đồng/cổ phiếu trước khi bất ngờ nổi sóng trở lại gần đây.

Việc VMD tăng trần những phiên vừa qua được hỗ trợ đáng kể từ thông tin CTCP Chứng khoán Hòa Bình (mã HBS) đăng ký mua vào 1,6 triệu cổ phiếu nhằm mục đích đầu tư từ ngày 8/11 – 7/12/2021.

Nếu hoàn tất giao dịch, Chứng khoán Hòa Bình sẽ nâng sở hữu tại Vimedimex lên 10,37% vốn và trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này. Trong bối cảnh tình trạng nằm sàn tiếp diễn, CTCK này có thể “rảnh tay” gom giá rẻ mà không lo phải “đua lệnh” khi cổ phiếu VMD tăng nóng.

Đáng chú ý, bà Nguyễn Thị Loan, người mới đây đã bị khởi tố vì tội “vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản” trên địa bàn huyện Đông Anh, cũng từng là Chủ tịch HĐQT của Chứng khoán Hòa Bình.

Trở lại với Vimedimex, doanh nghiệp này vốn là nhà nhập khẩu và phân phối dược phẩm nằm trong nhóm lớn nhất và giàu truyền thống của Việt Nam được thành lập từ năm 1984.

Tháng 8 năm ngoái, Vimedimex đã chính thức sản xuất những viên thuốc đầu tiên tại nhà máy Vimedimex 2, chuyển từ công ty thuần phân phối sang tự sản xuất để phân phối thuốc. Việc mở rộng các xưởng sản xuất thuốc được Vimedimex liên tục lên kế hoạch cho đến cuối năm 2022.

Với đặc thù biên lợi nhuận rất mỏng của ngành phân phối dược phẩm, Vimedimex chỉ lãi vài chục cho đến vài trăm tỷ đồng mỗi năm dù doanh thu lên hàng trăm triệu, thậm chí tỷ USD. Năm 2020, doanh nghiệp này lãi trước thuế chỉ khoảng 51 tỷ đồng, rất khiêm tốn so với quy mô doanh thu hơn 18.000 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm 2021, Vimedimex ghi nhận doanh thu giảm mạnh hơn 23% xuống còn 9.800 tỷ đồng và mới thực hiện một nửa kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế cũng giảm nhẹ từ 40 tỷ xuống 38 tỷ đồng, hoàn thành 75% mục tiêu cả năm.

THANH HÀ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version