CEO VQC Ngô Thị Ngọc Mai: “Có được thành công phải qua nhiều thất bại cay đắng”

Rate this post
“Đã có một vị trí trong nhà nước với mức thu nhập nhiều người mơ ước, nhưng ý nguyện được thoả sức sáng tạo, được quyết định các vấn đề theo tư duy của mình luôn thôi thúc tôi bước ra ngoài lập nghiệp”, CEO VQC chia sẻ với Nhịp sống doanh nghiệp .

Tốt nghiệp cùng lúc Đại học Luật và Khoa Tài chính Ngân hàng của Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2002, chị Mai bắt đầu công việc tại một ngân hàng, cũng là niềm mơ ước của nhiều bạn bè cùng trang lứa lúc đó.

Vừa làm, vừa tiếp tục đeo đuổi học hành, chị đã hoàn thành thạc sĩ chuyên ngành Tài chính Ngân hàng, khóa đào tạo nghề luật sư tại Học viện tư pháp và chứng chỉ hành nghề luật sư.

Bản tính là con người năng động, nhiều năng lượng, chị cảm thấy nhàm chán với công việc lặp đi lặp lại hàng ngày, đã “nhốt” khả năng tư duy và sáng tạo của mình lại. Chị quyết định nghỉ việc.

Ra ngoài và start up đầu tay với lĩnh vực về thời trang, gia công hàng may mặc, nhập máy móc thiết bị, thuê công nhân, thiết kế rồi mở cửa hàng, điểm bán.

“Tuy nhiên, thời điểm đó tôi còn quá trẻ và không có nghề, vì vậy, không thể cạnh tranh được với hàng Trung Quốc về mẫu mã, giá thành. Hệ thống kinh doanh sập sau hai năm. Sau này nghĩ lại mới thấy mình chưa có kinh nghiệm về quản lý giá vốn, chi phí sản xuất. Thất bại khiến tôi mất hết số vốn tích luỹ ban đầu khoảng 300-400 triệu đồng”, chị Mai kể lại.

Quay trở về với công việc người làm thuê với vị trí kế toán trưởng Công ty Du lịch Bưu điện, phụ trách quản lý tài chính hệ thống khách sạn, dịch vụ của VNPT từ 2006-2010, sau đó chuyển đến Tập đoàn nhà nước khác với vị trí Giám đốc tài chính, thu nhập cao hơn.

“Trong thời gian này, tôi làm thêm về tư vấn tài chính, giảng viên thỉnh giảng Học viện Tư pháp Khoa Luật sư. Làm trong nhà nước với mức thu nhập nhiều người mơ ước, nhưng ý nguyện được thoả sức sáng tạo, được quyết định các vấn đề theo tư duy của bản thân vẫn luôn thôi thúc tôi bước ra ngoài lập nghiệp”, chị Mai nói.

Vậy cơ duyên nào đưa chị đến với lĩnh vực sản xuất và kinh doanh đông trùng hạ thảo?

Khi còn làm tài chính và đồng thời cũng là luật sư chuyên tư vấn về pháp luật doanh nghiệp, tôi đã có nhiều dịp được làm việc với một số chuyên gia về lĩnh vực công nghệ sinh học, nuôi cấy đông trùng hạ thảo. Không có chuyên môn trong lĩnh vực này, vai trò và nhiệm vụ của tôi khi đó là đưa ra quy trình và cách thức để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Công việc đã buộc tôi phải tiếp xúc rất sâu về chuyên môn đối với các kỹ thuật nuôi cấy và làm sao để nâng cao chất lượng đông trùng hạ thảo với nhiều tài liệu, sách vở mang tính bí quyết độc quyền của các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực thảo dược.

Càng tìm hiểu càng thấy hay và say lúc nào không biết nữa. Như mở ra một thế giới mới với bao kiến thức khoa học và giá trị tuyệt vời của đông trùng hạ thảo.

Vốn tôi là người bị viêm xoang mãn tính nặng đeo đẳng nhiều năm, sử dụng rất nhiều thuốc Tây y không chữa trị dứt điểm được. Cơ hội trải nghiệm qua công trình nghiên cứu của các chuyên gia, tôi đã sử dụng sản phẩm từ đông trùng hạ thảo để chữa bệnh, kết quả thật kỳ diệu, bệnh xoang của tôi đã ra đi vĩnh viễn, ít nhất đến thời điểm này không có dấu hiệu quay trở lại.

Đầu năm 2015, tôi đã thuyết phục các nhà khoa học, cùng thành lập Công ty cổ phần Hội tụ tinh hoa Việt viết tắt là VQC Group để sản xuất và phát triển sản phẩm ra thị trường. Rất may mắn các thầy đều đồng ý và cộng tác.

Giai đoạn đầu công ty hoạt động ra sao, thưa chị?

Khó khăn lắm vì thời gian đầu, mình làm chỉ với đam mê và niềm tin mãnh liệt rằng sản phẩm tốt như vậy hẳn ai cũng cần và suy nghĩ rất đơn giản là nếu mình nhiệt tâm thì khách hàng sẽ đến với mình.

Bắt tay với việc kinh doanh bằng cảm tính và không lường trước được khó khăn bên ngoài thị trường.

Tình hình công ty trong gần hai năm đầu rất bi đát, tiền chảy một chiều, chỉ có dòng tiền đi ra, không có dòng trở lại.

Thời gian đó, tôi bị quá say vào hoạt động chuyên môn. Tôi đi học kiến thức về dược liệu, đọc sách tìm hiểu, lăn lộn khắp vùng rừng núi ở Việt Nam.

Cần có kiến thức vững vàng còn phụ trách chuyên môn, sản xuất và chất lượng sản phẩm còn kinh doanh, tôi thuê một ê kíp đầy đủ từ giám đốc tới trưởng phòng, phát triển kênh phân phối, quản trị nhân viên kinh doanh.

Sai lầm tiếp theo là sự chủ quan, cho rằng làm sản phẩm đông trùng hạ thảo cũng giống hàng tiêu dùng thông thường.

Đội ngũ kinh doanh tuyển về là những người đã có chút kinh nghiệm về ngành hàng tiêu dùng, không có kinh nghiệm về dược liệu, về thực phẩm chức năng. Vì thế, tốc độ “hoá vàng” tài chính công ty nhanh hơn việc cho tiền vào lò để đốt. Chỉ trong gần hai năm, tôi thiệt hại gần 30 tỷ đồng.

Chị có thể chia sẻ kỹ hơn về sai lầm đó không?

Hàng tiêu dùng nhanh tập trung vào sự tiếp cận ở diện rộng, giá thành phải rẻ, khoảng chênh lệch giá không quá xa. Trong khi dòng sản phẩm thiên về dược, chăm sóc sức khoẻ, thực phẩm chức năng có giá khá cao nếu chất lượng tốt.

Trong các siêu thị hay các cửa hàng bán rất nhiều các sản phẩm dòng trà như Lipton, Cozy, Dihmah… có thương hiệu lâu năm, giá chỉ 40-50.000 đồng. Trà xanh 15.000-20.000 đồng hay giảo cổ lam cũng 30.000 đồng.

Vì thế, trà của VQC, không đơn thuần là trà mà là thực phẩm chức năng với các dược liệu rất quý, rất giá trị như đông trùng hạ thảo, linh chi đỏ, moringa… thì giá sản xuất rất cao và giá bán lẻ là 160.000 đồng một hộp sẽ thất bại khi đứng chung với các loại trà trên.

Toàn bộ sản phẩm khác của VQC đi vào những kênh này cũng không phù hợp.

Chúng tôi mất một thời gian để hàng phủ vào hệ thống, nuôi quân để đi chăm sóc hàng ở trên quầy kệ nhưng sau đó, hàng vào được nhưng không ra được. Công ty lại mất thêm công thu sản phẩm về, có nhiều hàng quá date phải tiêu huỷ.

Chị đã vực lại công ty như thế nào?

Chúng tôi phải tính toán lại kênh phân phối sản phẩm của công ty, đi theo kênh dược hay thực phẩm chức năng truyền thống cũng không hợp lý. Kênh phủ nhà thuốc thì phải đi kèm với hệ thống quảng cáo trên truyền hình, TVC, thang máy… Chi phí này rất cao nhất là với một doanh nghiệp còn trẻ như chúng tôi.

Phải tìm cho mình con đường mới, ít chi phí hơn. Như vậy chỉ còn cách chăm chỉ và kiên trì hơn.Chúng tôi bắt đầu xây dựng hệ thống cộng tác viên bán hàng và thành lập hệ thống các câu lạc bộ chăm sóc sức khoẻ. Tôi xác định kênh phân phối này chỉ chạy được bằng chất lượng của sản phẩm. Khách hàng chỉ có thể tiếp tục sử dụng nếu cảm thấy sức khoẻ tốt lên. Còn nếu không, mình nói trời nói biển cũng vô ích.

Mọi nỗ lực rồi cũng có thành quả, chúng tôi tự hào về tỷ lệ khách hàng sử dụng liên tục sản phẩm và trở thành khách hàng trung thành lên tới 80-90%.

Cách làm của chúng tôi hoàn toàn khác mô hình đa cấp bởi chỉ có các cấp bán hàng của chúng tôi vẫn như truyền thống gồm nhà phân phối, đại lý, cộng tác viên. Các cấp khác nhau nhập hàng với quy mô khác nhau và được hưởng mức chiết khấu khác nhau. Mỗi cấp chỉ được hưởng lợi ích từ những khách hàng do mình trực tiếp tạo ra. Chính sách được đồng nhất toàn bộ hệ thống và không có cơ chế mở rộng mạng lưới đến vô hạn.

Thị trường các sản phẩm đông trùng hạ thảo ở Việt Nam khá nhập nhèm, chị nghĩ sao về nhận định này?

Đa số công ty ở Việt Nam không có bộ giống. Khi được hỏi, họ nhập nhèm bằng thông tin là sân sau của viện nào đó, lấy giống từ chỗ này chỗ kia uy tín. Về bản chất, công ty đó không biết mình đang dùng giống gì.

Ngoài ra, rất nhiều đơn vị biết rằng giống đó không phù hợp để làm thuốc hay thực phẩm chức năng mà chỉ là thực phẩm đơn thuần nhưng vẫn sản xuất và bán ra. Nguồn gốc khác nhau, chất lượng khác nhau nhưng hình thức giống nhau, khiến khách hàng không biết lựa chọn thế nào. Chưa kể quảng bá truyền thông quá lời, khách hàng mất lòng tin.

Chị có thể giới thiệu quy mô sản xuất của VQC hiện tại?

Chúng tôi có cơ sở ở Đà Lạt (Lâm Đồng) và Quảng Ninh. Đây là những mô hình phòng thí nghiệm quy mô công nghiệp.

Vì sao gọi là phòng thí nghiệm quy mô công nghiệp. Lý do là việc nuôi cấy này không như những ngành khác có thể cơ giới hóa, công nghiệp hóa với quy mô lớn trong sản xuất được. Nuôi đông trùng hạ thảo là các thao tác thủ công đầy sự tỉ mỉ, cẩn thận, cẩn trọng và phải chuẩn các quy trình thảo tác trên từng đơn vị sản phẩm.

Mỗi đơn vị sản phẩm ở đây là các vi môi trường hay còn gọi là các hộp cơ chất theo công thức độc quyền được cấy giống đông trùng hạ thảo rồi nuôi trong điều kiện khắt khe và tiêu chuẩn để tạo ra các sợi quả thể đông trùng hạ thảo thành phẩm.

Trước đây, quy mô sản xuất bị hạn chế bởi tư duy nghiên cứu nên thông thường quy mô một phòng thí nghiệm thường chỉ nuôi vài trăm lọ. Hiện nay, với tư duy kinh doanh và cải tiến công nghệ, chúng tôi tạo ra các hệ thông phòng nuôi quy mô lớn, có thể nuôi cấy vài trăm nghìn lọ mỗi phòng. Phòng nuôi có vách kính, hệ thống giá kệ, khép kín và kiểm soát độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, giờ chiếu sáng theo quy trình nghiêm ngặt.

Nuôi đông trùng hạ thảo không phải mang vác, nặng nhọc, nhưng rất kỷ luật bởi cần sự khắt khe trong giai đoạn đầu tiên mới nuôi cấy, phải đảm bảo sạch sẽ và tiệt trùng. Nếu kỹ thuật viên nuôi cấy không đảm bảo yêu cầu vệ sinh dù trong một khâu nhỏ, cả lô đó sẽ hỏng hết.

Ngoài ra, hàm lượng của các hoạt chất quý trong đông trùng hạ thảo cũng phụ thuộc rất lớn vào quá trình chăm sóc. Ví dụ giai đoạn mới ăn tơ, đông trùng hạ thảo cần độ ẩm cao, trên 90% ủ trong phòng tối. Sau 15 ngày cần chuyển sang phòng sáng nuôi cấy. Lúc này phải căn giờ chiếu sáng, độ ẩm. Đến giai đoạn trưởng thành gần thu hoạch, kỹ thuật viên cần tăng giờ chiếu sáng, giảm độ ẩm để kích màu và hoạt chất.

Đâu là bước quan trọng được coi là bí quyết cốt lõi cho sản phẩm?

Giống là yếu tố quan trọng nhất. Gần đây, chúng tôi liên kết với tập đoàn Nichihara (Nhật Bản) – đơn vị chỉ nghiên cứu về đông trùng hạ thảo, không kinh doanh. Chúng tôi sở hữu độc quyền 7 bộ gen giống. Ở Việt Nam rất ít đơn vị có bộ gen giống chuẩn để phục vụ sản xuất sản phẩm của mình. Phần lớn họ đều chỉ mua hộp phôi, hộp mầm, hộp bào tử được lắc sẵn.

Bên cạnh giống là công thức của cơ chất để cấy giống lên. Đây là thành quả nghiên cứu và phát triển từ đội ngũ nhà khoa học luôn đồng hành cùng chúng tôi từ khi thành lập công ty đến nay.

Ở Việt Nam có rất nhiều đông trùng hạ thảo ở địa bàn các vùng cao nguyên như Gia lai, Yên Bái, Hà Giang… ký sinh trên ấu trùng ve, bọ xít… nhưng chưa được phân lập, nghiên cứu và quảng bá. Hiện tại, chúng tôi chưa thuần hoá được trong phòng thí nghiệm để nuôi cấy và nhân bản thành số lượng lớn. Điều này cần thời gian và hy vọng trong vài năm tới, sản phẩm phát triển từ đông trùng hạ thảo Việt Nam được ra mắt.

Kế hoạch phát triển công ty thời gian tới là gì, thưa chị?

Ngay trong đợt dịch vừa qua, chúng tôi có doanh thu khá tốt, tăng nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoài. Đứng trước đại dịch, mọi người càng trân trọng sức khoẻ hơn. Nhất là nhận thức và ý thức nâng cao sức đề kháng và hệ miễn dịch đối với sức khỏe bằng cách sử dụng nhiều các sản phẩm thảo dược từ thiên nhiên được tuyên truyền rất nhiều thời gian gần đây.

Chúng tôi cũng được lợi vì nhóm sản phẩm của mình nằm trong danh mục khuyên dùng.

Chúng tôi đang hợp tác với các trường cao đẳng, hoặc đại học có chuyên ngành phù hợp và có nguồn lực về rừng, về nhân sự là sinh viên để phát triển các vùng nguyên liệu dược liệu theo phương pháp các vùng trồng sạch và sinh thái để có thể luôn chủ động về nguồn nguyên liệu và mở rộng xuất khẩu.

Không chỉ phân phối trong nước, hiện nay, các sản phẩm của VQC Group đã xuất khẩu tới các thị trường Nhật Bản, Singapore, Australia, châu Âu… và chúng tôi sẽ tiếp tục sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng đi đôi với tích cực tham gia phát triển nền dược liệu Việt.

Cảm ơn chị và chúc VQC Group ngày càng phát triển!

MIINH QUÂN – TUẤN VIỆT

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version