[BizDEAL] Nhà Khang Điền (KDH) dự thu 780 tỷ đồng nhờ bán toàn bộ cổ phiếu quỹ

Rate this post

Lượng cổ phiếu quỹ có giá trị ghi sổ 419 tỷ đồng, tương đương giá 21.108 đồng/cổ phiếu. Ước tính, Nhà Khang Điền có thể thu về khoản thặng dư khoảng 360 tỷ đồng nếu bán thành công.

Nhà Khang Điền chuẩn bị chốt lời số cổ phiếu quỹ mua từ tháng 5/2020

Nhà Khang Điền (KDH) sẽ bán gần 20 triệu cổ phiếu quỹ từ ngày 14/9

CTCP Nhà Khang Điền (mã KDH) mới đây đã đăng ký bán toàn bộ 19,85 triệu cổ phiếu quỹ từ 14/9 đến 13/10. Giao dịch có thể thực hiện khớp lệnh hoặc thỏa thuận, giá bán theo giá thị trường.

Đây là lượng cổ phiếu quỹ Nhà Khang Điền mua vào tháng 5/2020, mục đích bảo vệ quyền lợi công ty và cổ đông khi giá cổ phiếu rớt xuống đáy nhiều năm. Lượng cổ phiếu quỹ có giá trị ghi sổ 419 tỷ đồng, tương đương giá 21.108 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu KDH chốt phiên 1/9 ở mức giá 39.300 đồng/cổ phiếu, giảm 7% tính từ mức đỉnh thiết lập trong tháng 8 nhưng vẫn cao hơn 46% tính từ cuối tháng 3. Tạm tính theo giá này, Nhà Khang Điền có thể thu về 780 tỷ đồng, lãi gần 87% sau hơn 1 năm nắm giữ. Số tiền thu về sẽ được bổ sung vốn lưu động.

6 tháng đầu năm, Nhà Khang Điền ghi nhận 1.949 tỷ đồng doanh thu, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 470 tỷ đồng, tăng 15%. Với kết quả đạt được, công ty mới thực hiện 41% chỉ tiêu doanh thu và 39% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

Pyn Elite Fund bán bớt gần 1,6 triệu cổ phiếu Y tế Việt Nhật (JVC)

Quỹ ngoại Pyn Elite Fund mới đây đã hoàn tất bán ra hơn 1,58 triệu cổ phiếu JVC của CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật. Giao dịch thực hiện trong phiên 25/8 thông qua phương thức khớp lệnh qua sàn.

Tạm tính theo giá chốt phiên cùng ngày của cổ phiếu JVC là 4.830 đồng/cổ phiếu, ước tính quỹ Pyn Elite thu về hơn 7,6 tỷ đồng sau thương vụ thoái vốn này. Sau giao dịch, quỹ ngoại đến từ Phần Lan đã giảm lượng cổ phần nắm giữ từ 12,37 triệu đơn vị, tương ứng 11% vốn xuống còn khoảng 10,8 triệu cổ phiếu, ứng với 9,6% vốn điều lệ JVC.

PYN Elite Fund chính thức trở thành cổ đông lớn của Thiết bị Y tế Việt Nhật từ cuối năm 2016. Cổ phiếu JVC khi đó giảm mạnh từ vùng giá 22.000 đồng về vùng giá 3.000 – 4.000 đồng/cổ phiếu sau sự cố của Chủ tịch Công ty và hàng loạt cổ đông ngoại liên tục thoái vốn. Đến tháng 2/2018, quỹ ngoại này tiếp tục gom thêm hơn 924 nghìn cổ phiếu JVC, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 11% vốn như trước giao dịch vừa qua.

Trên thị trường, giá cổ phiếu JVC đã ghi nhận chuỗi 5 phiên tăng điểm trong đó có 4 phiên tăng trần liên tiếp, thị giá qua đó tăng hơn 33% lên 5.580 đồng/cổ phiếu. Sau đó, cổ phiếu này đã bất ngờ quay đầu giảm sàn liên tiếp trong phiên Pyn Eilte bán ra và phiên kề trước. Dù vậy, thị giá JVC vẫn cao hơn 54% so với đầu tháng 7 và hiện đang dừng ở mức 5.250 đồng/cổ phiếu.

VMD tăng trần 14 phiên lên gấp 3 lần, người nhà lãnh đạo muốn thoái bớt vốn

Bà Đào Thị Bình, vợ ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó chủ tịch HĐQT CTCP Y Dược phẩm Vimedimex (mã VMD) đã đăng ký bán ra 200.000 cổ phiếu VMD nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân.

Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận, thời gian từ ngày 1/9 đến ngày 30/9/2021. Hiện tại, bà Bình đang nắm giữ hơn 540.000 cổ phiếu VMD, tương ứng tỷ lệ 3,5% vốn điều lệ.

Người nhà lãnh đạo VMD đăng ký bán ra cổ phiếu giữa lúc cổ phiếu VMD đang liên tục leo đỉnh mới sau thông tin Y Dược phẩm Vimedimex đã ký hợp đồng nhập khẩu 10 triệu liều vắc xin COVID-19 Janssen (Johnson & Johnson’s Janssen); 5 triệu liều vắc xin Pfizer và 10 triệu liều vắc xin COVID-19 Sputnik V.

Trong số 18 phiên gần đây đã tăng trần 16 phiên, thị giá VMD đã tăng gấp 3,3 lần từ 24.700 đồng/cổ phiếu lên 82.400 đồng/cổ phiếu. Tạm tính với mức thị giá hiện tại, bà Bình sẽ thu về khoảng 15,4 tỷ đồng từ việc bán bớt cổ phiếu VMD.

Louis Capital (TGG) chi hơn 14 tỷ đồng để sở hữu gần 23% cổ phần SMT

CTCP Louis Capital (mã TGG) đã thông báo mua thành công hơn 1,2 triệu cp của CTCP Sametel (mã SMT) qua đó trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ 22,84%. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận trong ngày 26/8 với giá trị hơn 14 tỷ đồng.

Về việc góp vốn vào SMT, mục tiêu của TGG là trở thành công ty mẹ và nắm quyền sở hữu Công ty này thông qua việc sở hữu 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Như vậy, khả năng cao trong thời gian sắp tới TGG sẽ tiếp tục mua vào cổ phần của SMT cho đến khi đạt được tỷ lệ mục tiêu.

Trước động thái thâu tóm của TGG, ông Phạm Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐQT SMT và cổ đông lớn nhất là CTCP Dây và Cáp Sacom đã đăng ký thoái vốn khỏi công ty. Trong đó, ông Tuấn đăng ký bán 180.000 cổ phiếu còn Dây và Cáp Sacom đăng ký bán toàn bộ gần 1,4 triệu cổ phiếu SMT đang nắm giữ.

Trên thị trường, cổ phiếu SMT đã có phiên tăng trần thứ 8 liên tiếp và đóng cửa phiên 1/9 tại mức 16.300/cổ phiếu, tăng hơn gấp đôi chỉ trong khoảng 1 tháng trở lại đây.

THANH HÀ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version