Cầu cao, nguồn cung hạn chế đẩy giá gạo Đông Xuân tăng mạnh

Rate this post
Các tỉnh đầu nguồn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp đang thu hoạch lúa Đông Xuân, diện tích thu hoạch nhỏ nên sản lượng còn khá thấp, trong khi nhu cầu trên thị trường tăng đã đẩy giá gạo trong tuần qua tăng mạnh.
Thu hoạch lúa ở Thị xã Tân Châu – An Giang – Ảnh Nguyễn Huyền
Vụ Đông xuân 2020- 2021 đã bắt đầu nhưng nguồn cung vẫn ở mức thấp, chỉ 5% -6% sản lượng được thu hoạch, đến cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 mới thu hoạch rộ nên thương mại lúa gạo diễn ra khá chậm chạp do người mua đang chờ thu hoạch cao điểm.
Từ ngày 25/1, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bắt đầu tăng đến nay vẫn duy trì ở mức cao từ 200 – 300 đồng/kg. Cụ thể, ngày 31/1/2021, tại An Giang, IR 50404 tươi mua tại ruộng dao động từ ở mức 7.000 -7.100 đồng/kg; Đài thơm 8 giá 7.500 đồng/kg; OM 5451 giá 7.100 đồng/kg; lúa Jasmine 7.000 đồng/kg; OM 9577 6.900 đồng/kg; OM 9582 7.000 đồng/kg; nếp khô 7.700 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 29/1, gạo trắng 5% tấm của Việt Nam đước chào bán giá 523 USD/tấn, gạo 25% giá 498 USD/tấn. Gạo 5% tấm Thái Lan giá 530 USD/tấn, gạo 25% tấm giá 507 USD/tấn. Gạo 5% tấm Ấn Độ giá 388 USD/tấn, gạo 25% tấm giá 348 USD/tấn.
Tuần qua vẫn còn có các tàu nhận gạo xuất khẩu đi Philippines trước khi doanh nghiệp Việt Nam nghỉ Tết âm lịch
CÁC THỊ TRƯỜNG CHÍNH VẪN DUY LƯỢNG GẠO NHẬP KHẨU
Hiện nay, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, châu Phi… tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam và giá gạo đang ở mức rất lạc quan. Dự báo, xuất khẩu gạo năm 2021 vẫn duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán.
Philippines vẫn sẽ nổi lên là nhà nhập khẩu gạo nhiều nhất thế giới và là thị trường số 1 của gạo Việt Nam cho đến hết năm 2021 với dự kiến sản lượng nội địa sẽ giảm.
Nhận định về thị trường gạo xuất khẩu trong năm 2021, ông Mohit Agarwal, Giám Đốc kinh doanh mảng Gạo Công ty TNHH Olam Việt Nam cho rằng, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục duy trì lượng mua gạo từ Việt Nam giống như năm 2020.
Tại một số thị trường truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia, Malaysia vẫn duy trì lượng mua gạo như năm 2020. Indonesia đã tăng mua gạo Việt Nam gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường Malaysia không có gì đặc biệt, riêng thị trường Iraq năm 2020 đã giảm 65% lượng gạo mua của Việt Nam so với 2019.
Trong 5 năm vừa qua, nhu cầu gạo của châu Phi luôn tăng đều lên và dự kiến nhu cầu gạo ở thị trường này trong năm 2021 vẫn tăng như năm 2020.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), trong năm 2021, dự kiến nhập khẩu gạo của Philppines sẽ tăng 15%, tương đương 3 triệu tấn. USDA đã hạ dự báo nhập khẩu cho Philippines từ 3,3 triệu tấn trước đó.
Trong năm 2021, Philippines vẫn sẽ là nhà nhập khẩu hàng đầu vì Trung Quốc dự kiến chỉ mua 2,2 triệu tấn. Luật thuế quan được ban hành vào năm 2019 đã giúp lượng gạo nhập khẩu nhiều hơn trên thị trường và làm giảm giá gạo xay xát nói chung.
Tuy nhiên, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) trích phát biểu của, Bộ Nông nghiệp (DA) Philippines mới đây cho biết nhập khẩu gạo của nước này trong năm 2021 có thể giảm 15,5% xuống 1,69 triệu tấn, do gạo thu hoạch chưa xay xát đạt mức cao kỷ lục dự kiến là 20,48 triệu.
Theo Thứ trưởng Nông nghiệp Philippines Ariel T. Cayanan, dự báo sản lượng gạo chưa xay xát cả năm trong nước năm 2020 sẽ đạt 20,48 triệu tấn, cao hơn 5,35% so với sản lượng ước tính là 19,44 triệu tấn năm ngoái. Sản lượng cao hơn trong năm nay sẽ đưa mức tự cung tự cấp gạo của đất nước lên 95% từ 90% của năm ngoái. Ông cho biết sản lượng cao kỷ lục trong năm nay có thể đạt được bằng cách thực hiện liên tục các biện pháp can thiệp của chính phủ bao gồm quỹ nâng cao năng lực cạnh tranh gạo và dự án khả năng phục hồi của gạo.
HẠN NẶM ĐE DỌA ĐẾN SẢN XUẤT LÚA GẠO Ở ĐBSCL
VFA cho biết, để đảm bảo kim ngạch và khối lượng xuất khẩu gạo năm 2021 tiếp tục duy trì mức tương đương hoặc cao hơn năm 2020, VFA đề ra một số giải pháp phát triển thị trường, tiếp cận thị trường nước ngoài thông qua các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. VFA cũng đã xây dựng các kênh chào hàng trực tuyến và tham gia các hội thảo về thương mại theo hình thức trực tuyến để phát triển ngành hàng gạo. Các sản phẩm cũng sẽ tập trung vào những loại chất lượng cao, đang có kết quả xuất khẩu tốt…
Tuy nhiên, hạn năm dự báo đến sớm và diễn biến phức tạp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng sản xuất lúa trọng điểm của cả nước.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mùa khô hạn năm 2021 tại ÐBSCL đang bắt đầu, nguồn nước ở thượng nguồn so với bình quân nhiều năm đang bị sụt giảm, do tác động của dòng chảy thượng nguồn cực đoan, do các quốc gia sử dụng nước thượng nguồn sông Mekong cho hoạt động kinh tế, thủy điện, chia sẻ nguồn nước… Mực nước hiện nay ở Tân Châu, Châu Ðốc thấp hơn cùng kỳ nhiều năm và dự báo tháng 2, tháng 3 tới sẽ tiếp tục sụt giảm, gây khô hạn, thiếu nước cho vùng ÐBSCL. Vì vậy, ngay bây giờ các địa phương trong vùng cần lên kế hoạch ứng phó…
Theo Cục Trồng trọt, tính đến ngày 14/01/2020, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã xuống giống vụ Đông Xuân 2020 – 2021 được 1,352 ha/1,550 triệu ha diện tích kế hoạch, đã thu hoạch được hơn 100 ngàn ha với năng suất khoảng 4,65 tấn/ha.

NGUYỄN HUYỀN

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version