[BizDEAL] PENM III còn 66,5 triệu cổ phiếu HPG chưa bán hết do giá “chưa đạt kỳ vọng”

Rate this post

Cổ phiếu HPG đã tăng gấp 3 lần kể từ đáy cuối tháng 3 lên giao dịch quanh vùng đỉnh 41.450 đồng/cổ phiếu.

Ảnh minh họa.

Cổ phiếuHPG lên đỉnh, PENM III vẫn chưa thoái hết vốn

Quỹ ngoại PENN III Germany Gmbh & Co.KG thông báo đã bán ra 10 triệu cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát trên tổng số 76,5 triệu đơn vị đăng ký trước đó. Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận từ 27/11 – 25/12/2020. Sau giao dịch, PENN III còn sở hữu 66,5 triệu cổ phiếu HPG, tương ứng tỷ lệ 2,01% cổ phần.

Theo PENN III, nguyên nhân dẫn đến việc không bán hết số cổ phiếu đăng ký là do giá thị trường không đạt kỳ vọng. Tuy nhiên, nếu nhìn lại diễn biến cổ phiếu HPG thời gian gần đây, liệu quỹ ngoại này có đặt mục tiêu thoái vốn quá tham vọng?

Thực tế, dù có một lượng cung tiềm năng khá lớn cổ phiếu HPG vẫn không có dấu hiệu điều chỉnh trong thời gian diễn ra giao dịch của PENM III. Thậm chí, cổ phiếu này còn tiếp tục đi lên mạnh mẽ và hiện đang giao dịch quanh vùng đỉnh với 41.450 đồng/cổ phiếu, gấp 3 lần đáy cuối tháng 3.

PENM Partners đã có nhiều năm đầu tư vào cổ phiếu HPG thông qua các quỹ PENM II, PENM III và PENM IV từ năm 2008 đến nay và vẫn luôn khẳng định cam kết đầu tư lâu dài với các quỹ hiện tại và quỹ mới trong tương lai. Ngoài PENM III, quỹ PENM IV cũng đang sở hữu 39 triệu cổ phiếu HPG.

Động thái bán ra được PENM III lý giải là xuất phát từ việc quỹ ngoại này sắp đến thời hạn kết thúc quỹ vào năm 2021 sau 10 năm hoạt động. Nhiều khả năng quỹ ngoại này sẽ tiếp tục đăng ký bán nốt số cổ phiếu còn lại trong thời gian tới.

Trước đó vào ngày cuối cùng của tháng 11, hai lãnh đạo Hòa Phát là ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT và ông Doãn Gia Cường, Phó Chủ tịch HĐQT đã hoàn tất “trao tay” 24 triệu cổ phiếu HPG.

Hai lãnh đạo DIC Corp mua vào 24 triệu cổ phiếu DIG

Hai lãnh đạo cấp cao của Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp – mã DIG) mới đây đã báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu DIG.

Theo đó, ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT DIC Corp đã mua vào 7,54 triệu cổ phiếu DIG trong tổng số 10 triệu cổ phiếu đăng ký mua trước đó, nâng lượng sở hữu sau giao dịch lên hơn 27,41 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 8,6%).

Cùng với đó, ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Chủ tịch Công ty, cũng báo cáo đã mua thêm 16,59 triệu cổ phiếu DIG trong tổng số 18 triệu cổ phiếu đăng ký mua trước đó. Sau giao dịch ông Hùng Cường nâng lượng sở hữu lên hơn 27,75 triệu đơn vị (tỷ lệ 8,71%) và trở thành cổ đông lớn của DIC Corp.

Nguyên nhân không mua hết lượng cổ phiếu đăng ký đều được đưa ra là do giá cổ phiếu không đạt kỳ vọng.

Thời gian gần đây DIC Corp có nhiều biến động về cơ cấu cổ đông. Chứng khoán Bản Việt bán hết hơn 29,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 9,59%) và không còn là cổ đông lớn…

Trên thực tế, trên thị trường cổ phiếu DIG cũng đã tăng mạnh thời gian vừa qua. Nếu tính từ đầu tháng 12/2020 đến nay DIG đã 22%, lên mức 27.300 đồng/cổ phiếu như hiện nay. Còn nếu tính từ đầu năm 2020 cổ phiếu này đã tăng gấp đôi.

Chứng khoán SHS bán ra 5,6 triệu cổ phiếu VRC và 6 triệu cổ phiếu LGL

CTCP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (mã SHS) vừa báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu VRC của CTCP Bất động sản Đầu tư VRC.

Theo đó, trong 2 ngày 23 và 25/12/2020 Chứng khoán SHS đã bán ra hơn 5,6 triệu cổ phiếu VRC, tương ứng 11,21% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của Đầu tư VRC và không còn là cổ đông lớn. Sau giao dịch Chứng khoán SHS chỉ còn lại 4 cổ phiếu lẻ VRC.

Chứng khoán SHS bán ra lượng lớn cổ phiếu VRC trong bối cảnh ông Từ Như Quỳnh, Tổng Giám đốc của Đầu tư VRC đăng ký mua thêm 7 triệu cổ phiếu VRC. Tuy nhiên thời gian dự kiến giao dịch của ông Từ Như Quỳnh từ 25/12/2020 đến 22/1/2021.

Do vậy, loại trừ khả năng Chứng khoán SHS đã bán toàn bộ 5,6 triệu cổ phiếu VRC cho ông Từ Như Quỳnh, chỉ có khả năng số cổ phiếu bán ra trong ngày 25/12 là có thể do ông Từ Như Quỳnh mua vào (3 triệu cổ phiếu).

Trên thị trường, cổ phiếu VRC đã trải qua giai đoạn đầu năm 2020 đầy biến động. Trên thực tế, VRC đã giảm mạnh từ cuối năm 2019, bắt đầu bằng chuỗi 19 phiên giảm sàn liên tiếp từ 25/12/2019 đến 21/1/2020, đưa giá cổ phiếu VRC từ 24.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 6.200 đồng/cổ phiếu.

Từ đó đến nay cổ phiếu VRC duy trì giao dịch dưới mệnh giá, hiện VRC đang quanh mức 8.900 đồng/cổ phiếu.

Cũng trong ngày 25/12/2020 Chứng khoán SHS đã bán ra 6 triệu cổ phiếu LGL (tỷ lệ 11,65%) của CTCP Đầu tư và phát triển đô thị Long Giang, không còn là cổ đông lớn. Đây là giao dịch thỏa thuận với giá thỏa thuận bình quân 5.150 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị giao dịch 30,9 tỷ đồng.

Trên thị trường cổ phiếu LGL đã tăng mạnh từ đầu tháng 12 đến nay với tỷ lệ tăng khoảng 35%. Hiện LGL đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/12/2020 ở mức 7.000 đồng/cổ phiếu.

Cơ cấu cổ đông lớn của Petroland lại thay đổi

Những ngày cuối tháng 12 vừa qua, lại có thêm hàng chục triệu cổ phiếu PTL được giao dịch. Đặc biệt 2 phiên ngày 23/12 và 25/12/2020 có hơn 26 triệu cổ phiếu được thoả thuận với tổng giá trị gần 140 tỷ đồng.

Trong đó, ngày 23/12/2020 bà Đỗ Thị Hiền, một nhà đầu tư cá nhân, đã chi gần 85 tỷ đồng mua vào hơn 16,26 triệu cổ phiếu PTL với giá thỏa thuận bình quân 5.210 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu này chiếm 16,26% vốn điều lệ của Petroland, đưa bà Hiền trở thành cổ đông lớn. Trước đó bà Hiền không sở hữu cổ phiếu nào.

Cũng trong ngày 23/12, một cổ đông lớn, bà Trần Thị Ngọc Cư, đã bán bớt hơn 14,13 triệu cổ phiếu PTL trong tổng số 19,63 triệu cổ phiếu nắm giữ. Sau giao dịch bà Ngọc Cư vẫn là cổ đông lớn nắm 5,5 triệu cổ phiếu PTL (tỷ lệ 5,5%).

Ngoài ra, ông Đoàn Văn Đức, một nhà đầu tư cá nhân, đã bán bớt hơn 2,13 triệu cổ phiếu PTL trong tổng số hơn 17,46 triệu cổ phiếu đang nắm giữ. Sau giao dịch ông Đức giảm lượng sở hữu xuống còn hơn 15,33 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 15,33%). Số cổ phiếu bà ngọc Cư và ông Đức bán ra đúng bằng số cổ phiếu bà Hiền mua vào.

Sang ngày 25/12/2020, ông Nguyễn Văn Vinh công bố mua vào hơn 9,83 triệu cổ phiếu PTL tương ứng 9,83% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của Petroland và trở thành cổ đông lớn. Trước giao dịch này ông Vinh không sở hữu cổ phiếu PTL nào. Đây cũng là giao dịch thỏa thuận với giá thỏa thuận bình quân 5.310 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị giao dịch hơn 52,2 tỷ đồng. Hiện chưa có thông tin về bên chuyển nhượng cổ phần cho ông Vinh.

Người có liên quan đến thành viên HĐQT đăng ký bán gần 5,6 triệu cổ phiếu FIT

Ông Kiều Anh Kiệt người có liên quan đến thành viên HĐQT của CTCP Tập đoàn F.I.T (FIT Group) đã thông báo với các bên liên quan về việc sẽ bán gần 5,6 triệu cổ phiếu FIT của FIT Group mà ông này đang nắm giữ.

Cụ thể, từ ngày 05/01/2021 đến ngày 02/02/2021, ông Kiều Anh Kiệt đăng ký bán 5.592.055 cổ phiếu FIT tương đương 2,159% với phương thức khớp lệnh/ hoặc thoả thuận. Nếu thực hiện giao dịch thành công thì ông Kiều Anh Kiệt sẽ không nắm giữ cổ phần tại FIT Group. Lý do bán số lượng cổ phiếu này của ông Kiệt là vì mục đích cá nhân.

Được biết, ông Kiều Anh Kiệt là người có liên quan (em trai) đến ông Kiều Hữu Dũng. Ông Dũng đang giữ vị trí Thành viên HĐQT của FIT. Hiện ông Dũng không sở hữu bất kì cổ phiếu FIT nào.

Tính đến cuối phiên sáng ngày 29/12/2021, cổ phiếu FIT đang ở mức 14.250 đồng/cổ phiếu, tăng 1,1% so với tham chiếu.

THANH HÀ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version