CEO May 10: “Dịch bệnh là áp lực rất lớn buộc chúng tôi thay đổi”

Rate this post
“Thời gian vừa qua, bản thân tôi và tập thể hàng vạn con người May 10 đã thực sự thay đổi mạnh mẽ và toàn diện, từ tốc độ ra quyết định, tốc độ làm việc đến thay đổi tư duy, thói quen… để thích nghi”.
Đó là chia sẻ của ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần May 10 về những trải nghiệm chưa từng có trong quá trình lãnh đạo doanh nghiệp vượt “bão COVID-19” khi trò chuyện với nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Là doanh nghiệp sử dụng hàng chục nghìn lao động, chịu nhiều tổn thương bởi dịch bệnh, song vượt qua khó khăn, May 10 đã chứng minh bản lĩnh khi học cách sống chung với COVID-19 bằng việc linh hoạt chuyển đổi sản xuất, ứng dụng công nghệ…
2021 là năm biến động liên tục và khó khăn hơn rất nhiều
Thưa ông, đến thời điểm này, đã sau gần hai năm chúng ta vẫn chưa thể biết khi nào đại dịch COVID-19 mới chấm dứt. Còn tác động của nó thì đã quá lớn và lâu dài. Với doanh nghiệp nói chung và với bản thân ông, trong sản xuất kinh doanh thì đây hẳn là một biến cố bất thường, khó lường và chưa có nhiều trong trải nghiệm trước đây. Vậy ông có thể chia sẻ bản thân mình và May 10 đã và đang vượt qua biến cố này như thế nào?
Trong hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi, đảo lộn cả ngành công nghiệp dệt may. Đặc thù là ngành là sử dụng nhiều lao động, với quy mô gần 12 nghìn lao động trực thuộc May 10 và công ty liên doanh liên kết, dịch COVID-19 bùng phát, May 10 gặp không ít khó khăn khi phải thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh việc phải duy trì liên tục hoạt động sản xuất kinh doanh để đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động, May 10 tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm “chống dịch như chống giặc”, trong bất kỳ tình huống nào, cũng phải đi đầu trong phòng, chống dịch và thực hiện tốt các chỉ thị của các cấp về phòng, chống dịch COVID-19.
Đứt cung, gãy cầu cùng lúc vì đại dịch COVID-19, nhưng suốt cả năm 2020 Tổng công ty May 10 chưa giảm nhân sự nào. Trong bối cảnh các đơn hàng truyền thống sụt giảm nghiêm trọng, nhận thấy nhu cầu rất lớn về khẩu trang y tế, khẩu trang vải và bộ phòng chống dịch, Tổng công ty đã quyết định đầu tư xưởng sản xuất và sáng tạo chuyển đổi làm mặt hàng bảo hộ y tế, khẩu trang.
Với quyết định được coi là thần tốc, kịp thời, đúng đắn, doanh thu về khẩu trang và bộ bảo hộ phòng chống dịch đã đóng góp 20% vào tổng doanh thu 3.507 tỷ đồng May 10 năm 2020, vượt 30% kế hoạch.
Tuy nhiên, trong quý 1 và 2/2021, lượng đặt hàng sản xuất của công ty tăng nhưng doanh thu không đạt, do số lượng lao động phải nghỉ vì có liên quan tới các ca F0, F1, F2 chiếm từ 15-20% tổng số lao động. Bên cạnh đó, sản lượng hàng truyền thống giảm, dẫn đến Tổng công ty phải chuyển đổi sản xuất mặt hàng giá trị thấp hơn thay thế như dệt kim, quần áo, quần áo trẻ em… Thêm vào đó giá cước vận tải tăng cũng tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Có thể nói, 2021 là một năm biến động liên tục, thậm chí còn khó khăn hơn năm 2020 rất nhiều nhưng tập thể May 10 vẫn liên tục cố gắng. Chúng tôi đang tăng tốc trong quý 4 để hoàn thành kế hoạch năm nay.
Thử thách là cơ hội để được rèn luyện và phát triển
Như ông nói, 2021 là một năm biến động liên tục, thậm chí còn khó khăn hơn năm 2020. Là lãnh đạo một doanh nghiệp, một tập thể, ông có thấy nhiều áp lực khi chống chèo qua giai đoạn này, và hẳn có những niềm tin và động lực để vững tay chèo?
Thời gian vừa qua, bản thân tôi và tập thể hàng vạn con người May 10 đã thực sự thay đổi mạnh mẽ và toàn diện, từ tốc độ ra quyết định, tốc độ làm việc đến thay đổi tư duy, thói quen… để thích nghi.
Với hơn 24 năm gắn bó, điều tôi trăn trở nhất kể từ khi trở thành Tổng giám đốc May 10 là làm sao để giữ gìn tốt nhất những thành quả, giá trị cốt lõi mà các thế hệ trước đã dày công tạo dựng và tìm ra những hướng đi đột phá mới để giúp doanh nghiệp ổn định trong giai đoạn hiện nay và ngày càng phát triển bền vững trong tương lai.
Dịch bệnh chính là áp lực rất lớn buộc chúng tôi thay đổi. Thử thách là cơ hội để chúng tôi được rèn luyện và phát triển. Thêm nữa, khó khăn không phải là của riêng May 10 mà là cả cộng đồng doanh nghiệp, nên tôi có niềm tin Chính phủ và Nhà nước sẽ luôn đưa ra những giải pháp tốt cho doanh nghiệp. Bởi duy trì phát triển kinh tế chính là huyết mạch của một quốc gia.
Gắn với May 10, để vượt qua “cơn bão” này, sau gần hai năm, ông có thể chia sẻ những giải pháp, những sáng kiến, những yếu tố cần có, những đúc kết qua trải nghiệm chưa từng có trước đây không?
Đây cũng là cơ hội để May 10 thực hiện chuyển đổi số toàn diện, từ khâu thiết kế mẫu, duyệt mẫu, sản xuất, giao hàng, các công đoạn được đẩy nhanh.
Trước đây, đối với hàng may mặc, khách hàng cử những chuyên gia kỹ thuật kiểm hàng đến May 10 để kiểm tra từng chiếc áo sơ mi, từng bộ vest, từng đường kim mũi chỉ. Nhưng hiện nay, “do ngăn sông cấm chợ”, chúng tôi kiểm hàng online 100%. Chúng tôi kiểm hàng tại May 10 sau đó ghi hình, chuyển cho khách hàng.
Trước kia, một chu trình sản xuất của May 10 kéo dài từ 3-6 tháng nhưng từ năm 2020, Tổng công ty đã xuất hiện khái niệm “ngay và luôn”. Trước kia chúng tôi xây dựng kế hoạch sản xuất theo tháng thì ngày nay chúng tôi xây dựng kế hoạch và tổ chức sản xuất theo tuần, thậm chí theo ngày.
Sống chung với đại dịch, ổn định sản xuất, May 10 vẫn áp dụng triệt để theo các kịch bản về công tác phòng, chống dịch tại nơi làm việc và xử lý tình huống trong tình trạng khẩn cấp. Thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại đơn vị. Đặc biệt, phối hợp với các cấp chính quyền để tiêm vaccine (mũi 2 cho người lao động tại Hà Nội), tiến tới toàn bộ người lao động tại 7 tỉnh, thành có các nhà máy của May 10 đang hoạt động.
Bên cạnh đó, xây dựng các “vùng xanh” an toàn đang là giải pháp mà May 10 đang triển khai nhằm chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tinh thần tự giác của mỗi cá nhân, sức mạnh đoàn kết của cộng đồng sẽ giúp giảm áp lực cho các cấp, các ngành, góp phần cùng cả nước chung sức đẩy lùi dịch bệnh.
Cần những biện pháp khôi phục kinh tế linh hoạt hơn
Trong khó khăn “vượt bão”, nhìn lại sự đồng hành và hỗ trợ của cơ chế chính sách, cũng như qua thực tiễn các giai đoạn phòng chống dịch, ông nhận thấy những vấn đề gì chưa hợp lý, hoặc cần điều chỉnh và hoàn thiện?
Nền kinh tế không thể đợi đến khi chúng ta kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh. Vì số ca nhiễm vẫn đang gia tăng, số lượng bệnh nhân nặng và tỷ lệ tử vong trên số ca F0 vẫn chiếm một tỷ lệ khá cao. Do đó, Hà Nội cần có những biện pháp linh hoạt hơn, mạnh dạn hơn để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo “mục tiêu kép” đã đề ra.
Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm chống dịch của Chính phủ là lấy sức khỏe của người dân lên là quan trọng nhất. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đã gặp rất nhiều khó khăn. Như việc áp dụng phương án 3 tại chỗ, chúng tôi chỉ đi làm được khoảng 30 đến 50%, nhưng chi phí tăng lên gấp 4 – 5 lần, doanh thu thì giảm một nửa. Đây là cái rất khó để thực hiện 3 tại chỗ dài lâu. Còn thực hiện phương pháp một cung đường, hai điểm đến thì công nhân của chúng tôi lại bị mắc tại các chốt kiểm dịch.
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng, phải trì hoãn, hủy đơn hàng, có nguy cơ bị mất thị trường, thay đổi chuỗi cung ứng. Cùng với đó, hoạt động xuất nhập khẩu có thể vẫn gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhiều tỉnh thành phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội khiến cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, giao thông vận tải, hậu cần và logistics bị gián đoạn.
Khó khăn trong công tác sản xuất hiện nay, nặng nhất vẫn là tiền phạt chậm giao hàng. Nếu đơn hàng bị chậm, ngoài việc tăng chi phí vận chuyển bằng máy bay, doanh nghiệp còn có thể bị phạt lên đến cả trăm tỷ đồng. Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ không phát triển được đơn hàng cho mùa tiếp theo.
Kỳ vọng 2022 sẽ là năm bứt phá
Đã sang quý 4, hẳn lúc này ông và May 10 đang định hình kế hoạch sản xuất kinh doanh năm tới. Ông có thể chia sẻ những dự tính, băn khoăn hoặc kỳ vọng vào kế hoạch năm tới không?
Thế giới đã trả qua gần hai năm khi xuất hiện đại dịch COVID-19, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 tại Việt Nam đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, trong đó các doanh nghiệp dệt may phải chịu tác động hết sức tiêu cực. Trong bối cảnh hàng loạt yếu tố rủi ro vẫn còn hiện hữu và đang tác động khó lường đến nền kinh tế đất nước nói chung cũng như ngành dệt may nói riêng. Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ về phòng chống COVID-19 cũng như các biện pháp khôi phục nền kinh tế sau đại dịch, tôi tin tưởng rằng năm 2022 sẽ là một năm bứt phá của nền kinh tế.
Để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong cả ngắn và trung hạn, chúng tôi vẫn nỗ lực tìm kiếm đơn hàng truyền thống, các mặt hàng là thế mạnh làm nên thương hiệu May 10. Cùng với đó là các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng và tập trung vào công cuộc chuyển đổi số.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của HĐQT, sự linh hoạt của cơ quan điều hành, sự bám sát thị trường của lãnh đạo các đơn vị nên đến thời điểm này, toàn thể người lao động May 10 vẫn được bảo toàn về sức khỏe, đảm bảo thu nhập, an sinh xã hội. Những khó khăn do dịch bệnh tác động chắc chắn sẽ là thử thách để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ của năm 2021.
Trân trọng cảm ơn ông.

N. NGA

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version