Bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp quý II/2020: Những mảng màu sáng, tối

Rate this post

Ghi nhận từ Nhịp sống doanh nghiệp qua tổng hợp kết quả báo cáo tài chính quý II, bức tranh doanh nghiệp ít mầu sắc tương phản hơn mọi năm mà tập trung chủ yếu vào hai vùng sáng, tối rõ rệt.

Ảnh minh họa.

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã và đang có những tác động đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Nhiều dự báo của giới chuyên gia đã đưa ra rằng, những tác động xấu của dịch Covid-19 sẽ thể hiện rõ trên con số trong báo cáo tài chính của quý II/2020.
Theo dữ liệu từ Bloomberg, cho đến nay, lợi nhuận quý II/2020 của những doanh nghiệp đã công bố tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương giảm trung bình 73% so với cùng kỳ năm trước, tiếp nối đà rơi 64% trong 3 tháng đầu năm.
Còn tại Việt Nam, con số nói trên thể hiện như thế nào? Theo ghi nhận của Nhịp sống doanh nghiệp , hầu hết các doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng ít nhiều trong quý II/2020. Số ít doanh nghiệp lóe lên những tia sáng tích cực ghi nhận những khoản lãi lớn, nhiều doanh nghiệp tăng trưởng âm thậm chí lỗ nặng do tác động của cơn đại dịch.
VÙNG SÁNG

Nằm trong nhóm những doanh nghiệp không chịu nhiều ảnh hướng tiêu cực của dịch Covid-19 là ngành thép. Báo cáo của doanh nghiệp ngành này vẫn báo lãi tăng trưởng đột biến trong quý II/2020, trong đó đáng chú ý là bộ đôi Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG).

Sản lượng thép của Hòa Phát vẫn tăng trưởng, đẩy doanh thu lên 20.422 tỷ đồng, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.756 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 2.743 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong một quý kể từ khi hoạt động của Hòa Phát.

Trong khi đó, mặc dù doanh thu sụt giảm đôi chút tuy nhiên Hoa Sen vẫn báo lãi tăng gấp đôi cùng kỳ, lên 318 tỷ đồng nhờ tiết giảm mạnh giá vốn. Kết quả này đẩy lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đầu niên độ tài chính 2019 – 2020 của Hoa Sen tăng tới 153% so với cùng kỳ, đạt 701 tỷ đồng qua đó vượt 75% mục tiêu lợi nhuận.

Nhóm chứng khoán cũng khởi sắc nhờ diễn biến tích cực của thị trường chung trong quý II. Chỉ số VN-Index tăng gần 25% trong 3 tháng với thanh khoản được cải thiện đáng kể kéo theo hàng loạt cổ phiếu tăng mạnh trong quý II giúp các CTCK ghi nhận tăng khoản lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đồng thời giảm lỗ FVTPL nhờ hoàn nhập dự phòng.

Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường tăng trưởng mạnh trong quý II cũng góp phần làm gia tăng các khoản thu từ phí cho các CTCK. Hầu hết các CTCK đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng trong quý II thậm chí một số cái tên như TCBS, SSI, VNDS hay ACBS còn tăng trưởng trên 100%.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp tăng trưởng mạnh lợi nhuận quý II/2020 so với cùng kỳ năm trước nhờ có các câu chuyện riêng như Dabaco (mã DBC) lãi đột biến hơn 400 tỷ đồng nhờ giá thịt lợn tăng cao, Phân bón và Hóa chất Dầu khí (mã DPM) lãi gấp 10 lần cùng kỳ do giá khí nguyên liệu đầu vào giảm, Cao su Phước Hòa (mã PHR) lãi gấp hơn 5 lần cùng kỳ nhờ nhận tiền đền bù đất, Sonadezi Châu Đức (mã SZC), Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (mã D2D), Bọc ống dầu khí (PV Coating – mã PVB), Bột giặt NET (mã NET)

VÙNG TỐI

Bên cạnh những khoản lãi lớn trong quý vừa qua, nhiều doanh nghiệp đầu ngành lại gặp khó do ảnh hưởng của dịch bệnh, điển hình như Vincom Retail (mã VRE). Công ty này vừa công bố kết quả kinh doanh quý II với doanh thu thuần giảm 18% xuống 1.631 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cũng giảm 46% còn 343 tỷ đồng. Trong kỳ, Vincom Retail tiếp tục giải ngân thêm 375 tỷ đồng để đồng hành, hỗ trợ các khách thuê do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Trước VRE, một công ty khác thuộc Tập đoàn Vingroup là Vinhomes (mã VHM) cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý II với sự sụt giảm mạnh các chỉ tiêu kinh doanh chính.

Theo đó, doanh thu thuần trong kỳ của Vinhomes đạt 16.377 tỷ đồng, giảm 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu do doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản (mảng đóng góp 95%) cũng giảm 22% xuống 15.608 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm đến 55% xuống mức 3.801 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 3.758 tỷ đồng.

Kẹp giữa dịch Covid-19 và biến động giá dầu, “đại gia” ngành dầu khí Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV Gas – mã GAS) cũng lao đao khi nhu cầu nhiên liệu trong đó có khí và LPG sụt giảm đồng thời, giá dầu Brent trung bình 6 tháng đầu năm chỉ khoảng 40 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với giá giả định (60USD/thùng).

Trong quý II, PV Gas ghi nhận 15.627 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 23% so với cùng kỳ tuy nhiên lợi nhuận gộp giảm tới 46% xuống 2.402 tỷ đồng do giá vốn vẫn ở mức cao. Sau khi trừ các chi phí, PV Gas thu về 1.713 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 1.714 tỷ đồng.

Hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ vàng trang sức, Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) khó tránh khỏi tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Công ty đã phải tạm đóng cửa phần lớn các cửa hàng trong nửa đầu tháng 4/2020 và dần mở cửa hoạt động lại vào nửa cuối tháng khiến doanh số bán lẻ trong tháng 4 bị ảnh hưởng đáng kể.

Dù doanh số trang sức đã phục hồi tích cực trong tháng 5 – 6/2020 sau khi dịch bệnh được kiểm soát nhưng doanh thu quý II của PNJ vẫn giảm 7,3% xuống mức 2.745 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh trong kỳ (đặc biệt là lãi vay), PNJ báo lãi sau thuế 31,7 tỷ đồng, giảm tới 81% so với cùng kỳ năm trước.

XUẤT HIỆN KHOẢN LỖ CẢ NGHÌN TỶ ĐỒNG

Là một trong những doanh nghiệp chịu tác động nặng nề nhất, Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) ghi nhận doanh thu quý II giảm tới 51% so với cùng kỳ, xuống mức 13.736 tỷ đồng. Giá vốn vẫn ở mức cao khiến công ty lỗ ròng 1.898 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2019 vẫn lãi 106 tỷ đồng. Kết quả này nâng tổng số lỗ 6 tháng đầu năm của BSR lên hơn 4.255 tỷ đồng, trong đó lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ 4.234 tỷ đồng.

Theo BSR, ngoài việc chịu tác động xấu bởi giá dầu thô và sản phẩm, công ty còn chịu tác động bởi dịch Covid-19, giãn cách xã hội đã làm nhu cầu các sản phẩm lọc hóa dầu giảm rất mạnh, đồng thời khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính cũng thu hẹp rất nhiều so với cùng kỳ năm trước, khiến kết quả sản xuất kinh doanh tháng 4 và tháng 5 tiếp tục lỗ.

Một doanh nghiệp điện cũng đã công bố khoản lỗ cao bất thường trong lịch sử hoạt động là Điện lực Khánh Hòa (mã KHP). Doanh nghiệp này đã báo lỗ đến 218,8 tỷ đồng trong quý II cao hơn rất nhiều so với khoản lỗ 14,5 tỷ đồng cùng kỳ. Kết quả này đẩy lỗ ròng 6 tháng đầu năm của KHP lên hơn 230 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 40 tỷ đồng.

Lĩnh vực vận tải chịu ảnh hưởng nặng nề khi cả nước thực hiện cách ly xã hội để phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 lây lan khiến Ánh Dương Việt Nam (Vinasun – mã VNS) báo lỗ trước thuế tới 111 tỷ đồng trong quý II/2020, cao gấp 6,5 lần số lỗ cùng kỳ. Sau 6 tháng đầu năm, Vinasun chịu lỗ 128 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng sớm báo lỗ ngay đầu mùa báo cáo như Nhiệt điện Cẩm Phả (mã NCP), Thép Dana Ý (mã DNY), DAP – VINACHEM (mã DDV), Than Núi Béo – Vinacomin (mã NBC), Du lịch Phú Thọ(mã DSP), Khách sạn Sheraton Đà Nẵng (mã BDP),…

Đến thời điểm ngày 29/7, còn rất nhiều doanh nghiệp chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2020. Tuy nhiên, dưới tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, không loại trừ khả năng sẽ có thêm những “vệt tối” trong bức tranh lợi nhuận.

THANH HÀ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version