[BizDEAL] Cổ phiếu thép tăng nóng, cổ đông lớn cùng lãnh đạo “tranh thủ” chốt lời

Rate this post

Cổ đông lớn tại HSG đăng ký thoái bớt 30 triệu cổ phiếu trong khi một lãnh đạo của Thép Nam Kim muốn bán sạch cổ phiếu NKG.

Ảnh minh họa.

Công ty ông Lê Phước Vũ đăng ký bán 30 triệu cổ phiếu HSG

Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen mới đây đã đăng ký bán cổ phiếu tại CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG). Theo đó, Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen, tổ chức có liên quan tới ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT HSG đăng ký bán 30 triệu cổ phiếu HSG, mục đích thực hiện giao dịch nhằm giải quyết nhu cầu tài chính của công ty.

Nếu giao dịch thành công sẽ giảm sở hữu từ 16,45% về còn 9,7% vốn điều lệ. Dự kiến giao dịch thực hiện từ 25/11 đến 24/12.

Trước đó, trong tháng 6/2020, Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen đã thực hiện 2 đợt bán ra cổ phiếu HSG, tổng khối lượng bán là 35 triệu cổ phiếu.

Trong niên độ năm (từ ngày 01/10/2019 – 30/09/2020), Hoa Sen ghi nhận doanh thu giảm 2%, xuống 27.534 tỷ đồng. Biên lãi gộp cải thiện và chi phí tài chính giảm giúp lợi nhuận gấp 3 lần niên độ trước lên 1.151 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/11, cổ phiếu HSG giảm 400 đồng/cổ phiếu xuống mức 18.400 đồng/cổ phiếu. Thời gian vừa qua cổ phiếu này đã có giai đoạn tăng mạnh kể từ cuối tháng 3/2020, từ 5.000 đồng/cổ phiếu leo lên hơn 18.000 đồng/cổ phiếu.

Một lãnh đạo Thép Nam Kim đăng ký bán sạch cổ phiếu NKG

CTCP Thép Nam Kim (mã NKG) đã thông báo giao dịch cổ phiếu của người nội bộ là thành viên Hội đồng quản trị – ông Võ Thời. Theo đó, ông Thời đăng ký bán 775.090 cổ phần, tương ứng với tỷ lệ 0,43% là toàn bộ số cổ phiếu mà vị lãnh đạo này nắm giữ tại NKG, giảm sở hữu xuống còn 0%.

Phương thức thực hiện giao dịch là thoả thuận hoặc khớp lệnh với thời gian dự kiến giao dịch từ 26/11 đến 25/12/2020.

9 tháng đầu năm, Thép Nam Kim đạt 8.141 tỷ đồng doanh thu, giảm 9,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn tăng gấp 3,5 lần cùng kỳ, lên mức 141,4 tỷ đồng qua đó hoàn thành 70% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.

Công ty chứng khoán Yuanta mới đây đưa ra dự báo, NKG có thể tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý 4/2020 nhờ mức nền thấp của cùng kỳ 2019, bên cạnh đó diễn biến giá HRC tiếp tục thuận lợi và hoạt động xuất khẩu đang dần hồi phục.

Năm 2020, Yuanta dự báo lợi nhuận sau thuế của NKG ước đạt 226.4 tỷ đồng, tăng trưởng +378% YoY, EPS dự phóng năm 2020 là 1,112 VNĐ.

Cùng với diễn biến tích cực của kết quả kinh doanh, cổ phiếu NKG trên sàn chứng khoán cũng chứng kiến nhịp tăng mạnh từ mức hơn 4.000 đồng/cổ phiếu cuối tháng 3/2020 lên gần 12.000 đồng/cổ phiếu thời điểm hiện tại. Đặc biệt thời gian gần đây NKG liên tục có những phiên tăng kịch biên độ.

Thaco đăng ký bán gần 57 triệu cổ phiếu HVG, giảm tỷ lệ sở hữu còn 1,36%

CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) đã đăng ký bán ra gần 57 triệu cổ phiếu, tương đương 24,9% vốn của CTCP Hùng Vương (mã HVG) nhằm mục đích cơ cấu tài chính. Giao dịch dự kiến được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 20/11-18/12/2020.

Hiện tại, Thaco đang sở hữu 59,6 triệu cổ phiếu HVG, tương ứng tỷ lệ 26,26% vốn tại Hùng Vương. Nếu giao dịch thành công, công ty của ông Trần Bá Dương sẽ giảm sở hữu tại doanh nghiệp thủy sản này xuống còn 1,36% vốn.

Nhiều khả năng bên mua là ông Nguyễn Phúc Thịnh, thành viên HĐQT của cả Thaco và Hùng Vương. Theo đó, cá nhân này cũng vừa đăng ký mua vào lượng cổ phiếu đúng bằng số cổ phiếu Thaco muốn bán ra trong cùng khoảng thời gian từ ngày 20/11-18/12/2020. Các giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức thỏa thuận.

Đầu tháng 8, cổ phiếu HVG đã bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà HoSE, hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết hủy niêm yết nhằm bảo vệ nhà đầu tư.

Sau đó, hơn 227 triệu cổ phiếu HVG đã được chấp thuận giao dịch trên sàn UpCOM vào ngày 13/08/2020. Tuy nhiên, cổ phiếu này bị hạn chế và chỉ được giao dịch vào ngày thứ Sáu hàng tuần, bắt đầu từ ngày 13/08. Hiện HVG đang dừng ở mức 4.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị thị trường lô cổ phiếu Thaco muốn bán ra vào khoảng hơn 270 tỷ đồng.

Quỹ ngoại liên tục “trao tay” cổ phiếu FPT quanh vùng đỉnh

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã thực hiện chuyển quyền sở hữu 1 triệu cổ phiếu CTCP FPT (mã FPT) từ Vietnam Growth Stock Income Mother Fund sang cho Ntasian Discovery Master Fund.

Tạm tính tại mức thị giá cổ phiếu FPT chốt ngày hiệu lực chuyển quyền 16/11 (53.300 đồng/cổ phiếu), giá trị thị trường của lô cổ phiếu này vào khoảng 53,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, FPT là cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư “săn đón” và thường xuyên kịch room ngoại. Do đó, nhiều khả năng Ntasian Discovery Master Fund sẽ phải chi số tiền cao hơn giá trị thị trường để sở hữu số cổ phiếu trên.

Trước đó, các quỹ ngoại đã liên tục “sang tay” gần 3 triệu cổ phiếu FPT tháng 10 vừa qua trong đó Ntasian Discovery Master Fund cũng nhanh tay nhận về 663.500 cổ phiếu.

Trên thị trường, cổ phiếu FPT hiện đang dừng ở mức 54.000 đồng/cổ phiếu, đỉnh lịch sử tính theo giá đóng cửa đã điều chỉnh. Mức thị giá này cao hơn 11% so với đầu năm, thậm chí tăng gần 60% từ vùng đáy hồi cuối tháng 3.

Nhóm VinaCapital tiếp tục giảm sở hữu tại PNJ

Quỹ VOF Investment Limited thuộc VinaCapital mới đây đã hoàn tất bán 115.000 cổ phiếu CTCP Vàng bạc Phú Nhuận (mã PNJ) trong phiên 10/11 qua đó giảm tỷ lệ xuống 0,78%.

Trước đó vào trung tuần tháng 10, quỹ Vietnam Investment Property Holdings Limited, một thành viên khác thuộc VinaCapital, cũng đã bán toàn bộ 708.500 cổ phiếu PNJ.

Sau loạt giao dịch gần đây, tổng lượng sở hữu của cả nhóm VinaCapital đã giảm xuống 15,7 triệu đơn vị, tương đương 6,95% vốn điều lệ.

PNJ là một trong những cổ phiếu ưa thích của nhà đầu tư nước ngoài và thường xuyên trong tình trạng gần kịch room ngoại. Bên cạnh VinaCapital, PNJ còn có cổ đông lớn nước ngoài khác là nhóm quỹ Dragon Capital với tỷ lệ sở hữu 9,27%.

Trên thị trường, cổ phiếu PNJ hiện đang giao dịch quanh mức 72.800 đồng/cổ phiếu, tăng 16% sau khoảng 1 tháng. Tạm tính tại mức thị giá hiện tại, vốn hóa của PNJ vào khoảng 16.400 tỷ đồng.

THANH HÀ

Nguồn: bizlive.vn

Exit mobile version