Tính đến hết ngày 12/10, TTCK Việt Nam có đến 54 doanh nghiệp tỷ USD vốn hóa và 8 tỷ phú USD với khối tài sàn đều tăng đáng kể so với thời điểm cách đây một năm.
Thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển rực rỡ từ đầu năm 2021 kéo theo sự tăng trưởng mạnh mẽ về vốn hóa của các doanh nghiệp trên sàn. Tính đến hết ngày 12/10, TTCK Việt Nam có đến 54 doanh nghiệp tỷ USD (vốn hóa trên 23.000 tỷ đồng), tăng đáng kể so với con số 31 vào cuối năm ngoái.
Giá trị doanh nghiệp tăng vọt giúp tài sản của các doanh nhân sở hữu cũng ngày càng mở rộng, qua đó làm thay đổi đáng kể bảng xếp hạng những người giàu nhất Việt Nam. Tính theo giá trị cổ phiếu nắm giữ tại thời điểm 12/10, danh sách tỷ phú USD trên sàn chứng khoán đã có 8 cái tên. Đặc biệt, tài sản của các doanh nhân này đều đã gia tăng đáng kể trong một năm qua.
Ông Phạm Nhật Vượng vẫn vững vàng ở vị trí của người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản lên đến hơn 200.280 tỷ đồng (~8,7 tỷ USD). Tài sản của tỷ phú này cũng đã tăng đáng kể sau một năm nhờ cổ phiếu VIC đã tăng 11,2% lên mức 92.900 đồng/cổ phiếu. Chủ tịch Vingroup hiện đang trực tiếp nắm giữ 985,5 triệu cổ phiếu VIC và gián tiếp sở hữu 1,17 tỷ cổ phiếu VIC thông qua Tập đoàn Đầu tư Việt Nam.
Vốn hóa của Vingroup tương ứng 353.504 tỷ đồng (~15,4 tỷ USD) xếp thứ 2 toàn sàn chứng khoán sau Vietcombank. Bên cạnh đó, Vinhomes và Vincom Retail cũng đều nằm trong danh sách doanh nghiệp tỷ USD với giá trị vốn hóa lần lượt 352.268 tỷ đồng (~15,3 tỷ USD) và 71.727 tỷ đồng (~3,1 tỷ USD).
Hầu hết lĩnh vực phải chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 nhưng Vingroup vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tương đối khả quan. 6 tháng năm 2021, doanh thu hợp nhất của Vingroup đạt 61.770 tỷ đồng, tăng 59% và lợi nhuận trước thuế 6.403 tỷ đồng, cũng tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Trần Đình Long là tỷ phú USD có tài sản gia tăng mạnh nhất trong một năm qua. Thị giá HPG đã tăng gấp 2,7 lần so với thời điểm cách đây 1 năm và đang giao dịch quanh vùng đỉnh lịch sử với 57.000 đồng/cổ phiếu. Nhờ đó, tài sản của Chủ tịch Hòa Phát cũng tăng vọt lên 66.485 tỷ đồng (~2,89 tỷ USD) nhờ sở hữu 1,16 tỷ cổ phiếu HPG.
Giá trị vốn hóa của Hòa Phát cũng tăng mạnh trong một năm qua lên mức 254.957 tỷ đồng (~11,1 tỷ USD), xếp thứ 4 toàn sàn chứng khoán. Trước đó vào ngày 6/10, hãng dữ liệu tài chính của Anh quốc Refinitiv Eikon đã xếp Hòa Phát đứng thứ 15 trong danh sách 30 công ty thép vốn hóa lớn nhất thế giới với mức vốn hóa 11 tỷ USD, lớn hơn vốn hóa của Tập đoàn Thép hàng đầu Nhật Bản là JFE Holdings.
Với công suất thép thô 8 triệu tấn/năm, Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á và tương đương nhà sản xuất thép Top 50 thế giới. 9 tháng đầu năm 2021, Hòa Phát đạt sản lượng thép thô 6,1 triệu tấn, tăng 50% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 6,3 triệu tấn, tăng 43%. Trong đó, thép xây dựng là 2,8 triệu tấn, tăng 12%. Thép cuộn cán nóng (HRC) đạt gần 2 triệu tấn. Tôn Hòa Phát ghi nhận 273.000 tấn, gấp 2,6 lần cùng kỳ.
Bộ đôi doanh nhân Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang cũng giàu lên đáng kể chủ yếu nhờ cổ phiếu TCB và MSN đều đã tăng mạnh trong một năm qua. Trong đó, tài sản của ông Hồ Hùng Anh đã tăng 18.000 tỷ lên mức 38.560 tỷ đồng (~1,68 tỷ USD) trong khi tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang cũng tăng 19.940 tỷ lên mức 37.700 (~1,64 tỷ USD).
Cổ phiếu TCB đã tăng gấp 2,5 lần so với thời điểm cách đây một năm lên mức 53.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa 185.760 tỷ đồng (~8,1 tỷ USD), xếp thứ 7 toàn sàn chứng khoán. Trong khi đó, cổ phiếu MSN cũng đã tăng gấp đôi sau một năm lên mức 145.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa 171.768 tỷ đồng (~7,5 tỷ USD). Ngoài ra, Masan MeatLife (MML), Masan Consumer (MCH), Masan High-Tech Materials (MSR) cũng đều có vốn hóa hàng tỷ USD.
Masan hiện đã thiết lập sự hiện diện trong lĩnh vực bán lẻ thực phẩm và tài chính – hai trụ cột đầu tiên của hệ sinh thái tiêu dùng thông qua việc hoàn thiện danh mục sản phẩm F&B (Masan Consumer, MEATDeli, 3F, VinEco, Phúc Long), thiết lập sự hiện diện trong phân khúc đời sống tài chính với Techcombank, hợp nhất VinCommerce để sở hữu nền tảng bán lẻ thực phẩm lớn nhất Việt Nam và hợp tác chiến lược với Alibaba để thúc đẩy kênh tiêu dùng trực tuyến.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ tỷ phú USD duy nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam thời điểm hiện tại với khối tài sản lên đến 33.833 tỷ đồng (~1,47 tỷ USD). Tài sản của nữ doanh nhân này đã tăng đáng kể nhờ cổ phiếu VJC và HDB đã tăng lần lượt 27% và 65% so với thời điểm cách đây một năm.
Tổng giám đốc Vietjet hiện đang trực tiếp nắm giữ 47,5 triệu cổ phiếu VJC và gián tiếp sở hữu 193,4 triệu cổ phiếu này thông qua Công ty Hướng Dương Sunny. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn đang nắm giữ 74,9 triệu cổ phiếu HDB của HDBank – nơi bà đang giữ chức Phó chủ tịch HĐQT.
Mặc dù ngành hàng không gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19 nhưng Vietjet vẫn đạt được kết quả đáng ghi nhận nhờ tối ưu sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu trong giai đoạn hàng không giảm khai thác và tái cấu trúc danh mục đầu tư. 6 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của hãng hàng không lần lượt đạt 8.386 tỷ đồng và 127 tỷ đồng.
Trong khi đó, HDBank cũng báo lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 4.193 tỷ đồng, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 58% kế hoạch cả năm đề ra.
Trong một năm qua, danh sách tỷ phú USD trên sàn chứng khoán đã ghi nhận thêm những cái tên mới trong lĩnh vực bất động sản. Nổi bật là ông Bùi Thành Nhơn với khối tài sản lên đến 32.686 tỷ đồng (~1,42 tỷ USD), gấp hơn 2,2 lần so với thời điểm một năm trước. Chủ tịch Novaland hiện đang là cổ đông lớn nhất trực tiếp nắm giữ 317,3 triệu cổ phiếu NVL.
Nhờ cổ phiếu NVL tăng mạnh trong một năm qua, vốn hóa của Novaland cũng nhảy vọt lên mức 153.118 tỷ đồng (~6,7 tỷ USD). Novaland sẽ tiếp tục đầu tư vào phân khúc BĐS trung – cao cấp với quỹ đất khoảng 5.400 ha, tổng giá trị phát triển quỹ đất đạt 45 tỷ USD. Trong 10 năm tới, tập đoàn sẽ bổ sung quỹ đất thêm khoảng 10.000 ha.
Một doanh nhân có tài sản tăng vọt để “chen chân” vào danh sách tỷ phú USD là ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Bất động sản Phát Đạt. Cổ phiếu PDR đã tăng gấp 3 lần sau một năm lên mức 88.500 đồng/cổ phiếu đã giúp vị tỷ phú này có thêm gần 17.680 tỷ đồng để nâng khối tài sản lên mức 26.345 tỷ đồng (~1,45 tỷ USD).
Năm 2021, Phát Đạt đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 4.700 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.868 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 20% và 53% so với năm ngoái. Công ty bất động sản này chính là chủ sở hữu Bình Dương Tower và nắm toàn quyền quyết định việc phát triển dự án có diện tích lên đến 45.510 m2.
Sau khi gây chú ý với mã cổ phiếu SSH của Sunshine Homes, ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch Sunshine Group đã trở thành cái tên mới nhất gia nhập danh sách tỷ phú USD sau khi cổ phiếu KSF của Tập đoàn KSFinance niêm yết trên HNX liên tiếp tăng trần.
Ông Đỗ Anh Tuấn đang trực tiếp nắm giữ 162,5 triệu cổ phiếu SSH; 162,7 triệu cổ phiếu KSF; 8,5 triệu cổ phiếu SCG của Xây dựng SCG và 12,4 triệu cổ phiếu KLB của Kienlongbank. Cổ phiếu SSH tăng gấp 4,7 lần kể từ khi lên sàn đầu tháng 8 và cổ phiếu KSF tăng gần 90% sau 5 phiên lên sàn đã giúp tài sản của vị doanh nhân này tăng vọt lên 28.216 tỷ đồng (~1,23 tỷ USD).
Dù lên sàn chưa lâu nhưng Sunshine Homes cũng đã nhanh chóng lọt danh sách doanh nghiệp tỷ USD với vốn hóa 25.350 tỷ đồng (~1,1 tỷ USD) trong khi vốn hóa của KSFinance ở mức 16.950 tỷ đồng. Nếu đà tăng của cổ phiếu KSF vẫn tiếp diễn, không bất ngờ khi KSFinance sớm bước vào câu lạc bộ tỷ USD vốn hóa.
Trước ông Tuấn, ông Nguyễn Đức Thụy (“bầu” Thụy), nhà sáng lập Thaiholdings cũng đã gây sốt trên sàn chứng khoán từ nửa sau của năm 2020. Bầu Thụy đưa Thaiholdings lên sàn vào tháng 6/2020 và sau đó thâu tóm Thaigroup để thực hiện “niêm yết cửa sau” cho hệ sinh thái này.
Ông Nguyễn Đức Thụy đang sở hữu trực tiếp gần 86 triệu cổ phiếu THD của Thaiholdings và hơn 34 triệu cổ phiếu LPB của LienVietPostBank. Cổ phiếu THD tăng đột biến giúp tài sản của bầu Thụy tăng phi mã lên hơn 20.400 tỷ đồng và tiệm cận danh sách tỷ phú USD. Vốn hóa của Thaiholdings cũng tăng đến gần 99 lần so với thời điểm mới lên sàn, đạt 79.835 tỷ đồng (~3,47 tỷ USD) và là doanh nghiệp tỷ USD duy nhất trên sàn HNX.
Một cái tên cũng gần đạt đến ngưỡng tỷ USD vốn hóa là Vicostone, doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu đá thạch anh. Cổ phiếu VCS tăng 78% sau một năm đã đẩy vốn hóa của Vicostone lên mức 20.528 tỷ đồng. Nhờ sở hữu trực tiếp gần 6 triệu cổ phiếu VCS và gián tiếp 121,2 triệu cổ phiếu này thông qua Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A, tài sản của ông Hồ Xuân Năng cũng tăng đáng kể lên mức 16.510 tỷ đồng.
THANH HÀ
Nguồn: bizlive.vn