Có những email viết trong những giờ phút tuyệt vọng: “Chúng tôi là một công ty thiết kế ở Việt Nam với sản phẩm có khách hàng, Kickstarter có thể có ngoại lệ nào không”…
Nhà sáng lập, CEO Tinipak Nghiêm Trọng Hoàng
Bình tĩnh đối mặt với diễn biến của thị trường, Nhà sáng lập kiêm CEO của công ty sản xuất ba lô Tinipak Nghiêm Trọng Hoàng tìm hướng đi mới. Tinipak bắt đầu nhận đặt hàng trước ba lô trên nền tảng gọi vốn cộng đồng Mỹ Kickstarter và bước đầu đón nhận dấu hiệu tích cực.
“Giá ưu đãi nhất của ba lô Tinipak là 83 USD, kết thúc trong 48 giờ đầu tiên. Hiện tại, chương trình trên Kickstarter ưu đãi 30% với giá 97 USD. Chúng tôi hoàn thành mục tiêu 3.000 USD rất nhanh chóng. Hiện tại, pre order còn chạy đến ngày 29/9”, anh Trọng Hoàng cho biết.
CEO sinh năm 1985 tiếp tục với câu chuyện khởi nghiệp của bản thân, từ gần 3 năm trước với động lực từ cậu con trai nhỏ. Anh chia sẻ bản thân và cộng sự đối mặt với những khó khăn thử thách khi phải bắt đầu từ con số 0 ở lĩnh vực mới mẻ. Tuy vậy, “giống như cách mạng 4.0 đối với công nghiệp, tôi cho rằng lịch sử ba lô cũng đang bắt đầu thời kỳ mới và đây là cơ hội cho chúng tôi bắt kịp người đi trước”.
Quá trình khởi nghiệp
Ngoài công việc cũ nghiên cứu về trải nghiệm người dùng, bản thân yêu thích ba lô, cơ duyên nào khiến anh quyết định gắn bó sự nghiệp tương lai với sản phẩm này?
Khi con trai tôi bắt đầu vào lớp 1, dù là người đam mê và biết rất nhiều loại ba lô, tôi không thể tìm được 1 chiếc ba lô phù hợp nhất với con. Những chiếc ba lô ở nước ngoài thì cồng kềnh, trong nước thì màu mè, chất lượng không đảm bảo. Mặt khác, bản thân là người Việt Nam – cái nôi của xuất khẩu, rất nhiều thương hiệu lớn thế giới được sản xuất tại đây nhưng chưa có thương hiệu Việt Nam nào đủ tầm cỡ, chất lượng để sánh vai cùng các thương hiệu nước ngoài.
Đó chính là động lực, là bài toán cần tìm lời giải đáp mà tôi suy nghĩ nhiều năm làm sao để tạo nên thương hiệu Việt Nam đầu tiên này.
Nhà sáng lập, CEO Tinipak Nghiêm Trọng Hoàng tin tưởng vào tiềm năng thị trường ba lô và khả năng sáng tạo của người Việt
Việt Nam có lợi thế về lao động giá rẻ, chi phí sản xuất thấp. Tinipak có lẽ sẽ khởi đầu dễ dàng hơn nếu đi theo hướng sản xuất đại trà, gia công sản phẩm. Tại sao anh định hướng tới sản phẩm ba lô cao cấp?
Việt Nam là công xưởng của thế giới trong nhiều năm, hàng hoá Made in Vietnam có mặt khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên chúng ta phụ thuộc đơn hàng từ nước ngoài và ngày càng phải cạnh tranh với nhiều quốc gia đang phát triển khác. Hơn nữa mục tiêu của tôi là tạo ra 1 sản phẩm tốt giải quyết các vấn đề của người sử dụng, chứ không đơn thuần là phát triển 1 doanh nghiệp. Các thương hiệu nước ngoài đầu tư nhiều vào thiết kế, R&D và tôi tin người Việt Nam cũng có thể làm được như vậy.
Tinipak bắt đầu từ tháng 11/2018, anh khởi nghiệp lúc hơn 30 tuổi với thời gian làm việc tích luỹ hơn 10 năm. Anh gặp những khó khăn gì khi bắt đầu làm riêng, thưa anh?
Khó khăn nhất đối với tôi là vấn đề nhân sự vì ở Việt Nam rất ít người theo đuổi ngành tạo dáng công nghiệp, đa số sinh viên làm ngành này đều làm trái nghề chuyển sang thiết kế đồ hoạ, những bạn còn lại mong muốn làm những sản phẩm cao cấp như ô tô, xe máy… ở những công ty tầm cỡ. Ba lô ở giữa ngành thời trang và tạo dáng nên càng khó hơn.
Lúc bắt đầu, rất khó khăn tôi mới có thể tìm được 2 người phù hợp và mất một năm rưỡi để chúng tôi cùng mày mò, bay hết mình với những ý tưởng.
Ba lô Tinipak đang được đặt hàng trước trên Kickstarter
Ba lô thương hiệu nước ngoài có quá trình nghiên cứu phát triển sản phẩm lâu dài. Anh có chiến lược gì để đứng trên vai người khổng lồ trong việc thiết kế ba lô?
Tôi nhận thấy lịch sử ba lô được tạo ra để sử dụng trong chiến tranh, khi các binh lính phải mang lượng đồ đạc lớn khi hành quân. Sau này những chiếc ba lô được sử dụng rộng rãi hơn trong đời sống, tuy nhiên các tính năng đặc biệt cần có cho mỗi đối tượng sử dụng chưa được tối ưu. Ngoài ra, trong cuộc sống hiện đại con người được trang bị nhiều phụ kiện tiện ích hơn trước. Các hãng mới trên thế giới chú ý đến điều này để cải tiến trải nghiệm sử dụng cho nhiếp ảnh gia, người đam mê du lịch, các bà mẹ nuôi con…
Giống như cách mạng 4.0 đối với công nghệ, tôi cho rằng lịch sử ba lô cũng đang bắt đầu thời kỳ mới và đây là cơ hội cho chúng tôi bắt kịp người đi trước.
để tránh bị sao chép, tốt nhất nên đi nhanh hơn
Kinh nghiệm liên quan đến trải nghiệm người dùng giúp ích gì cho anh trong công việc mới?
Tôi bắt đầu nghiên cứu về trải nghiệm người dùng cách đây 10 năm, khi đó ở Việt Nam còn chưa định hình nghề này. Công việc này giúp tôi biết rằng để tạo ra 1 sản phẩm tốt, phải lấy người dùng làm trung tâm, hiểu rõ người dùng là ai, vấn đề khó khăn của họ gặp phải và nghiên cứu hành vi của họ trước khi bắt đầu thiết kế, tạo ra tính năng và sản xuất.
Kiểu dáng thiết kế, bí quyết sản xuất được Tinipak bảo vệ thế nào khi đây là những điều rất dễ bị sao chép?
Thú thật hiện Tinipak mới chỉ đăng ký bản quyền nhãn hiệu. Tôi cho rằng việc sao chép hay học hỏi là điều không thể tránh khỏi. Để tránh việc này tốt nhất chúng tôi nên đi nhanh hơn, thiết kế thật chi tiết và sản xuất một cách tỷ mỉ.
Nhiều người cho rằng ba lô là thị trường khá ngách với nhiều sự cạnh tranh. Anh nghĩ sao?
Trong cuộc sống hiện đại, con người sẽ ở bên ngoài ngày càng nhiều hơn, tối mới trở về nhà. Ba lô là phụ kiện không thể thiếu mỗi khi ra khỏi nhà. Dự kiến thị trường ba lô toàn cầu sẽ đạt khoảng 22 tỷ USD vào năm 2026 với tốc độ tăng trưởng 6% từ năm 2020-2026. Các hãng lớn có sản phẩm phủ rộng trên nhiều đối tượng sử dụng. Chúng tôi chọn tập trung vào đối tượng trẻ em để tìm kiếm chỗ đứng của riêng mình.
Trẻ em phải mang nhiều đồ dùng tới trường trong khi cơ thể nhỏ bé, chưa định hình được thói quen sắp xếp. Tinipak hướng tới là thương hiệu tập trung vào tính tiện dụng, đem lại trải nghiệm sử dụng tốt bên cạnh các tiêu chí bắt buộc là nhẹ và an toàn cho trẻ em.
Các giá trị lớn nhất của ba lô Tinipak là thiết kế tối giản không màu mè như các ba lô trong nước, làm nổi bật các miếng dán được thiết kế theo phong cách của Tinipak, cân bằng tránh đổ sách vở. Tinipak cho phép tuỳ chọn các hình nhân vật theo sở thích của riêng từng bé. Ba lô có “thiết kế 1 chạm”, chỉ cần 1 tay lấy và cất phụ kiện. Thiết kế dạng module cũng giúp dễ dàng tích hợp các phụ kiện, tuỳ theo hoàn cảnh sử dụng. Các tính năng an toàn gồm đệm lưng chống gù, quai đeo êm ái, phản quang.
Quá trình gọi vốn trên Kickstarter
Khi gọi vốn ở Kickstarter Tinipak gặp khó khăn gì?
Kickstarter chỉ hỗ trợ các dự án đến từ 25 quốc gia, trong số đó không có Việt Nam. Sở dĩ Kickstarter kiểm duyệt chặt chẽ vì từng xuất hiện nhiều dự án ảo, sau khi nhận số tiền lớn tới triệu USD, cả team bỗng mất tích… Kickstarter yêu cầu cụ thể bạn phải là công dân hoặc bạn phải là doanh nghiệp và có thành viên là công dân thuộc 25 nước quy định sẵn.
Ba lô Tinipak có nhiều lựa chọn hình dán để cá nhân hoá
Sau khi thành lập công ty tại Mỹ với 3 tháng ròng rã chờ đợi cấp mã số thuế, được ngân hàng Mỹ chấp thuận, Tinipak mới được Kickstarter cho phép tham gia sân chơi sáng tạo toàn cầu. Chúng tôi lọt qua khe cửa rất hẹp. Tôi không nhớ hết team gửi bao nhiêu nội dung lên khắp các Facebook Kickstarter group, email trực tiếp tới Kickstarter, trong đó có những email trong những giờ phút tuyệt vọng: “Chúng tôi là một công ty thiết kế ở Việt Nam với sản phẩm có khách hàng, Kickstarter có thể có ngoại lệ nào không”. Chúng tôi chỉ nhận được những câu trả lời rất chung chung về quy định của họ.
Chúng tôi tìm hiểu thủ tục, chi phí thành lập doanh nghiệp tại Singapore, New Zealand, rồi Mỹ… trong khi những email qua lại với Kickstarter tiếp tục diễn ra. Và rồi trong 1 email cụ thể nhất của Kickstarter, họ đã giúp chúng tôi tiếp tục kiên trì theo đuổi những thủ tục pháp lý và hoàn tất nó.
Tôi có ý tưởng gọi vốn trên Kickstarter cách đây 5 năm sau khi quan sát những thương hiệu ba lô mới nhanh chóng được nhiều người biết đến khi gọi vốn ở đây. Tôi nghĩ đây là nền tảng marketing tuyệt vời cho các startup.
Kickstarter là nền tảng huy động vốn cộng đồng số 1 toàn cầu, là sân chơi cho những nhà sáng tạo đăng thông tin dự án và kêu gọi sự ủng hộ. Nếu nhận thấy sản phẩm hữu ích, giải quyết được nhu cầu, mọi người sẽ ủng hộ bằng cách thanh toán để đặt hàng trước đồng thời nhận lại được những ưu đãi lớn đặc biệt chỉ riêng trên Kickstarter.
Thời gian tới, Tinipak có dự định gọi vốn đầu tư ở các kênh nào khác, thưa anh?
Hiện tại quá trình gọi vốn vẫn đang diễn ra và kết thúc vào ngày 29/9. Số tiền mục tiêu chúng tôi đặt ra là 3.000 USD và đạt được chỉ trong vòng 10 giờ. Chúng tôi đang cố gắng vượt xa hơn để có nhiều đơn hàng qua đó tiết kiệm chi phí sản xuất và tối ưu chi phí vận chuyển. Hy vọng nhận thêm được nhiều hơn sự quan tâm của cộng đồng Việt Nam với Tinipak với chương trình trên Kickstarter.
Sau đó, chúng tôi dự kiến tiếp tục tham gia 1 nền tảng gọi vốn khác tại Mỹ là Indiegogo, cân nhắc việc tham gia thị trường Nhật Bản cũng qua 1 nền tảng gọi vốn cộng đồng tương tự.
Anh có lời khuyên gì cho các start up Việt khi gọi vốn nói chung và trên Kickstarter? Những ngành nghề nào phù hợp để gọi vốn ở đây?
Đây là nền tảng tuyệt với dành cho startup có quy mô toàn cầu. Bạn tự đầu tư tiền sản xuất, tìm kiếm thị trường nhưng nếu sản phẩm không phù hợp, bạn sẽ mất kha khá tiền đầu tư. Kickstarter là nơi giúp bạn kiểm thử ý tưởng, thị trường và đặc biệt nhận được tiền để sản xuất từ các đơn hàng đặt trước. Kickstarter cho phép nhiều ngành nghề có thể tham gia như thiết kế sản phẩm, game, sách…
Định hướng phát triển
Anh có thể chia sẻ về sự phát triển của công ty sau gần 3 năm bắt đầu?
Khi Tinipak ra mắt thị trường Việt Nam vào 27/8/2020, rất sát ngày đi học nhưng chúng tôi nhanh chóng bán hết 100 bộ sản phẩm chỉ trong vài ngày và nhận được rất nhiều phản hồi tích cực về trọng lượng nhẹ, các tiện ích thông minh và đặc biệt hình các nhân vật dính trên ba lô rất được các bạn nhỏ yêu thích. Chúng tôi vô cùng phấn khích, bản thân tôi chính là người tự đi ship những đơn hàng đầu tiên để cảm ơn sự ủng hộ của mọi người.
Khi COVID-19 diễn ra, các startup đều khó khăn và chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi giữ quy mô của công ty ở mức gọn nhẹ nhất gồm 2 thiết kế và 1 marketing và tôi. Bản thân mỗi người đều làm nhiều vai trò công việc khác nhau, tự học hỏi. Hiện tại, vẫn là giai đoạn đầu tư vào sản phẩm, chúng tôi hoàn toàn chưa có lợi nhuận. Hy vọng Tinipak được chào đón trên toàn cầu, công ty sẽ có những lợi nhuận đầu tiên.
Trong hơn 1 năm đầu chúng tôi nhận được nhiều bài học để hiểu rõ quy trình sản xuất, chi tiết từng nguyên vật liệu để cấu thành lên 1 chiếc ba lô. Chúng tôi may mắn thuyết phục được YKK Nhật Bản – thương hiệu khoá kéo số 1 thế giới sản xuất đầu khoá riêng theo thiết kế của mình. Công nghệ khoá một chạm đến từ Đức. Các miếng dán được chính người Việt Nam nghiên cứu phát triển.
Giá trị cốt lõi, lợi thế cạnh tranh của Tikipak so với đối thủ là gì thưa anh?
Chúng tôi kiên trì tạo ra những sản phẩm đem lại trải nghiệm sử dụng tốt một cách sáng tạo, hướng đến những ông bố bà mẹ hiện đại, chăm lo con cái trên toàn cầu. Tinipak tìm được con đường đến với thế giới sáng tạo và sản phẩm đầu tay của chúng tôi được các chuyên gia tại Mỹ đánh giá tiềm năng. Tôi và các cộng sự vẫn theo đuổi các chiến dịch gọi vốn cộng đồng, có lộ trình cho các sản phẩm tiếp theo, ba lô sau sẽ ngày càng sáng tạo hơn các sản phẩm trước.
CEO Nghiêm Trọng Hoàng tin tưởng vào hướng đi sắp tới của công ty
Tinipak cần những điều kiện gì để vươn lên cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu lớn?
Sản phẩm ba lô đi học cao cấp đều giá bán cao, như ở Đức là 330 USD, ở Nhật là 300-600 USD. Ngoài ra, chúng tôi có khác biệt hơn ở sự gọn nhẹ, linh hoạt và có thể cá nhân hoá.
Vấn đề lớn nhất hiện tại của chúng tôi là thị trường, làm sao để Tinipak được nhiều người biết đến hơn. Tôi nghĩ cần 1 lộ trình, đây mới là sản phẩm đầu tay của chúng tôi. Các sản phẩm tiếp theo mọi người sẽ nhận biết được rõ hơn sự khác biệt.
Chuẩn bị rất kỹ cho mùa bán hàng lớn nhất năm là dịp khai giảng nhưng dịch bệnh làm hỏng kế hoạch này. Cảm xúc của anh thế nào?
Năm nay chúng tôi tập trung cao nhất cho thị trường toàn cầu, tôi khá lo lắng nếu tình hình dịch bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch giao hàng. Tôi nghĩ thời cơ tốt nhất khi mọi thứ dần trở lại bình thường, kinh tế phát triển trở lại và trẻ em được đến trường.