–
“Trung Quốc đã có nhiều quy định theo hướng chặt chẽ hơn, vì vậy chúng ta cần phải thay đổi tư duy, và không thể kiến nghị phía bạn nên thế này thế nọ được”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết.
Trong vòng một tháng qua, Trung Quốc dừng nhập khẩu thanh long từ các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, vì phát hiện virus SARS-CoV-2 trên 3 lô hàng, khiến đầu ra trái thanh long đặc biệt khó khăn trong thời điểm hiện tại và cả quý 1/2022.
Sáng ngày 6/1/2022, Tổ điều hành Diễn đàn nông sản 970, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức “Diễn đàn kết nối tiêu thụ thanh long”.
Ông Lê Thanh Tùng, Cục phó cục Trồng trọt – Bộ NN-PTNT cho biết, diện tích, sản lượng thanh long tại các vùng của Việt Nam năm 2021 là 62.986 ha, với sản lượng sản lượng thanh long khoảng 1.318 ngàn tấn/năm.
Ba tỉnh sản xuất thanh long lớn nhất là: Bình Thuận với diện tích 33,5 nghìn ha, đạt sản lượng 694,5 nghìn tấn. Tỉnh Long An với 11,8 nghìn ha, sản lượng khoảng 316 nghìn tấn. Tỉnh Tiền Giang có diện tích nhỏ với 9,6 nghìn ha, sản lượng khoảng 241,4 nghìn tấn.
Trong quý 1/2022, ước tổng sản lượng thanh long phía Nam đạt 239,5 nghìn tấn, chuối chiếm 250,0 nghìn tấn, xoài chiếm 244,3 nghìn tấn, mít chiếm 158,7 nghìn tấn, …
Do áp dụng chính sách “Zero Covid”, nên phía Trung Quốc tăng cường kiểm soát dịch bệnh, làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước.
Ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, Trung Quốc ngày càng siết chặt việc kiểm soát đối với sản phẩm nông sản nhập khẩu, trong đó có tăng cường giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói. Không chỉ thị trường Trung Quốc mà hầu hết các nước nhập khẩu đều yêu cầu hàng hóa xuất khẩu phải có mã số vùng trồng (MSVT).
MSVT thanh long hiện đã cấp 640 mã số, với diện tích khoảng 40.000 ha, chiếm 61,9% diện tích trồng thanh long cả nước. Riêng thị trường Trung Quốc: 247 mã số với chiếm 39,2% tổng mã số được cấp các vùng trồng thanh long.
Cục đã cấp 1.798 mã số cơ sở đóng gói (CSĐG) cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản… trên 37 tỉnh, thành phố.
Ông Phan Văn Tấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, thanh long của Bình Thuận chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng thị trường này đã đóng cửa ngay trong dịp Tết Nguyên Đán làm tắc đầu ra. Dự kiến trong quý 1/2022, đặc biệt từ tháng một đến đầu tháng hai Bình Thuận có trên dưới 110.000 tấn thanh long, chủ yếu là trong dịp Tết Nguyên Đán này.
Hiện tỉnh Bình Thuận đang khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu thanh long chính ngạch vào thị trường Trung Quốc và các thị trường khác tiếp tục thu mua hỗ trợ nông dân. Đồng thời Sở sẽ theo dõi tình hình cửa khẩu nếu phía Trung Quốc mở lại tiếp tục xuất khẩu. Mặt khác cùng với Sở Công thương tăng cường kết nối với Sở NN-PTNT và doanh nghiệp các tỉnh bạn hỗ trợ tiêu thụ thanh long.
Thanh long “ùn ứ” không phải chỉ là câu chuyện của năm nay
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, do tình hình tồn đọng thanh long ở biên giới nên có một số doanh nghiệp chuyển sang đi đường biển, nhưng hiện nay muốn có container xuất đi đường biển phải sang lại những container hoặc booking của những doanh nghiệp đã book rồi nhưng không đi, và trong trường hợp này phải trả giá tăng gấp 2 hoặc gấp 4 lần, và container lạnh để xuất đi đường biển hiện rất thiếu.
Thứ hai, Tết Nguyên Đán sắp đến gần cũng là dịp giúp bà con tiêu thụ nông sản nhất là cây thanh long phục vụ trong những ngày Tết, thay vì đợi tới rằm tháng chạp mới mở chợ Tết, đề nghị các địa phương cho mở chợ Tết sớm giúp tiêu thụ thanh long.
Tình trạng thanh long ứ động như hiện nay hầu như năm nào cũng có, đặc biệt là hai năm gần đây thường xảy ra tình trạng giải giải cứu thanh long do Trung Quốc đã trồng được thanh long với diện tích rất lớn.
Thống kê năm 2018, Trung Quốc đã trồng được 10.000 ha đến nay đã lên tới 55.000 hecta, tương đương diện tích thanh long của Việt Nam
Mỗi năm là diện tích thanh long ở Trung Quốc phình ra từ 10% – 15%, khoảng 5 năm nữa thanh long của Trung Quốc phủ luôn sản lượng thanh long Việt Nam. Chính vì vậy việc tiêu thụ thanh long ở Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn do Trung Quốc muốn bảo hộ thanh long trong nước.
Về kiểm tra nghiêm ngặt thì Nhật Bản hay Hàn Quốc “gắt” hơn Trung Quốc
Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch hiệp hội Thanh long tỉnh Long An cho biết từ nay đến Tết Nguyên Đán tỉnh Long An đang sẽ thu hoạch khoảng 26.000 tấn thanh long. Đây là thanh long nghịch vụ có chi phí sản xuất rất cao và giá thành khoảng 15.000 đồng/kg.
Thanh Long vụ nghịch chủ yếu bán sang thị trường Trung Quốc nhưng do dịch COVID-19 nên phía Trung Quốc hầu như đóng cửa biên giới hoàn toàn khiến thanh long tắc đầu ra. Do vậy hiệp hội đề nghị.
Thứ nhất, Bộ Ngoại giao trao đổi với cá cơ quan chức năng Trung Quốc đảm bảo việc thực hiện theo đúng hiệp định thương mại giữa hai nước đã ký kết về hoạt động thương mại biên giới, cần duy trì liên tục và ổn định. Trong trường hợp có thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu hàng hóa thì phải thông báo trước 15 ngày để phía Việt Nam có thời gian chuẩn bị.
Thứ hai, đối với Bộ NN-PTNT kiến nghị đàm phán với Hải quan Trung Quốc ký kết Nghị định thư về việc giảm tỷ lệ kiểm tra kiểm dịch, xây dựng theo cơ chế nhanh các chứng thư kiểm dịch thực vật, thống nhất cơ chế giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) đối với những lô hàng thông quan của Việt Nam Nam sang thị trường Trung Quốc.
Đàm phán mở cửa thị trường mở rộng danh mục sản phẩm nông sản, thủy sản cũng như bổ sung danh sách doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Thứ ba, đề nghị UBND các tỉnh biên giới phía Bắc và các cơ quan chức năng phối hợp kiểm soát tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển mua bán hàng hóa trao đổi thương mại biên giới, về lâu dài các tỉnh biên giới cần quy hoạch các khu vực xây dựng các kho chuyên dụng bảo quản hàng hóa nông sản các loại. Mở trung tâm giao dịch gần khu vực biên giới cửa khẩu Trung Quốc
Thứ tư, đường bộ đóng biên doanh nghiệp muốn sang Trung Quốc bằng đường biển vậy có bảo đảm thanh long sẽ được vào Trung Quốc? Theo các doanh nghiệp trong Hiệp hội nếu thanh long được xuất khẩu bằng đường biển thì không cần phải giải cứu.
Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit cho biết, gần một năm nay Trung Quốc cảnh báo doanh nghiệp Việt Nam nên xuất khẩu hàng hóa bằng đường chính ngạch, bốn tháng trước họ cũng đã nhiều lần cảnh báo và khó khăn bây giờ là do các doanh nghiệp không nghe lời cảnh báo đó vẫn xuất khẩu đường bộ, trong khi thanh long xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển vẫn vào Trung Quốc bình thường, cần kiểm soát chặt chẽ covid trên thùng và bao bì.
Hiện có rất nhiều doanh nghiệp chuyển sang xuất khẩu bằng đường biển, tuy nhiên vấn đề quan trọng là phải kiểm soát bao bì hàng hóa không để bị nhiễm covid.
Sắp tới Trung Quốc còn cảnh báo vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và một khi họ kiểm soát có thể trái cây Việt Nam khó xuất sang thị trường này. Hiện nay việc sản xuất trái cây ở Việt Nam hầu như phần lớn nhiễm dư lượng thuốc BVTV.
“Công ty chúng tôi xuất đi Nhật Bản hay Hàn Quốc đều gặp khó khăn về dư lượng thuốc BVTV và mỗi lô hàng xuất đi đều phải kiểm tra nghiêm ngặt. Nếu nói về việc kiểm tra nghiêm ngặt thì sự nghiêm ngặt ở Trung Quốc chưa là bao so với các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc hay Châu Âu.
Do lâu nay chúng ta quan niệm Trung Quốc là thị trường dễ tính vì họ không kiểm tra, khi họ đặt ra vấn đề kiểm tra ATTP thì kêu họ khó khăn.
Việt Nam có lợi thế gần nước đông dân nhất thế giới cũng là nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu Trung Quốc, muốn xuất khẩu hàng hóa sang nước họ thì nông dân và doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu của họ đặt ra.
Tổng khối lượng rau quả xuất đi 50 nước cũng không bằng xuất khẩu vào một nước Trung Quốc và tổng sản lượng rau quả xuất vào thị trường Nhật Bản hay Hàn Quốc chỉ bằng hai ngày xuất vào thị trường Trung Quốc.
Muốn khai thác tốt thị trường Trung Quốc doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của thị trường này và làm theo yêu cầu của họ, đừng để khi đụng chuyện kêu các bộ, ngành và các cơ quan chức năng giải cứu”, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết từ nay tới Tết tình hình xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc sẽ rất căng thẳng do vậy hiệp hội nên bàn bạc và có giải pháp nhất kiến nghị tỉnh cần tổ chức diễn đàn kết nối để tiêu thụ thanh long.
Thứ hai là tỉnh có các doanh nghiệp rất mạnh xuất khẩu thanh long đi các thị trường như là Hoàng Phát… hiệp hội phải kêu gọi tất cả các bên vào cuộc giúp tháo gỡ khó khăn.
“Lệnh 248 và 249 là sắc lệnh mới về nhập khẩu hàng nông sản thực phẩm của phía Trung Quốc đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, quy định theo hướng chặt chẽ hơn vì vậy chúng ta cần phải thay đổi tư duy, và không thể kiến nghị phía bạn nên thế này thế nọ được. Sắp tới đây Trung Quốc là thị trường an toàn và cao cấp với các quy định đòi hỏi rất cao, cho nên không thể quan niệm như trước đây Trung Quốc là thị trường dễ tính và cách duy nhất là chúng ta phải thích ứng với các quy định này”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT khẳng định.
NGUYỄN HUYỀN
Nguồn: bizlive.vn